CÁC CÂU HỎI VÀ TRẢ LỜI
Vấn: Thưa CHA chúng con niệm Lục Tư Di Đà để mở lục thông và được sáng suốt. Vậy xin CHA cho biết, việc niệm danh CHA hiệu quả thế nào, so với danh hiệu Đức A Di Đà. Chúng con thấy những danh khác nhau của CHA không có số chữ nhứt định như Lục Tự Di Đà, xin CHA cho biết số chữ trong danh CHA có ảnh hưởng gì trong việc niệm không?
Đáp: À những danh khác nhau của CHA không có số chữ nhất định. Số chữ có khi dài khi ngắn, điều đó con thấy rằng CHA vô giới hạn, không trụ lại ở một giới hạn nào. Thế nên, con niệm danh nào cũng được, vì số chữ không ảnh hưởng gì đến việc niệm CHA, con số nào cũng là CHA hết. MIỄN RẰNG TƯ TƯỞNG CON LÚC ĐÓ BIẾT NGHĨ HỢP NHẤT VỚI ĐẤNG TẠO HÓA MUÔN LOÀI.
CHA thấy những con ở nước ngoài là người Âu Mỹ chẳng hạn, có khi băn khoăn thấy hồng danh CHA theo Việt Ngữ khó niệm và khó nhớ. Trường hợp này, các con cứ việc niệm "Thượng Đế Đấng Tạo Hóa" dịch theo ngôn ngữ các con đều được cả.
Vì khi các con trụ tâm tưởng nhớ đến Đấng Tạo Hóa muôn loài, Tiểu Hồn con sẽ rung động, linh quang con sáng lên, gửi tín hiệu liên lạc với Đại Hồn CHA. Và nếu khi ấy con biết quán tưởng sự hợp nhất của con với Đại Hồn CHA, thì điển quang của con sẽ hòa vào với khối Đại Linh Quang của Càn Khôn.
Nếu con biết hành điều này luôn luôn, và tâm tư con lúc nào cũng tưởng nhớ hợp nhất với Thượng Đế, tất nhiên tiểu hồn con sẽ mau được sáng suốt, sẽ tiến hóa nhanh đến chỗ hợp nhất với Thượng Đế, trở về với cội nguồn của mọi sự sống. Còn việc con hỏi niệm danh CHA hiệu quả thế nào, so với danh A Di Đà Phật, đây, CHA sẽ cho các con rõ: KHI CON NIỆM LỤC TỰ DI ĐÀ LÀ LÚC CON ĐÁNH THỨC CÁI THỂ TÍNH SÁNG SUỐT TRONG CON BẰNG CÁCH TƯỞNG NHỚ ĐẾN NÓ. Cái thể tính sáng suốt ấy nhờ đó mà phát triển cho đến lúc đạt được, khiến con nhìn thấy cội nguồn, nhận diện nguyên lai bổn tánh và nhìn được bản chất Thượng Đế của con.
Con niệm danh CHA có ý nghĩa gì? Con niệm danh CHA tức là NIỆM CHÍNH DANH CỦA LINH HỒN CON ĐÓ. Vì con chính thật là gì? Là một chiết hồn, một tiểu linh quang của Thượng Đế xuống thế, để đi học, để hiểu biết mọi bản chất của mình, rồi trở về ngôi vị cũ, khi linh quang con đã thật sự đủ sáng để hòa vào Đại Khối Linh Quang.
Cho nên, khi con niệm danh CHA, tức danh thật của con thì chơn thần con hay linh hồn con cũng vậy, lúc ấy sẽ thức tỉnh.
CON NIỆM DANH CHA, TỨC LÀ CON NIỆM DANH CON, CON ĐẢNH LỄ CON, CON KÍCH ĐỘNG, NHẮC NHỞ CON BỪNG DẬY, SINH ĐỘNG, NẮM LẠI QUYỀN CHỦ NHƠN ÔNG ĐIỀU KHIỂN CÁI TIỂU CÀN KHÔN CỦA CON.
Bấy lâu nay, con để con hôn trầm trong mê muội, ngụp lặn trong tăm tối, con chẳng biết làm chủ, chẳng biết điều hành chỉ huy cái tiểu vũ trụ của con, khiến cho mọi trật tự bị đảo lộn, mọi tổ chức bị rối loạn, vì con quá yếu ớt, vì con mãi mơ màng trong giấc cô miên, như đã quên đi chính mình.
