head

Monday, July 31, 2006

Nhập gia tùy tục

Nhập gia tùy tục (( when in Rome, do as the Romans do)

Rời khỏi Việt Nam trên chuyến bay Vietnam airline, chào tạm biệt quê hương Việt Nam yêu dấu, nơi có biết bao kỷ niệm của tuổi thơ tôi, nơi có biết bao người thân yêu của tôi ở lại và bao truyền thống tốt đẹp dạy tôi làm người và cũng biết bao chuyện buồn mà người dân quê tôi đang hứng chịu từng ngày. Tôi lên đường theo chồng định cư.

Bước xuống phi trường Sydney, cả một đoạn đường dài từ nơi máy bay hạ cánh, đến chỗ tôi làm thủ tục nhập cảnh đi mỏi cả chân. Hải quan Úc giúp tôi làm thủ tục nhanh chóng, vui vẻ và đầy thân thiện.

Thế là tôi đã đến Úc, nơi tôi bắt đầu làm dâu xứ người và cũng là nơi tôi phải “nhập gia”.
Những ngày đầu tiên sống trên xứ người, thời tiết thay đổi 180 độ. Tôi ở Việt Nam đang là tháng 6 mùa hè, trời oi bức vào buổi sáng, ban chiều trời ầm ầm sấm chớp và cơn mưa bất chợt ập đến….thế nhưng, mất 8 tiếng ngồi máy bay, tôi đã có ngay mùa đông lạnh lẽo trên đất khách.

Tiết trời mùa đông làm tôi khó chịu, tôi ở xứ nóng đã quen nên gặp trời lạnh, tôi ở nhà trùm mền ngủ vùi chẳng muốn đi đâu, làm gì.

Thời gian trôi qua nhanh chóng, thấm thoát đã hết mùa đông, tôi bắt đầu làm quen dần với mọi thứ.

Một ngày nọ, chồng tôi hỏi tôi “ em đã học được gì từ khi em qua Úc đến nay?” tôi chợt giật mình, ừ nhỉ…tôi đã học được gì….hình như là không có gì hoặc có rất nhiều tôi cũng chẳng thể biết và nhớ hết. Hình như tôi thấy người Việt Nam ở Úc và ở quê hương tôi chẳng có gì khác.

Thế thì đúng quá rồi! đáng tự hào làm sao! vì con người việt nam chúng ta qua bao nhiêu năm bị giặc tàu, giặc tây đô hộ còn chưa bị đồng hóa nói chi là qua xứ này.

Vẫn con người Việt nam cần cù chăm chỉ, thông minh, hoạt bát, vui vẻ xởi lởi khi gặp đồng hương. Ôi! thương sao những đức tính đáng yêu, những truyền thống quý giá của dân tộc Việt không bị mất đi.

Những tiếng nói và chữ viết của người Việt được mang sang tận xứ người cho con cháu học hỏi đừng mất gốc. Tôi lấy làm tự hào vì mình là người Việt sống nơi xứ người.

Nhưng than ôi! Niềm tự hào của tôi không đủ lớn để che hết những lối sống và cách cư xử của người dân Việt.

Tôi vẫn thấy cảnh những em bé được cha mẹ cho tiểu tiện ngay lề đường, những thói quen ăn đâu vất rác đó của dân tôi, và vào giáo đường mà bọn trẻ nói chuyện như nơi công cộng.

Có thể bạn cho tôi là kẻ khó tính, kẻ trưởng giả học làm sang vì tôi chẳng qua cũng là dân cùng đinh xứ Việt, du nhập vào xứ Úc hòng kiếm miếng cơm manh áo mong thoát khỏi cái đói nghèo trên quê hương… Vâng, tôi đồng ý mình chỉ là kẻ chân ướt, chân ráo đến đây…nhưng tôi tự hỏi…tại sao chúng ta không “nhập gia tùy tục”, điều này ông bà mình có dạy cho mình chứ đâu phải không.

Một đất nước úc xinh đẹp với đường phố sạch, xanh và bất kể ở đâu họ cũng có nhà vệ sinh công cộng, tại sao bạn không tìm chỗ để cho con bạn giải quyết.

Đành rằng khi xưa bạn ở Viện nam, nhà nước ta nghèo quá, chỉ kêu gọi dân đóng thuế cho quan chức có tiền đánh bài, ăn chơi chứ không có tiền xây hầm xí cho dân giải quyết chuyện khó nói.

Tôi rất thông cảm với bạn, vì khi tôi còn ở Việt nam tôi cũng từng chứng kiến những người bạn nước ngoài của tôi phải giải quyết chuyện khó nói ngay trước mặt mình vì họ không còn đường nào lựa chọn, thật xấu hổ làm sao!.

Cả một đoạn đường từ Bình Dương về thành phố mang tên HCM, đẹp biết bao mà chẳng có cái toilet nào để những vị khách nước ngoài của tôi trút bầu tâm sự..họ đành làm đại ngoài đường như tôi thấy bạn đang “xi” con bạn trên đường vậy...

Bạn hãy tỉnh táo và xin nhớ, bạn đang ở xứ Úc, xứ này họ tốt hơn…tiền bạn đóng thuế cho chính phủ, họ làm mọi việc để phục vụ cộng đồng, phục vụ bạn …vậy tại sao bạn không hưởng thụ đồng tiền bạn bỏ ra để học lấy cái văn minh “ nhà nước phục vụ cho dân, vì dân” bạn tội gì đêm chuyện văn minh lá mít nơi quê hương ra khoe với thiên hạ…không khéo dân úc họ tưởng dân ta có truyền thống “ăn đâu, làm bậy đó” thì thật là oan uổng cho người Việt ta lắm lắm.

