Hoài Niệm Xuân
Xuân đã về …Xuân đã về …Đâu đó tôi nghe trong tiếng gió xa xa lời bài hát Xuân từ đâu vọng lại, có lẽ nó phát ra từ nhà một người Việt đâu đây. Bài hát khiến lòng tôi bồi hồi, một mùa xuân đầu tiên đón tết trên đất khách.
“Bữa nay ngày hăm ba đưa ông táo, bay ra chợ Việt xem người ta múa lân“ Lời mẹ chồng thình lình sau lừng làm tôi giật thót mình, khẽ trả lời bà“dạ” mà lòng tôi nhớ lắm cũng ngày này năm ngoái.
Năm ngoái, vào ngày đưa ông táo tôi được đi chợ với má và chị hai. Nhỏ lớn lúc nào tôi cũng thích đi chợ tết, chợ tết bao giờ cũng đông nghẹt người, kẻ chen nhau mua, người chen nhau đi, vui như ngày hội. Ngày cúng ông táo đi chợ thích lắm, ngoài chợ họ bán những bó mía thật cao, tôi nghe nói để cho ông táo leo về chầu Ngọc Hoàng.
Nhà tôi thì không đưa ông táo nhưng cứ ngày này má tôi đi chợ mua hành, mua kiệu về muối dưa. Ăn chẳng bao nhiêu, công ngồi nhặt, phơi, xếp vào hũ tôi thấy cũng mệt. Tôi với chị hai cứ lằng nhằng nói má tôi mua làm gì rồi bày ra làm cho nó khổ thân, bây giờ người ta làm sẵn bán thiếu gì vừa ngon vừa rẻ. Má tôi nhất định không chịu, bà nói: “mình tự làm sạch sẽ lại ăn ngon miệng, hơn nữa làm cho nó có không khí tết”.
Kể từ ngày hai mươi ba trở đi không khí tết Việt Nam bắt đầu rộn rã, ban sáng trời xe xe lạnh cho các bà, các chị đi chợ tết vui vẻ không nổi xung thiên vì phải đợi chờ hay chen lấn. Xế trưa mặt trời lên cao, chói nắng nóng bức cho nhà nhà quét tước, lau chùi thơm tho. Chiều đến gió thổi nhẹ mát mẻ ngồi quây quần đầm ấm bên mâm cơm tửu rượu hàn huyên thật tuyệt.
Nhà tôi nằm trong một giáo xứ có ngôi thánh đường oai nghiêm lộng lẫy được xây lại mới khoảng chục năm nay, các ngõ ngách chia ra làm 4 khu đông, tây, nam, bắc với các con đường đan xen nhau như bàn cờ. Gia đình tôi cũng như bao nhiêu nhà khác rộn ràng chuẩn bị mọi thứ đón tết.
Ba má giao việc cho mỗi đứa, phòng đứa nào đứa đó phải dọn dẹp sạch sẽ. Mùng, mền, chiếu gối thì tôi phải giặt hết vì ở nhà có tôi với chị hai là con gái mà chị hai có gia đình riêng nên nhiệm vụ này tôi phải lãnh, hai thằng em phải xịt nước chà nhà, anh ba tôi lau chùi bàn thờ tổ tiên, anh tư xách nước ra rửa mộ ông bà ngoài nghĩa trang. Ba má cắt đặt mọi chuyện đâu ra đó, ngày nào có việc cho ngày đó chung quy cũng chỉ dọn dẹp nhà cửa. Bọn tôi vừa làm vừa chọc quẹo nhau rồi cả đám cùng lên tiếng: “nhà mình đâu có dơ, lúc nào ba má cũng sạch sẽ, gọn gàng, tại sao cứ đến cuối năm lại bắt tụi con chà rửa, lau chùi, quét dọn”. Ba má tôi cười ha ha rồi nói: “hai lão già này ở sạch nhưng tụi bay ở dơ, tụi bay làm biếng, cuối năm tổng vệ sinh tống rác năm cũ đi, đón bụi năm mới cho nó hên” Cứ thế chúng tôi đối đáp qua lại ồn ào nói cười suốt ngày vui thật vui.