Thế nên, khi niệm danh CHA là lúc con tưởng nhớ đến con, lay gọi con thức dậy, sự kiện này sẽ kích thích tiểu linh quang sinh động lại, dần dần bừng tỉnh khỏi cơn mê trầm, để nắm lại quyền chủ nhơn ông của nó. Nhờ đó, tiểu hồn sẽ từ từ thức giác, biết nó là ai, từ đâu đến và phải về đâu? Nó sẽ biết nó hơn dần dần, để càng lúc càng thức giác vai trò lãnh đạo của nó trong cái Tiểu Càn Khôn mà nó phải cai quản, để nó lo điều động tổ chức lại những trật tự đã bị hư hỏng vì sự mê ngủ của nó.
Cho nên, niệm A DI ĐÀ LÀ ĐÁNH THỨC PHẦN SÁNG SUỐT TRONG CON.
NIỆM DANH THƯỢNG ĐẾ LÀ ĐÁNH THỨC TRỰC TIẾP CHÍNH CON VẬY. Và khi con đã thức dậy, sinh động lại, có nghĩa là thể tính sáng suốt trong con tự nhiên nó phải sinh động lại rồi, vì nó là một thành phần của con, con ngủ thì nó ngủ, con thức thì tự nhiên nó thức. Do vậy, để con thấy rằng niệm danh Thượng Đế tức là đã niệm A Di Đà trong đó rồi, khỏi có gì thắc mắc, sợ niệm danh CHA, bỏ niệm A Di Đà không mở được lục thông. Mở luôn chớ con! Vì khi chính con tỉnh dậy, phần sáng suốt trong con, dĩ nhiên sẽ sinh động lại, phát triển dần, các luân xa trong con nhờ đó mà mở và phát triển.
Con ơi, Thượng Đế là Càn Khôn Vũ Trụ, niệm Thượng Đế là gồm cả Càn Khôn trong đó rồi. Mọi Phật, Tiên, Thần, Thánh đều có trong đó, con chẳng sợ thiếu thứ gì, các con khỏi phải lo vừa niệm Thượng Đế, vừa niệm cả Di Đà, Quan Âm v.v... Nhiều đứa, CHA thấy vừa niệm danh CHA, vừa niệm Di Đà, vừa niệm danh nhiều vị Phật khác. Nghĩ rằng nhiều Vị như vậy "chắc ăn" hơn, nhiều vị sẽ phò hộ cho mình tốt hơn! Nghĩ vậy, vì các con này chưa hiểu nguyên lý của Trời Đất, chưa hiểu nó là ai, chưa biết bản chất Thượng Đế của nó.
Nó chưa thấy được sự vĩ đại của nó đến ngần nào: Nó không biết, nó vốn dĩ là vị chúa tể cai quản cả Càn Khôn Vũ Trụ, Di Đà, Quan Âm, Đại Thế Chí v.v... thật sự, đều có trong bản thể nó, là những thành phần của nó, đều dưới quyền coi sóc quản trị của nó đó thôi! A Di Đà là phần sáng suốt tức thể TRÍ của nó, Quan Âm là tình yêu thương tức thể BI của nó, Đại Thế Chí là ý lực tức thể DŨNG của nó đó thôi (1).
Cho nên, dưới trần gian, các con thờ "Tam Thể Phật" mà không hiểu 3 vị Phật này tượng trưng cho 3 thể tính BI TRÍ DŨNG của Thượng Đế. Bên Thiên Chúa Giáo cũng vậy, thờ Chúa Ba Ngôi? Đức Chúa Cha chính là thể TRÍ, Đức Chúa Con ngôi tình yêu tức thể BI, Đức Chúa Thánh Thần là ý lực của Thượng Đế tức thể DŨNG vậy.