Lại nói đến chuyện xả rác thì ôi thôi…chuyên dài nhiều tập. Phải công nhận người Việt mình tính toán thần sầu, quỷ khóc.

Ở Việt Nam đi đến đâu cũng thấy rác, vì rác kiếm được tiền…lượm rác ở việt Nam có tiền…nên bạn quen xả rác xem như bạn làm phước cho những em bé hay các cụ già kiếm cơm qua ngày bằng rác thải của bạn, thôi thì tôi cũng thông cảm vì tình thương mến thương bạn giành cho đồng loại đến thế là cùng.

Khi Tôi đến xứ Úc hỏi nhiều người, ở xứ chuột túi này có ai mua ve chai không? Họ nói chẳng ai thèm….tuần nào chính phủ cũng cho người lại đổ rác, ấy thế mà đi bất cứ đâu, tôi để ý thấy người Việt chúng mình,mặc dù người ta có sẵn thùng rác để bỏ, nhưng chúng ta cứ nghĩ “ đã bỏ tiền thì phải được phục vụ”.

Đóng thuế cho chính phủ thì xả rác để chính phủ mướn người lượm rác cho ta, vào quán ăn đâu để lại chiến lợi phẩm cho người phục vụ giải quyết giúp vì tiền mình đã trả rồi phải được phục vụ cho đáng đồng tiền bát gạo. Chúng ta thiếu mất tinh thần tự giác hay ý thức tự giác của người Việt mình không có???

Nhưng dù bạn không có tinh thần tự giác như người tây cũng chẳng sao, bạn hãy phát huy tinh thần yêu thương đồng loại của người Việt mình..hãy thương những người phục vụ vì chỉ cần bạn ý thức một chút, sẽ không mất công có người khác tốn sức đi sau dọn dẹp chiến tích của bạn.
Nói đến nơi công cộng, tôi là đứa hướng ngoại. Nhớ hồi còn ở đất Việt,tôi theo đạo công giáo nhưng lại hay đi lễ nhà thờ Đức Bà vào lễ giành cho người nước ngoài mới chết. Chẳng phải hay ho gì cho cam, tôi cũng biết một vài chữ tiếng tây, tiếng u nên nghe hiểu lõm bõm, được cái cha làm lễ song ngữ nhưng nói tiếng việt nhiều hơn tiếng anh, thành ra tôi vẫn đi lễ và hiểu như lễ người việt.

Tôi hay ngồi hàng ghế cuối nhà thờ cho thoáng vì đến chỗ đông người tôi hay bị mệt.

Mẹ tôi hay bảo đi nhà thờ mà ngồi ở cuối thì Chúa không thương vì có lễ được gì…..nhìn thiên hạ thì đúng hơn…quả thật không sai.

Tôi đi lễ lúc nào cũng phải cầu nguyện Chúa tha tội bất xứng khi dâng lễ với Chúa mà cứ phải nhìn thiên hạ. số là nhà thờ tôi đi có niên kỉ hàng trăm năm, được thiên hạ tứ phương tám hướng biết đên, nên tây, tàu gì đâu đâu cũng đến chiêm ngưỡng kiến trúc của ngôi nhà thờ.

Khách vào viếng nhà thờ đông nườm nượp, thế nhưng vào giờ lễ họ cũng đi, nhưng rất khẽ, và ra dấu cho nhau mỗi khi muốn trao đổi điều gì…rất ít khi tôi thấy họ nói chuyện trong nhà thờ. Đó là khách tây đến đất nước ta.

Còn ta trên đất tây thì sao??? Trời ạ…tôi phải cầu Chúa tha tội cho vợ chồng tôi vì hai đứa tôi đi lễ mà cứ phải nghe đám trẻ nó tỏ tình yêu thương.

Thôi thì chúng tôi già rồi không lãng mạng như bọn trẻ, chúng yêu đương thì cón biết đến chi…nhưng tôi nghĩ, xứ này tự do, chúng có thiếu gì cơ hội tỏ tình, thiếu gì nơi để nói chuyện yêu đương…cớ sao chúng lại đem nhau vào nhà thờ, nơi đang cử hành thánh lễ mà nói chuyện như chốn không người.

Đâu phải chỉ có kẻ yêu nhau mới tỏ tình, các bà, các chị một tuần gặp nhau một lần cũng vui vẻ nói chuyên gọi nhau í ới. Tôi thương cho họ vì họ không biết việc họ làm gây phiền cho bao nhiêu người khác phải chịu đựng hay tại người việt nam mình không phân biệt được đâu là nơi công cộng và đâu là nơi riêng tư.

Điều này thì chết thật, bởi lẽ nơi thờ phụng cần tôn nghiêm và nhất là nơi công cộng cần tôn trọng người khác.

Tôi nói đây là những chuyện tự răn dậy mình, nói chuyện người rồi ngẫm đến ta mà tránh chứ không có ý nói xấu hay bêu rếu ai hoặc mỉa mai dân tộc mình. Tôi yêu qúy dân tôi và tôi chỉ muốn dân mình không làm cho các dân khác nghĩ mình là những kẻ trong rừng mới ra hay ít ra không để họ xem thường người Việt trên đất úc.

Theo tôi được biết hầu hết người Việt đều thành công trên đất khách từ kinh doanh đến học vấn. Tôi mong sao một chút cái nhìn phiến diện của mình đem lại cho dân tôi một ý thức nhỏ nhoi và trước hết hãy tạo thiện cảm với người bản xứ bằng việc “ nhập gia tùy tục” đến sống và làm việc thì hãy theo phong tục, tập quán của họ và biết học hỏi điều tốt nơi họ…đừng đem điều xấu làm tổn hại đến vong linh Con Rồng Cháu Việt mà có tội với Tiền Nhân.

Tác giả:

DgNg

No comments:

Post a Comment