Ba mươi tết là ngày bận rộn, từ sáng sớm ba má tôi đã chở nhau đi chợ. Năm nào cũng thế, bà thì mua rau cho hai ngày mùng người ta không họp chợ, ông thì lựa bông về trưng trong nhà. Bông huệ trắng ngần thanh khiết được cắm vào bình ngự trị trên bàn thờ Chúa, giỏ cúc vàng đại đóa đặt trước bàn thờ tổ tiên, chục lay ơn đỏ vàng nằm chình ình ngay bàn ăn. Ngoài phòng khách, ba tôi rinh một vò mai đặt ở góc phòng, vài năm gần đây đào Trung Quốc xuất hiện với đủ màu: vàng, đỏ, hồng, xanh nhìn thích mắt nên ba mua cho tôi một cái bình thật to loại cổ xưa để tôi tự cắm những cành đào muôn sắc, điểm thêm vài câu đối nhỏ chúc xuân, dăm cánh thiệp và mấy cái lục lạc vàng óng ánh làm cho khắp nhà màu nóng xen lẫn màu lạnh, sắc xuân len lỏi đến từng ngóc ngách tỏa ra khắp nhà.
Chiếc bàn dài được kê một góc phòng gần gốc mai là nơi để những món quà biếu. Tôi không biết phong tục biếu xén bắt đầu từ đâu và từ thời nào, từ lúc tôi hiểu biết đến nay năm nào tôi thấy cô chú, cậu dì đều biếu đồ cho ba má tôi vào những ngày tết. Theo phong tục người bắc, người nhỏ phải biếu người lớn mà ba tôi là anh cả, lại là con của trưởng tôn trong họ nên họ hàng bên nội tôi cứ ngày hết tết đến lại thay phiên nhau đem biếu xén, rồi các anh chị em tôi đứa nào có gia đình thì phải biếu lại bậc trưởng bối, cứ loanh quanh luẩn quẩn với cái phong tục lạ đời, tốn kém, Tôi xúi ba tôi “miễn lễ”cho họ và ra luật mới “dẹp bỏ” mấy cái hủ tục cổ lổ cho con cái, cháu chắt ba được nhờ. Ba tôi cười cười bảo: “đó là tục lệ không thể bỏ lề lối ông bà, một năm một lần người nhỏ phải nghĩ đến người lớn, quà biếu không quan trọng, vài cái bánh đa, một trái dưa hấu hay cặp bánh trưng, một ký đường, hay phong kẹo lạc tất cả chỉ là hình thức, cái cần là tấm lòng đi lại với nhau cho có tình bà con, cái gì cũng bỏ cũng miễn thì đời các con họ hàng sẽ chẳng ai biết ai. Hơn nữa, mọi người đến biếu cho ba má vì họ cho rằng khi họ nghĩ đến các bậc trưởng bối, họ thể hiện tấm lòng qua các vật biếu với lòng tin trời phật thấy họ có hiếu có tình mà sang năm ban cho họ có nhiều của dư của để hơn, ngược lại họ không đi lại với ai, tự họ cắt đứt sợi dây tình cảm thì khi họ có chuyện chẳng ai thèm ngó đến, sống cô đơn một mình không bà con thân tộc, không hàng xóm láng giềng là điều bất hạnh đối với quan niệm của người Việt mình”.
Khi ba má tôi đi chợ về là lúc chuẩn bị nấu các món ăn ngày tết. Tết năm nào nhà tôi cũng có cái tục ăn cơm họ hàng đầu năm. Ngày xưa còn nội, tất cả chúng tôi từ ba tôi cho đến thằng cháu Bi mới 3 tuổi cùng các cô chú với các em đều phải qua nhà nội ăn cơm đầu năm. Sau ngày nội mất, cái tục ấy truyền đến đời ba tôi. Ba má tôi năm nào cũng chuẩn bị đi chợ sẵn sàng cho bữa ăn cổ truyền này. Thường má tôi chuẩn bị mua thịt thà, cá mú từ hôm 29, rau cỏ thì 30 mua cho nó tươi. Má tôi không thích đợi đến 30 mua đồ ăn vì bà cho rằng đến ngày đó mọi thứ sẽ mắc lại không lựa được miếng ngon.
Thịt kho tàu, khổ qua nhồi thịt, cá lóc hấp cuốn bánh tráng, gà trộn gỏi bắp cải, tim phổi heo phá lấu, giò thủ là những món nằm trong thực đơn ngày tết của gia đình tôi đãi khách, tất cả những món này đều do hai chủ gia kiêm đầu bếp tự tay làm từ khâu chọn vật liệu cho đến khi món ăn dọn lên bàn.