Các con, phần đông không hiểu Chơn Lý nên chỉ cầu Chúa, niệm Phật, niệm Thượng Đế, trong tinh thần ỷ lại vào sự cứu giúp, sự phò hộ, vì nghĩ rằng, các vị Phật, Chúa ấy ở đâu đâu ngoài con, chớ không hiểu rằng các vị này đều vừa có ở ngoài Đại Vũ Trụ, vừa có cả trong bản thể con nữa. Đấy là những thể tính của Thượng Đế mà cũng là của con, và Thượng Đế chính thật là con đó! Chưa hiểu được điều này, mà chỉ cầu hoặc niệm để được sự phò hộ, sự cứu rỗi, đấy là còn mê tín, là vọng cầu, vọng niệm mà thôi! Đa số các con niệm Di Đà để xin Di Đà che chở, niệm Quan Âm để xin Quan Âm cứu nạn, giờ đây biết niệm danh Thượng Đế thường là cũng xin Thượng Đế cứu độ con thoát qua tai ách v.v... ấy là những vọng cầu, vọng niệm, vọng tưởng, vì con chưa hiểu con đó thôi! Vậy thế nào là chánh niệm? Khi con niệm Lục Tự Di Đà con phải hiểu rằng con đang lay động, nhắc nhở, đánh thức tính sáng suốt, khơi dậy ánh sáng trong con, để con vượt lên sự tăm tối ngu muội. Đấy mới tưởng Di Đà ở đúng vị trí của Di Đà. Khi con niệm Nam Mô Đại Bi Cứu Khổ Quan Thế Âm Bồ Tát, con hiểu rằng, con đang đánh thức tính yêu thương tức thể BI trong con.
Đánh thức nó tỉnh dậy, phát triển nó để tâm con mở rộng luôn luôn hành thiện cứu khổ, ban vui. Đấy là con biết tưởng Quan Âm đúng vị trí của Quan Âm. Khi con niệm danh Thượng Đế, con phải hiểu con cũng đang niệm chính danh của con đó. Con vốn dĩ là Thượng Đế phân hồn ra thành tiểu linh quang xuống đây đi học, con là Chủ Nhân Ông đang điều khiển cái tiểu thiên địa của con, bản chất của con y như bản chất của Đấng Tạo Hóa muôn loài và khi đọc danh hiệu này, tâm thức con hãy hòa vào tâm thức của Càn Khôn, rung động cùng một nhịp với Đại Hồn Vũ Trụ (1).
Đấy là con biết tưởng Thượng Đế như ý Thượng Đế muốn, và con cũng đã đặt con ở đúng vị trí của con. Niệm như vậy mới là biết niệm: Đấy là chánh niệm mà cũng là chánh kiến, chánh tín, chánh định, chánh tư duy của Phật giáo đó con: Và CHA cho chúng con rõ, khi con biết chánh niệm, thì dù không cầu, không vọng, sự phò hộ chở che cứu giúp, con lại được hộ giúp, che chở hữu hiệu hơn, đắc lực hơn nữa (1).
Tại sao? Lẽ dễ hiểu là vì kẻ vọng niệm phần trí tuệ chưa sáng bằng kẻ chánh niêm. Linh hồn nó yếu đuối và kém tiến hóa hơn vì chỉ biết hướng tới tha lực mà không biết tự lực, chỉ thấy sức mạnh bên ngoài mà không thấy sức mạnh có sẵn trong chính nó để biết tận dụng sức mạnh đó. Cho nên khi con niệm để cầu được cứu giúp, điển của con không sáng bằng khi con biết chánh niệm.
Vì nếu con biết chánh niệm, khi ấy điển trong bản thể con sẽ hòa cảm với khối điển sáng suốt của Càn Khôn, niệm Di Đà thì phần điển Di Đà trong con bật sáng chuyển động hòa với khối điển Di Đà, tức phần điển TRÍ của Càn Khôn, niệm Quan Âm là phần điển Quan Âm của con sáng lên rung động, hòa cảm với khối điển Quan Âm tức phần điển BI của Càn Khôn, niệm danh Thượng Đế thì chơn thần con rung động, tiểu linh quang lóe sáng hòa với khối Đại Linh Quang. Nhờ đó, đứa biết chánh niệm, sẽ tự bao quanh nó một khối lượng điển lành nhiều hơn đứa vọng niệm, khối điển tốt lành đó sẽ che chở, hóa giải bớt cho nó điều khổ nạn do nghiệp lực khảo đảo nó, và nếu khối điển lành bao quanh, càng lớn chừng nào thì nó được hưởng sự che chở, sự hóa giải điều khổ nạn nhiều hơn chừng ấy, dù nó không cầu, không vọng sự cứu giúp phò hộ như kẻ vọng niệm.
