head

Wednesday, September 28, 2005

Hôn nhân là kết qủa của tình yêu.

Câu 1:

A)-Theo bạn những nguyên nhân nào gây mâu thuẫn, xáo trộn trong gia đình?
B)-Bạn phải làm gì để tránh các nguyên nhân đó và cùng nhau giải quyết các xung đột trong gia đình?



Hôn nhân là kết qủa của tình yêu. Mỗi khi chúng ta được mời dự tiệc cưới, chúng ta đều nghe và chúc cho đôi tân giai nhân “ trăm năm hạnh phúc”.
Bất cứ ai bước vào đời sống hôn nhân đều mong muốn hôn nhân mình được “ bền vững sắc son, bên nhau trọn đời”. Thế nhưng, có bao nhiêu gia đình thực hiện được điều chúc phúc này.

Ngày nay người ta đang cổ vũ cho lối sống hiện đại, những tư tưởng hiện đại và vai trò của người phụ nữ trong gia đình được từng bước khẳng định và xã hội chấp nhận.
Phụ nữ được công nhận quyền bình đẵng với nam giới, họ có khả năng hoạt động, lãnh đạo đảm trách các công việc mà trước đây nam giới giữ vai trò chủ đạo, họ ít lệ thuộc vào đàn ông hơn.

Chính những nhu cầu tự khẵng định mình của nữ giới kéo theo hàng loạt những những biến đổi khác trong xã hội và thực trạng về cuộc sống hôn nhân trong xã hội ngày càng phức tạp hơn, tỷ lệ các vụ ly hôn ngày càng tăng cao.

Trong quá khứ, người phụ nữ chỉ đóng vai trò thứ yếu. “ Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” Xã hội trọng nam khinh nữ, mười người phụ nữ cũng không được xem trọng như một người đàn ông.

Theo quan niệm của các nhà Nho giáo, phụ nữ ngày xưa “ Xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, người phụ nữ chỉ biết chăm lo chồng con, tôn thờ chồng, phục vụ con.
Những đóng góp và cống hiến của họ trong gia đình không được công nhận. Họ không có nhu cầu riêng cho họ, không ai bảo vệ quyền lợi cho họ.

So sánh vai trò người phụ nữ từ trong qúa khứ và hiện tại ta thấy được sự khác biệt rõ nét. Phụ nữ thời xưa thiệt thòi hơn, và sống cam chịu hơn. Phụ nữ ngày nay tiến bộ hơn, sống tự do hơn.




Phát triển cùng với nhu cầu xã hội, con người luôn nắm bắt và đòi hỏi nhiều thứ nhằm phục vụ chính bản thân mình. Người phụ nữ ngày nay khẳng định vị trí của mình trong xã hội và họ cũng muốn khẳng định vai trò của họ ngay trong gia đình.

Đàn ông Việt Nam từ trong quá khứ đến hiện tại luôn giữ vai trò chính trong gia đình, họ luôn coi họ là trung tâm. Nam giới và nữ giới ngày nay bình đẵng như nhau cho nên “một nước không thể có hai vua, một rừng không thể có hai cọp làm bá chủ”. Một gia đình không thể có hai người đều muốn khẵng định vai trò quan trọng của mình.

Trong cuộc sống hôn nhân nếu cả hai đều muốn mình là người ra lệnh, mình là người quan trọng và muốn vợ hoặc chồng mình phục vụ mình, hôn nhân đó dễ đi đến tan vỡ.
Đời sống gia đình phải là “ thuận vợ thuận chồng” “ kẻ đứng mũi, người chịu xào” phân chia trách nhiệm và nghĩa vụ, yêu thương, tôn trọng nhau. Bao lâu đời sống hôn nhân không còn chỗ cho sự yêu thương, cảm thông, đối thoại người ta không còn giữ được nền tảng hạnh phúc gia đình.

Kết qủa của những cặp vợ chồng luôn đòi hỏi nhu cầu mà không hy sinh là những cuộc cãi vã, chia tay và hàng loạt các mâu thuẫn khác dẫn đến tan ra trong hôn nhân.


Những mâu thuẫn trong gia đình thường bắt nguồn từ nguyên nhân chính như sau:

-Không có sự quan tâm, chăm sóc và đối thoại với nhau. Vợ chồng ít có thời gian giành cho nhau. Nhu cầu con người là rất lớn và cần thiết, vợ chồng sống với nhau hằng ngày nên đa phần đều nghĩ họ hiểu người bạn đời của mình cần gì.