Anh em bên ba tôi không nhiều, hai bàn tay đếm vừa đủ, nhà tôi chiếm hết một mâm, vợ chồng con cái các cô chú ngồi gọn ba bàn, đồ ăn không bao giờ sợ dư thừa, lúc nào ba má tôi cũng sợ con cháu ăn thiếu tội nghiệp chúng nên hai ông bà làm lụng vất vả cả năm chỉ để giành tiền làm bữa cơm cho con cháu ăn mệt xỉu. Lúc xưa tôi ghét lắm vì chẳng hiểu ba má tôi vì cái gì lại phải nấu cho họ ăn, ăn xong rồi bắt tôi dọn dẹp lau chùi mệt gần chết có ai phụ đâu, họ xách đít lại ăn rồi đi về cái chén cũng không phụ mình úp lên, ba má thì tốn tiền, mình lại mệt sức chẳng được ích gì. Nhưng sau này lớn lên một tí, ba má tôi giải thích “thôi kệ làm cả năm chỉ có một ngày anh em đến nhau vui cửa vui nhà, tiền bạc mình không giàu có gì, miếng ăn là miếng tồi tàn người ta cũng chẳng phải đến mình vì cái ăn, chỉ vì họ quý mình mà họ đến, anh em trên thuận dưới hòa họ mới cùng nhau ngồi chung mâm một năm một dịp hàn huyên tâm sự, mình cho họ cái vui trong ba ngày tết cái đó mới đáng quý, đó mới là truyền thống ba má muốn giữ gìn cho con cháu lấy đó noi theo”.
Trưa 30 đúng 12 giờ mọi thứ nấu nướng đã xong, bọn tôi không đứa nào bước ra khỏi nhà, năm nào ba tôi không đi trực thì ông cùng má tôi ra nghĩa trang thắp nhang mời ông bà về ăn tết. “Thành phố đợi chờ” cách nhà tôi chừng 100 mét, nơi kẻ chết chờ sống lại, nơi người sống chờ chết đi nên anh em tôi không gọi là nghĩa trang hay nghĩa địa mà đặt cho nó cái tên thật thơ mộng nói ra cho thiên hạ khỏi khiếp vía. Sau khi mời ông bà về ăn tết với cả nhà, chúng tôi dùng cơm trưa gia đình mà ba tôi hay bảo là bữa cơm “tất niên” kết thúc một năm vui vẻ, bình an.
Ngày tết có 3 bữa cơm mà chúng tôi không đứa nào được vắng mặt dù bất cứ lý do gì, đi chơi hay phải đi làm vì trúng ca trực thì phải sắp xếp về ăn cơm gia đình, ba má tôi không bằng lòng thiếu vắng thành viên nào, đây là luật bất thành văn không ai muốn chống lại.
Đến 10 giờ tối cả nhà tôi đi lễ giao thừa, 11 giờ chúng tôi về đến nhà ngồi coi phim tán dóc vài câu rồi cùng nhau đọc kinh tạ ơn. Ngày thường hay ngày giỗ bọn trẻ chúng tôi ngồi lần chuỗi 50 kinh thì ngán như ăn cơm nếp, đứa thì trả giá giảm bớt, đứa thì trốn để khỏi ngồi nghe lải nhải, nhưng đêm giao thưa đọc kinh tạ ơn tuyệt đối không đứa nào than vãn, ngồi đọc nghiêm túc 1 giờ kinh bên nhau. Đọc kinh vừa dứt thì chuông nhà thờ đổ 12 giờ đêm giao thừa, má tôi cùng anh ba lại ra nghĩa trang hái một cành hoa gọi là lộc đất trời đầu năm mang vào nhà, anh ba tôi có gia đình riêng nhưng nhà anh ở gần nhà tôi nên anh là vị khách đầu tiên xông đất, năm nào tụi tôi cũng chọc anh xông đất đầu năm mà xui là tụi tôi lại phá sập nhà anh ráng chịu. Mọi người quây quần bên nhau trong nhà coi ti vi “Sài Gòn bắn pháo bông”, anh tư khui sâm banh nổ cái “bốp” mọi người vỗ tay, nâng ly chúc mừng năm mới. Sau đó ai về nhà nấy, phòng ai nấy về, giường ai nấy ngủ chuẩn bị cho ngày mùng một.
Từ sớm mùng một, sáu giờ sáng chúng tôi ra khỏi nhà đi nhà thờ cầu cho ngày đầu năm. Lễ xong về đến nhà, chúng tôi chờ nhau cho đủ mặt rồi tháp tùng cùng ba má kéo nhau ra nghĩa trang viếng mộ đọc kinh cho ông bà tổ tiên và người thân đã qua đời. Tôi về nhà chuẩn bị cho mọi người ăn sáng, nấu nước pha trà, chuẩn bị đón khách. Mọi người cố gắng ăn sáng cho nhanh vì gia đình các cô chú sẽ đến chúc tết ba má tôi. Sau khi ăn sáng xong, chúng tôi lên phòng khách. Ba má ngồi vào vị trí sẵn sàng, trên tay cầm sẵn môt xấp lì xì đỏ. Chúng tôi đứng vây quanh ba má , anh ba đại diện tất cả chúng tôi chúc tết ba má, rồi ba má chúc lại chúng tôi, sau đó đến anh tư chúc tết anh ba, đến phiên ba đứa tôi chưa có gia đình chúc lại các anh chị, bé Ly con anh ba, bé Ty con anh tư chúc tết ba má tôi và chúng tôi.