Ấy chính vì nó đã biết tự cứu, tự phò hộ, tự che chở nhờ hiểu được và biết tận dụng sức mạnh của chính nó có sẵn. Nhờ cái biết đó, mà nó đã tự bảo vệ nó hữu hiệu, trong khi kẻ vọng niệm, do ít sáng hơn nên không được hưởng bằng (1).
Dĩ nhiên trong khi con vọng cầu sự phò hộ thì các phần điển những vị trong khối sáng suốt của Càn Khôn cũng sẽ ban rải chút điển sáng suốt xuống linh hồn con để phò hộ, cứu giúp, giải bớt khổ cho con nhờ con tưởng đến. Song, sự vọng niệm sẽ khiến con bị chậm trễ đà tiến bộ, vì tiểu hồn cứ có thói quen nương tựa, ỷ lại vào tha lực, chờ đợi sự giúp sức nên mãi còn yếu đuối, trí tuệ còn lâu mở, và do đó, con phải tiến hóa trì trệ mà thôi!
Tóm lại, khi con niệm Di Đà, phải thấy mình là Di Đà, khi con niệm Quan Âm phải thấy mình là Quan Âm, khi con niệm danh Thượng Đế, phải thấy mình là Thượng Đế và hợp nhứt với Đại Hồn Vũ Trụ. Biết niệm như vậy, con vừa giúp con được tiến hóa nhanh, mau sáng suốt, vừa lại biết tự phò hộ con, bảo vệ con hữu hiệu hơn, vì nếu sáng hơn thanh hơn chừng nào, con sẽ hóa giải hữu hiệu hơn chừng ấy, điều khổ nạn từ nghiệp lực do quả trược mà con đã gieo.
CHA vừa giảng cho chúng con hiểu thêm cách thức niệm. Còn việc niệm Thượng Đế, con khỏi phải thắc mắc. Con nào biết niệm thì càng hay. Nếu còn băn khoăn, hay chưa quen, chưa hiểu, thì cứ tiếp tục niệm A Di Đà cũng được. Vì niệm Di Đà để mở sự sáng suốt, lúc nào, con đạt sáng suốt rồi, tự nhiên, con sẽ thấy được Chủ Nhơn Ông là Thượng Đế đó thôi (2).
Vấn: Bạch CHA, xin CHA cho chúng con biết Pháp môn Vô Vi Huyền Bí Học mà chúng con đang hành có phải là Tâm Pháp không? Và xin CHA giảng rõ thế nào là Tâm pháp? Thế nào là Bí pháp?
Đáp: Tâm pháp là pháp môn đi vào cái tâm, bỏ hữu vi hình tướng bên ngoài, trực tiến vào bên trong, hồi quang phản chiếu, soi lại mình, để thấy được cái nguyên lai bổn tánh của chính mình. Tóm lại, Tâm pháp hay pháp thiền là pháp môn giúp con tìm hiểu con bằng cuộc nghiên cứu đi vào khoa học Vô Vi đó thôi!
À, còn thế nào là Bí pháp? Bí pháp là pháp môn bí nhiệm, không được phổ truyền ra quảng đại quần chúng, và khi truyền pháp các hành giả chỉ dùng lối khẩu khẩu tương truyền. Xưa nay, Tâm pháp thường thường là Bí pháp và ít khi được phổ truyền, nên các con vẫn hay nghe nói đến những từ ngữ "Tâm pháp bí truyền" hay "Mật pháp tâm truyền" v.v...
Vì sao giữ bí truyền? Ngày xưa, vào học đạo, khi một vị Thầy hay Tổ muốn truyền Tâm pháp cho đệ tử, thường thì vị ấy phải theo dõi học trò, xem trong số các đệ tử có đứa nào hạnh tốt, nghiệp trần nhẹ rồi, và có tâm chí quyết cầu giải thoát, dứt bỏ trần ai, thì sẽ gọi đứa đó lại dùng lối khẩu khẩu tương truyền để dạy riêng nó, trao cho nó cái bí pháp quí giá, để nó tu luyện cầu giải thoát.