Trên thực tế họ không nhận biết khi xã hội càng phát triển, nhu cầu sẽ thay đổi theo.Hàng loạt những biến chuyển từ vật chất lẫn tinh thần đều đòi hỏi sự quan tâm chăm sóc và trao đổi với nhau hằng ngày. Có nhiều vấn đề dẫn đến sự tranh luận giữa vợ chồng chẳng hạn như :

- Quyền hạn và trách nhiệm nuôi dạy con cái trong gia đình.
- Chi tiêu trong cuộc sống, vấn đề tâm sinh lý và những ảnh hưởng của xã hội tác động đến đời sống vợ chồng.

Tất cả những điều này nếu không được bàn bạc và thảo luận có sự hiểu biết lẫn nhau sẽ là những vết nứt làm đắm cả một con tàu hạnh phúc lứa đôi.
Hành trình hôn nhân là những ngày tháng hạnh phúc màu hồng và có cả những bóng đêm.

Để hạn chế và giảm bớt những vấn đề gia đình cần phải “Hoa`, Hiệp Thông, Tham dự và Đối thoại”. Phải hoa` hiệp thông trong tình yêu thương, phải biết đón nhận những sự khác biệt của nhau, biết hy sinh cho nhau.

Tham dự những bằng việc chia sẻ trách nhiệm và bổn phận làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ. Tham dự cùng nhau về những kế hoạch và bàn bạc mọi việc trong sự thống nhất vợ chồng tôn trọng và yêu thương nhau.

Cần có sự đối thoại với nhau về những mâu thuẫn, bất đồng, trao đổi với nhau về những vấn đề lo lắng. Biết lắng nghe và thông cảm chia sẻ nhau trong chuyện buồn cũng như vui.




Xin mượn lời bài viết của Nữ Giáo Sư Tạ Thanh Minh Khánh, Paris viết cho tờ báo điện tử, có một vài lời khuyên và hướng đi tôi cho là chúng ta nên học hỏi nhất là đối với người tín hữu theo Chúa: http://www.btinternet.com

“Truyền thống tôn giáo cũng như luân lý cổ võ khoan nhượng, làm hòa, nhắc nhở cái bất toàn của con người, khuyến khích hướng thượng. Chính nhờ thiện cản thủ đắc nên sau những giận hờn bất chợt, những đôi co khó tránh trong cuộc đời hôn nhân đăng đẳng, lương tâm thôi thúc mỗi người suy nghĩ lại để "ăn ở cho phải đạo", cư xử cho phải lẽ.

Chọn đời sống thực hành đức tin cũng là cách định hướng cho gia đình sống lành mạnh, an hòa. Do đó những buổi tĩnh tâm, hành hương, những chương trình hội thảo về gia đình đều là dịp để nhìn lại chính mình, để cải thiện, vun bồi hay để thêm sức chịu đựng giữ lời thề hứa bất khả phân ly của ngày đám cưới.

Ở đây vẫn ngọn trúc xanh, vẫn hoa vạn thọ, vẫn hát quan họ, vẫn điệu thương hồ... như cái phong thái gia đình Việt Nam vẫn bàng bạc trong cộng đồng với ít nhiều thay đổi hiển nhiên theo môi trường sinh sống. Và con người có khả năng sinh động, gạn lọc, chọn ước muốn bảo vệ hôn nhân là điểm sáng cốt lõi lương tâm dành cho gia đình: Hạnh Phúc Hôn Nhân
OoO




Câu 2:
A-Bạn suy nghĩ gì về việc quan hệ vợ chồng trước hôn nhân? B-Nếu một trong hai người hay cả hai người trong qúa khứ có quan hệ bất chính với người này hay người kia có nên trao đổi và nói cho người phối ngẫu biết không?

Thử tìm những giải pháp êm đẹp.

Báo tuổi trẻ phát hành năm kỳ từ ngày thứ năm 22 tháng 9 đến ngày thứ ba 27 tháng 9 năm 2005 đã đưa hàng loạt các dẫn chứng, nguyên nhân cũng như cảnh báo về nạn nạo phá thai ở trẻ độ tuổi vị thành niên.

Tiêu đề bài báo:” Nạo phá thai trong giới trẻ “SOS!”

Qua các nhận định của giới chuyên môn: bác sĩ, chuyên gia tâm lý, nhà giáo dục, các bậc phụ huynh tất cả đều lên tiếng báo động việc quan hệ tình dục trước hôn nhân dẫn đến nạo phá thai là một tình trạng báo động đỏ.