Vui nhất màn lì xì lấy hên, chúng tôi nhận lì xì từ ba má lấy lộc tuổi già nhân đức từ họ, anh em chúng tôi lì xì lại cho ba má để tỏ lòng biết ơn công lao dưỡng dục sinh thành, các anh chị lì xì cho ba đứa chúng tôi chưa có gia đình để lấy hên gia đình đầm ấp hạnh phúc, ba đứa tôi lì xì lại cho các cháu mong các cháu thêm tuổi thêm khôn ngoan. Gia đình tôi vừa chấm dứt phong tục đáng yêu và cảm động năm nào cũng làm mà chẳng bao giờ thấy chán, mỗi năm lại thấy yêu thương gắn bó với nhau hơn thì các cô chú cũng vừa vào đến nhà.
Họ đi theo từng gia đình và thay phiên nhau chúc tết ba má tôi, chúng tôi cũng từng đứa đứng ra chúc tết lại gia đình các cô chú và các em. Cái thủ tục chúc qua chúc lại tôi thấy hoài từ mấy mươi năm nay sao chẳng bao giờ tôi thấy nó cổ xưa, lúc nào tôi cũng thấy xúc động và yêu quý cái lễ giáo này. Nếu hình thức lì xì lấy lộc giữ đúng truyền thống mà không bị bóp méo bằng việc người lớn lợi dụng xúi giục trẻ nhỏ vòi vĩnh tiền của khách thì ba ngày tết đúng là phúc lộc đầy nhà.
Đến trưa mùng một vợ chồng chị hai tôi với hai thằng cháu Bi, Bo xuất hiện. Bi, Bo vào nhà khoanh tay chúc ông bà, các cậu mợ, nhưng ba tôi bảo nó con chúc tết dì tức là tôi thì tụi nó không chúc, ở nhà các cháu quen gọi tôi bằng má thêm cái số thứ tự của tôi trong nhà nên chúng nó cứ nói nó không có dì, cũng chẳng có cô…bọn chúng chỉ có “má năm”. Tụi nhỏ nói má năm là bà tiên của tụi con, tụi con không chúc vì bà tiên cái gì cũng có, chuyện gì cũng biết đâu cần chúc làm gì. Rõ khổ, tôi chỉ bảo mình làm bà tiên của tụi nó khi nào chúng ngoan, nhưng khi chúng hư tôi biến thành bà điên cho ăn bánh tét nhân mây, lúc đó vừa mếu máo chúng nó vừa la to “má năm là bà phù thủy” chắc vì vậy mà chúng nghĩ tôi thần thông quảng đại như các nhân vật trong phim hoạt hình…đúng là con nít.
Nhà tôi lúc này đầy ắp tiếng nói, cười, khách khứa người vào, kẻ ra nườm nượp, sàn nhà đầy vỏ hạt dưa, giấy kẹo. Cửa sổ phòng khách mở toang, quạt máy chạy hết công suất vẫn không đủ mát cho mọi người vào chúc tết, ai nấy mồ hôi nhễ nhãi. Tôi định đôi lần cầm cái chổi quét cho sạch nhà nhưng ba tôi cản lại bảo cứ để ba ngày xuân nhà cửa bề bộn một chút cho vui. Lạ thật, phải chi ngày thường ba tôi cũng bảo như vậy thì hay quá, tôi khỏi dọn dẹp lau chùi cho mệt thân. Đợi lưa thưa khách tôi định bụng chuồn lên phòng coi phim với mấy cháu nhưng lần nào toan bước đi má tôi cũng níu lại bảo pha trà, nấu nước phụ tiếp khách với ba má vì các anh chị phải đi chúc tết họ hàng, hai thằng em đi chơi đâu đó với đám bạn hàng xóm, nhà còn mỗi hai ông bà lụi cụi thành ra ba ngày tết tôi cứ luẩn quẩn bên chân ba má chẳng năm nào đi được đến đâu.