Trước nay, thường là vậy: Còn cái pháp môn của phái V.V.H.B.H. của chúng con đây cũng là Tâm pháp đó, nhưng có điều nó không giữ bí truyền mà lại phổ truyền ra quần chúng, ai muốn hành cũng được.
Đấy, thuộc về "Tâm pháp phổ truyền".
Các con muốn mau sáng, muốn huệ chóng mở để tiến hóa nhanh hầu thoát vòng tứ khổ thoát đường ác đạo, thoát kiếp luân hồi, thì phải học thiền, phải hành Tâm pháp, siêng năng tinh tấn công phu mới được.
Vấn: Bạch CHA, theo chúng con nghĩ, nếu Tâm pháp có thể giúp con người mau sáng, tiến hóa nhanh để tới nơi giải thoát, tại sao không phổ truyền để giúp quần chúng tu luyện mà giữ bí truyền? Đây có phải chăng vì các vị Thầy Tổ còn hẹp hòi ích kỷ chẳng khác gì mấy Ông thầy thuốc giỏi, có thuốc hay mà lại chẳng muốn phổ biến, chỉ giữ lại mật truyền cho con cháu hay cho những người mình ưa thích?
Đáp: À, đây CHA giải cho các con hiểu. Tại sao Tâm pháp thường thường lại không phổ biến cho quần chúng? Cũng có lý do con!
Vì Tâm pháp là báu vật, nếu trao nhằm kẻ không xứng đáng hoặc không biết giữ gìn chẳng khác nào vứt báu vật xuống sông biển mà thôi! Nếu hành giả thọ tâm pháp mà nghiệp còn nặng, trần còn mê, tánh còn nặng trược, tâm chưa muốn dứt bỏ, ý chưa quyết cầu giải thoát thì nhận được pháp báu phỏng có ích gì? Chỉ khiến phá pháp hư hoại đi thôi!
- Vả chăng, luyện Thiền mà nghiệp lực còn nặng thì phải chịu khảo đảo khó ngồi cho yên, tâm còn luyến trần, tánh còn nặng trược, thì cứ bị thất tình lục dục phá phách luôn, khó mà định được tâm ý, dẫu có thọ pháp rồi cũng bê trễ, giải đãi công phu, có lúc sẽ vứt pháp nửa chừng thôi!
- Lại còn việc này nữa, các con nên biết, có nhiều pháp môn luyện đạo đòi hỏi hành giả phải có căn bản đức hạnh, có trình độ thanh nhẹ, khả dĩ làm nền tảng tu luyện, và việc luyện đạo còn phải được sự theo dõi kiểm soát thường xuyên của các vị Thầy Tổ, các chơn sư đã truyền pháp cho hành giả nữa. Cẩn thận vậy, là để đề phòng mọi nguy hiểm có thể xảy ra cho người luyện đạo. Vì có nhiều pháp môn đòi hỏi phải theo dõi kiểm soát chặt chẽ sự vận chuyển luồng hỏa hầu trong bản thể để khai những bí huyệt, mở quyền năng cho hành giả. Do đó, nếu người luyện đạo, thọ những pháp này mà chưa được thanh nhẹ, tâm tánh còn trược nhiều, hoặc có khi hành sai pháp, vận chuyển sai luồng hỏa hầu, sự kiện này có thể khiến nguy hiểm đến tánh mạng hoặc điên loạn hay hư hoại cả bản thể người luyện đạo.
Đấy là vài lý do trong những lý do khiến Tâm pháp thường khi là bí truyền.
À, còn vì sao pháp môn V.V.H.B.H. lại được phổ truyền? Thứ nhất, vì cách hành không quá khó học, việc vận chuyển tương đối ít nguy hiểm cho hành giả, nên có thể phổ biến trong quần chúng được. Kế đó, việc cho phổ truyền cũng do Thiên Ý mà thôi! Thượng Đế cho ĐỖ THUẦN HẬU tìm ra pháp này để phổ truyền đó! Vì sao? Vì ngươn này là ngươn chót.