Có hàng ngàn nguyên nhân và lý do dẫn đến việc quan hệ tình dục trước hôn nhân nhưng kết qủa để lại là những hậu qủa nghiêm trọng cho các bạn gái.

Về mặt thể lý:
Quan hệ trước hôn nhân thường dẫn đến tình trạng có thai ngoài ý muốn và các bà mẹ bất đắc dĩ chưa chuẩn bị để làm mẹ hoặc họ chưa có khả năng chăm sóc thai nhi và kết qủa là việc nạo phá thai gây ảnh hưởng đến sức khỏe nghiêm trọng.

Về mặt tâm lý:
Nữ giới khi có quan hệ trước hôn nhân, thường mang tâm lý mặc cảm, tội lỗi hoặc sống buông thả bất chấp đạo đức xã hội.

Qua các cuộc thăm dò, người ta xác định 90% nam giới muốn kết hôn với người phụ nữ “trinh tiết”, họ cho rằng những thiếu nữ còn trinh là những người đoan trang, đức hạnh và là đối tượng tốt để lấy làm vợ vì không một người đàn ông nào muốn lấy vợ không còn trong trắng.
Như vậy xã hội Việt Nam vẫn coi trọng và đánh giá cao vấn đề trinh tiết của người phụ nữ. Trinh tiết có thể được xem như thước đo chuẩn mực về đạo đức mà các đấng mày râu đánh giá vợ mình khi bước vào hôn nhân.

Vậy các bạn gái, các bạn hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi các bạn trao cuộc đời mình cho ai và hãy tỉnh táo, hiểu biết để không phải ân hận hay hối tiếc về sau.




Các bạn nam nên yêu thương và tôn trọng người yêu mình, đừng làm tổn thương họ. Các bạn hãy là những người vị tha, hy sinh, gìn giữ người mình yêu. Để đánh giá đúng về vấn đề này còn tùy thuộc vào cách sống và suy nghĩ của mỗi người.

Tôi không có ý định đề cao giá trị trinh tiết để phản bác hay lên án những người có quan hệ trước hôn nhân. Hơn ai hết tôi thông cảm và chia sẻ những mất mát và thiệt thòi với những người vì lý do nào đó gặp phải bất hạnh, sai lầm trong cuộc đời.
Người không mắc sai lầm là tốt, nhưng nếu biết sai mà sửa là người đáng qúy trọng. Câu hỏi đặt ra cho mỗi người đó là khi chúng ta phạm sai lầm chúng ta có dám nhìn nhận và đương đầu với sai lầm không?

Chúng ta có tự tin sửa sai không và sửa bằng cách nào?

Có thể bạn cho rằng tôi không phải là bạn, tôi không phạm sai lầm nên tôi có thể nói hay và là những lời đạo đức lý thuyết xuông không thuyết phục. Hoặc bạn cho là tôi vì tội nghiệp bạn nên đưa ra lời an ủi động viên.

Xin thưa tôi cũng là người trẻ như bạn, tôi cũng phạm sai lầm như bạn Tôi người trẻ, tự tin và mơ mộng, khi yêu tôi nhìn đâu cũng toàn màu hồng.

Tôi cho đi những gì mình có và nghĩ điều đó mới chứng tỏ là tình yêu. Nhưng rồi tình yêu bắt đầu chuyển sang màu khác….tôi bắt đầu hối hận và bối rối.

Tôi không tự tin đối diện với gia đình, tôi không tự tin kết bạn trai và sợ khi phải nghĩ đến lập gia đình.
Biết bao người đàn ông rất tốt đến với tôi, họ nghĩ tôi: một cô giáo ngoan hiền, đạo đức, họ yêu vẻ bề ngoài thánh thiện của tôi.

Nhưng tôi không thể nói với họ về sai lầm của tôi.

Tôi sống trong tuyệt vọng, tội lỗi, xấu hổ và mặc cảm với bản thân. Tôi vô vọng và luôn nghĩ đến cái chết… có thể bạn cho tôi là kẻ khùng điên, nhưng xin thưa khi bạn lâm vào hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan” vào bước đường cùng, bạn sẽ hiểu tại sao người ta “ tự tử vì tình” nó không đáng để chết, nhưng lúc bạn suy sụp tinh thần, bạn không còn đủ lý trí để nhận ra đúng sai.

Tôi may mắn có được một gia đình tuyệt vời, ba mẹ tôi luôn bên tôi, họ biết tôi buồn vì chuyện tình tôi tan vỡ nhưng họ không biết tôi đã sai phạm lỗi lầm. Họ lặng lẽ bên tôi, động viên nhẹ nhàng.