Ngoài đường người người đi bộ dập dìu nói cười trông mặt ai cũng rạng rỡ quên đi cái nắng nóng, chốc chốc một toán thanh niên nam nữ cầm đàn vừa đi vừa hát nghêo ngao vang vọng cả một góc đường họ là các thành viên ca đoàn nhà thờ đến từng nhà chúc tết, các ông trưởng khu, trưởng đường, các hội đoàn nhà thờ thay nhau đến từng nhà bất kể giàu nghèo san sẻ cho nhau lời chúc đầu năm ấm áp tình người.
Đến chiều tối ông bà xui gia đến chúc tết ba má tôi là những vị khách cuối cùng trong ngày, lúc này ba tôi cho phép cửa lớn ngoài phòng khách đóng lại, ba má tôi đi chúc tết người thân, hàng xóm, bọn tôi trong nhà tha hồ tụ tập chơi lô tô đến tối.
Sang ngày mùng hai, chúng tôi đi nhà thờ với ý nghĩa kính nhớ ông bà tổ tiên, đi lễ về cả nhà tôi hăm hở nấu nướng làm cơm đãi họ hàng.
Đến mùng ba cả nhà tôi cùng nhau đi lễ cầu nguyện năm mới làm ăn thuận lợi, sau đó chúng tôi lên đường về quê ngoại ăn tết với các cậu, các dì.
Quê ngoại tôi cách nhà tôi 142 km, chúng tôi về quê ngoại ăn tết vui thích với không khí và con người vùng sơn cước. Người nhà quê mộc mạc chất phát, cũng những thủ tục chúc tết, lì xì sau đó dùng cơm họp mặt tại nhà tổ của ông bà ngoại vừa ăn vừa ca hát nhậu xỉn “quắc cần câu”. Ngày tết tha hồ ăn nhậu, hát hò, ba má tôi không la rày chi cả, chỉ ban lênh tối 7 giờ cậu cháu phải tập trung đọc kinh cầu cho người còn sống cũng như người đã khuất.
Sáng mùng bốn cả nhà đi nhà thờ, ra viếng mộ ông bà và họ hàng bên ngoại, sau đó chúng tôi lại nhà các cậu mợ chơi dùng cơm theo lời mời của từng gia đình. Bọn tôi ở lại vài bữa gần ngày đi làm mới về lại nhà.
Năm nào cũng vậy, ba tôi chọn một ngày chủ nhật cuối cùng của ngày nghỉ tết làm ngày “đốt tết”. Ngày này chúng tôi phải có mặt đầy đủ, ba tôi sẽ nói cho tất cả mọi người cùng biết những tính toán hay những gì ba má tôi mong muốn chúng tôi sang năm mới phải thực hiên. Chẳng hạn như kế hoạch sang năm ba tôi sửa lại nhà, hay công bố cho mọi người biết ba má cho vợ chồng anh tư ra ở riêng hoặc chuyện ba má gả chồng cho tôi. Tất cả mọi chuyện ông bà đều nói để con cái hiểu rõ, không áp đặt lấy quyền làm cha mẹ tự ý hành động, chuyện gì ba má cũng muốn nghe ý kiến của tất cả chúng tôi không phân biệt con trai hay con gái. Thường thì chúng tôi chỉ nghe và đồng ý vì một khi ông bà đã quyết định, ông bà đã cân nhắc mọi việc kỹ càng nên chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vui vẻ chấp nhận.
Có lẽ ăn tết nhà nhà đều có những phong tục riêng nhưng cùng chung một mục đích là vui chơi ba ngày tết. Đối với tôi ngày tết không chỉ đơn giản là ăn chơi mà nó còn là dịp tình thân gắn kết tình thân, con cháu nhớ về nguồn cội, kẻ còn sống nhớ người đã khuất, một năm ngồi xét mình xem mình đã sống ra sao và hướng đến năm mới tốt đẹp hơn.
Mùa xuân đầu tiên nơi đất khách cũng là năm đầu tiên tôi không đón tết cùng ba má và các anh chị, cả nhà tôi đón tết mà không có tôi. Dẫu vậy, trái đất vẫn quay, con người vẫn sống, nhưng cái truyền thống, cái nề nếp ba má đã dạy tôi từ lúc nằm nôi đến khi trưởng thành tôi không bao giờ quên, nó là hành trang cho tôi mang theo bước đi trên đường đời. Rồi đến lúc chính tôi tiếp bước theo họ, rước ngọn đuốc truyền thống tốt đẹp từ tay họ, cầu mong mọi kỷ niệm ấm áp soi sáng tôi vững bước.
DgNg
Ban viet hay qua
ReplyDelete