Kiếp này là mạt kiếp. Đây là kỷ nguyên điêu tàn, cùng khổ, để thanh lọc và tuyển chọn những phần hồn có trình độ vào Thượng Ngươn tái tạo tức Ngươn Thánh Đức. Vì là giai đoạn nhân loại phải chịu nhồi quả khảo thí, chịu đủ mọi cảnh khổ dưới cõi trần, nên hồng ân Thượng Đế cũng ban rải xuống để cứu vớt thêm số con cái của Ngài. Cho nên, đây cũng được xem là kỳ đại xá của Thiên Địa.
Con nào ráng tu, phát hùng tâm gắng sức phấn đấu để quyết chí trở về với Ngài, thì dù nghiệp nặng, căn thấp, Thượng Đế cũng sẽ ráng tận độ và cứu rỗi.
Vì vậy, Ngài cho đủ mọi phương tiện, mọi điều kiện, mọi cơ hội mà không còn giới hạn như trước nữa! Đem Tâm pháp dạy cả hạng thấp căn thiểu trí, còn vướng nặng nghiệp quả. Như vậy, để các con Ngài, dầu ở trình độ nào, căn sáng hay tối, nghiệp nặng hay nhẹ, đều có duyên may được trở về, nếu quyết lòng chịu tu tiến, chịu lo đi trong giai đoạn chót này.
Rồi đây, nhiều pháp môn tinh luyện mà cách hành không quá phức tạp để có thể phổ biến trong quần chúng sẽ được Thượng Đế chuyển cho đem ra quảng bá, hầu giúp dân ở giai đoạn cuối này, có đủ mọi hiệu xe, đủ mọi kiểu bè, ai thích thứ nào thì nương thứ đó mà về với Thượng Đế. Pháp môn V.V.H.B.H. mà chúng con đang hành đây là một loại xe rất tốt để đưa chúng con về tới nơi giải thoát.
Bên Cao Đài Giáo, về mặt Vô Vi, cũng có pháp môn tinh luyện, song từ trước tới nay, pháp tu Vô Vi của Cao Đài phổ biến rất giới hạn theo lối khẩu khẩu tương truyền. Nhưng rồi có lúc sẽ phải phổ truyền sâu rộng trong quần chúng thôi! Gần đây CHA có giáng cơ bút vài nơi và bắt đầu cho lịnh truyền ra dần dần pháp môn tinh luyện này rồi.
Vấn: Bạch CHA, CHA có dạy muốn đi nhanh tới chỗ giải thoát phải hành Tâm pháp. Vậy những người không biết thiền, không hành Tâm pháp nhưng lại ăn ngay ở lành làm việc phước thiện, những người ấy có được giải thoát chăng?
Đáp: Ở đây, phải đặt vấn đề, ăn ngay, ở lành, hành thiện tích phước với mục tiêu nào? Hành thiện để cầu phước hay để cầu giải thoát, hay làm lành chỉ vì muốn cứu khổ ban vui? Phải xem mục tiêu mới nói được.
- Con nào suốt đời làm lành, để cầu phước, tức là nó đã tự tạo nghiệp lành kéo nó luân hồi trở lại để hưởng những phước mà nó đã gieo. Hành thiện với tinh thần này cũng chỉ là trói buộc con trong vòng luân hồi chuyển kiếp, mãi mãi trầm luân trong tứ khổ mà thôi: vì khi luân hồi trở lại để hưởng phước báu, chắc gì con lại không gieo duyên nghiệp mới để chuyển kiếp lai sinh?
- Con nào suốt đời hành thiện để cầu giải thoát, tinh thần này tốt hơn, phần hồn này có tiến bộ hơn. Nhưng nếu có tích phước nhiều quá mà phần trí tuệ chưa đủ sáng thì nó cũng phải chuyển kiếp trở lại để tu hành tiến hóa mở trí cho đến khi đủ minh để giải thoát.
Tuy nhiên nhờ đã gieo nhiều phước đức kiếp trước, kiếp này nghiệp dữ sẽ đỡ khảo đảo nó, nó sẽ gặp nhiều duyên phước trên đường tu hành để hỗ trợ nó mau tiến hóa.