Mẹ tôi chỉ nói với tôi, khi mẹ còn trẻ nhất là lúc mẹ chuẩn bị kết hôn, mẹ thường đi nhà thờ “ Đền chúa cứu thế” để cầu nguyện. Tôi: con bé bướng bỉnh và cao ngạo, tôi học giỏi nhất nhì trong lớp.

Tôi luôn tự tin trong công việc và tôi không có thời gian giành cho đạo. Tôi là kẻ có đạo chỉ là danh nghĩa…chứ tôi không có Chúa…tôi không có thời gian giành cho Chúa vì tôi làm việc và học tập suốt tuần.

Một ngày của tôi bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 12 giờ đêm tôi mới đi ngủ, thử hỏi giờ nào tôi giành cho Chúa. Khi tôi nghe mẹ nói như vậy, tôi buồn chán và nghĩ, đến nhà thờ cũng tốt, ngồi đó chẳng ai biết mình là ai.

Tôi đến nhà thơ chỉ là giải pháp trốn tránh mọi người chứ không tin Chúa hay yêu thích gì hết. Và rồi mỗi lần đến nhà thờ tôi ngồi đó và từ từ nghĩ lại. Tại sao tôi lại muốn chết khi cha mẹ tôi sinh tôi ra tôi chưa làm gì cho họ.

Tôi tham gia các hoạt động xã hội và thấy là nhiều người cần tôi, tôi có ích cho một em bé trong trại trẻ khuyết tật khi nó muốn cầm một trái banh mà không được vì nó không có tay.

Tôi có ích cho một ông lão hay bà lão vì tôi có sức khỏe, tôi có kiến thức tôi có thể làm ra tiền để giúp họ vượt qua cơn đói. Tôi có ích khi tôi đến những dưỡng đường chăm sóc các bệnh nhân AIDS vì chỉ cần tôi hỏi thăm họ và cười với họ là đem lại hy vọng sống cho họ.

À thì ra tôi không phải là người dư thừa trong xã hội. Hiểu được điều đó tôi thấy mình tốt hơn, sống vui hơn và điều quan trọng là tôi nhìn thấy được sai lầm của tôi không phải không có nguyên nhân và không phải là sự trừng phạt của Thiên Chúa mà đó là phần thưởng nhờ đó tôi sống tốt hơn.

Sống có Chúa trong đời tôi. Tôi không oán hận người đã làm tôi phải trả giá vì nếu ngay từ đầu tôi hiểu biết và trân trọng những gì tôi có tôi sẽ không gặp sai lầm.

Sai lầm chỉ là thử thách và là cơ hội cho tôi biết nhận biết giá trị cuộc sống của mình.Và, lại một lần nữa đối diện với qúa khứ của mình khi tôi gặp anh, chồng tương lai của tôi hiện nay.

Không ai muốn nói qúa khứ xấu của mình, nhưng tôi không thể nói dối vì tôi biết “ cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra” và khi yêu không nên nói dối.

Tôi quen anh và tôi có niềm tin vào anh vì ít ra sau 5 năm mắc sai lầm tôi cũng biết được giá trị của sự sống là phải trung thực. Tôi đã quyết định kể cho anh nghe sai lầm của mình.
Anh yên lặng nghe tôi kể và rồi anh đã chia sẻ với tôi về quan niệm sống của anh.

Anh nói với tôi, anh cần người yêu, người vợ hiểu biết để cảm thông, chia sẻ và có thể cùng anh sống suốt đời chứ không cần người vợ, người yêu còn trinh trắng nhưng khi về sống chung không thể hòa hợp.

Tôi biết ơn anh vì anh cho tôi niềm tin và tình yêu mới. Giờ đây chúng tôi đang chuẩn bị mọi thứ cho ngày hôn lễ và ước mong của tôi được cùng anh bước vào thánh đường trước sự chúc phúc của Thiên Chúa.

Tôi chỉ xin chia sẻ một chút hiểu biết với bạn, giúp những bạn trẻ những người chưa phạm sai lầm như tôi nên hiểu rõ hơn giá trị và hậu qủa của việc mình làm phải trả giá như thế nào để tránh.

Xin thắp lên một tia hy vọng với những bạn đã mắc sai lầm như tôi.
Xin các bạn đừng bi quan, đừng đánh mất mình…..hãy vững tin sống và hy vọng bạn nhé.







Le bich Ngoc .
Saigon Ngay 29 thang 9 nam 2005

No comments:

Post a Comment