- Còn trường hợp con nào làm lành với tinh thần phục vụ muốn cứu khổ ban vui. Ấy là linh hồn này đã có trình độ tiến hóa cao. Hành thiện với tinh thần này sẽ giúp con mau mở trí, vì khi con hành động mà không cầu, không vọng, chỉ thuần khiết vì từ bi, thì những luồng sóng tư tưởng trong con lúc ấy rung động thật sáng đẹp, nhờ đó mà con phát triển Bồ Đề Tâm, mở trí Bát Nhã, hành thiện mà tâm thanh tịnh, không cầu, không vọng, chỉ muốn cứu khổ ban vui ấy là hạnh Bồ Tát, cũng giúp trí con mau tiến hóa tới chỗ sáng suốt thanh tịnh giải thoát.
Nhưng CHA cho con rõ, muốn đi thật nhanh, muốn được đắc quả ngay trong một kiếp, con không thể chỉ hành thiện hoặc chỉ hành Tâm pháp riêng rẽ, mà còn phải phước huệ song tu mới được.
Nhứt là giai đoạn cuối Hạ Ngươn này, các con phải lo chạy nước rút, để kịp kỳ Đại Hội Long Hoa lần ba. Cho nên phải ráng được phước huệ song tu thì mới mong kịp ngày giờ. Vả chăng, người thật tâm muốn cầu đạo vô thượng, muốn thoát vòng luân hồi tứ khổ, phải phước huệ song tu mà thôi. Và nếu chỉ được một trong hai thì linh hồn khi bỏ xác phải chuyển kiếp lại thế gian để vun bồi phần thiếu sót kia.
Thật vậy, nếu con được phước mà thiếu huệ, thì linh hồn phải trở lại thế gian để trau dồi phần sáng suốt mà con chưa đạt được. Còn nếu con được huệ mà thiếu phước thì linh hồn con chưa được trở về cõi siêu thoát vì thiếu phần công quả, do đó phải đáo lại thế gian, lãnh sứ mạng, đem cái sáng suốt của mình độ dân tiến hóa cho đến khi công quả viên mãn mới được trở về hưởng cảnh thanh tịnh Niết Bàn.
Điều này có thể chứng minh thực tế qua trường hợp LƯƠNG SĨ HẰNG, đó con. Điển quang của nó đã xuất lên đến được cảnh giới Niết Bàn, nó mãn nguyện vì đã đến nơi sáng suốt giải thoát, thế là nó định dùng ý chí bỏ xác tịch diệt.
Nhưng làm sao nó bỏ được cõi trần khi nhiệm vụ chưa tròn, công quả chưa viên mãn? Linh tử nó xuống thế với sứ mạng độ dân vào Đại Hội Long Hoa kỳ ba, bằng cách dạy tu Thiền theo Pháp Lý V.V.H.B.H. nhưng nay, Đại Hội Long Hoa chưa trương bảng xướng danh, sứ mạng chưa tròn làm sao trở về? Dân còn đắm chìm trong đau khổ tối tăm và đang cơn khảo thí, dẫu nó có đắc quả siêu thoát cũng chưa thể trở về hưởng cảnh Niết Bàn. Thế nên, có lần nó muốn bỏ xác tịch diệt, Linh Quang về tới Niết Bàn bị điển quang CHA "đẩy" trở xuống nên, không bỏ xác được.
Việc này khiến có lần đa số chúng con đã chứng kiến hiện tượng nó sắp bỏ xác, rồi sau đó phải trở lại trần gian với chúng con đấy! Sau này ngộ được CHA dưới trần qua Đức Kim Thân, nó cũng xin được bỏ xác trở về, nhưng CHA đã cho nó rõ, sứ mạng nó chưa tròn; vả chăng Linh Tử nó dù đã về tới Phật Giới, sáng suốt thanh tịnh, nhưng Cơ Thánh Đức chưa tới, dân còn ngu muội đau khổ, còn cần tới sự dìu dắt tâm linh của nó, thì nó chưa thể nhận ngôi Phật an hưởng Niết Bàn, mà phải lãnh ngôi Bồ Tát, chịu cực khổ đi ta bà rong ruổi dưới cõi khổ để độ dân mà thôi! Việc CHA nói đây, các con có thể hỏi lại nó để rõ hơn. Nói điều này với các con, để các con hiểu thêm sự quan trọng của phần công quả cũng như công phu vậy.
Cho nên, tóm lại các con phải săn sóc cả hai phần Phước và Huệ. Tu Huệ là siêng năng tinh tấn công phu, hành pháp tinh luyện để khai Thiên Môn mở lối cho tiểu hồn phăng đường về quê xưa cảnh cũ. Tu Phước là vun bồi công quả mà phải nhớ, hành công quả với tâm muốn cứu khổ ban vui, con sẽ mau sáng hơn và tiến hóa nhanh.
Vấn: Bạch CHA, trước đây Ông Tám có dạy rằng, chúng con muốn siêu thoát thì chỉ nên chú trọng phần công phu, không nên lo việc công quả làm việc xã hội giúp đời. Vì đây là phần việc của khối Địa Tiên, không phải việc của người tu giải thoát.
Nếu mình lo công quả làm việc phước thiện xã hội, tâm sẽ vọng động và phần hồn phải kẹt lại ở cõi Địa Tiên mà không lên được cõi Phật, và những vị ở cõi Địa Tiên còn phải xuống thế luân hồi. Ông Tám còn bảo tất cả chức vị giáo chủ, giáo lãnh, những chức vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo đều là vai trò của Địa Tiên cả. Xin CHA giải rõ cho chúng con việc này.
Đáp: Câu hỏi này đã có lần CHA trả lời với một số bạn đạo ngoài Bà Rịa, lần đó có cả sự hiện diện của Tám.
Sự thật, Tám nói việc này có phần đúng, nhưng cũng có sai. Đúng ở chỗ tất cả những việc ở cõi trần, từ chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội, tôn giáo v.v... Nói chung những tiến triển văn minh về vật chất cũng như tinh thần của nhơn loại dưới cõi trần đều thuộc sự điều hành vận chuyển của khối Địa Tiên.
Tám cũng nói đúng ở chỗ các vai trò giáo chủ, giáo lãnh hay lãnh đạo tinh thần các tôn giáo đều là vai trò thuộc giới Địa Tiên. Vì giúp trần, lo cho trần gian là công việc của Địa Tiên đó. Nếu con nào xuất hồn lên được đến giới này, có cơ hội tiếp xúc với các Vị trong Quần Tiên Hội Địa Tiên, con sẽ thấy các Vị ở đây rộn rịp làm việc ngày đêm, lo cho sự tiến hóa dưới cõi trần đến thế nào, để rồi con sẽ rõ hơn những gì CHA vừa nói.
Duy có điều Tám đã sai, khi cho rằng những con nào muốn tu siêu thoát mà lo làm công quả, lo việc xã hội giúp đời thì phần hồn kẹt lại ở cõi Địa Tiên không lên được Phật Giới, điều này sai: kẹt lại cõi này hay không là tùy các con, tùy ở tâm thức, ở trình độ trí tuệ của các con đó thôi.
Nếu các con làm việc giúp đời, đóng vai trò của Địa Tiên mà tâm con bị trói buộc vào vai trò đó, ham thích vai trò đó, chẳng hạn, làm giáo chủ mà ham thích vai trò giáo chủ, thì tâm thức con phải kẹt lại cõi Địa Tiên, phần trí tuệ chỉ tiến hóa đến đó và hồn con không thể đến cõi siêu thoát được! Nhưng nếu con làm việc giúp đời, đóng vai trò của Địa Tiên mà chỉ vì lòng từ bi muốn cứu khổ ban vui, muốn cứu độ chúng sanh thoát vòng trầm luân mê muội, muốn hỗ trợ chúng sanh tiến hóa, mà tâm con chẳng hề vọng động, chẳng bị trói buộc vào vai trò đó, ấy là tâm của Phật, hạnh của Phật, ấy là phần trì trệ đã tiến hóa khỏi giới Địa Tiên, và do đó linh hồn con vẫn đến được cõi giải thoát như thường chứ con!
Này con, hãy nhìn gương Thích Ca chẳng hạn! Nó là Phật mà đóng vai Địa Tiên đó! Là giáo chủ một tôn giáo lo việc cứu dân độ thế đó con! Nhưng Linh Quang của nó có vì thế mà bị kẹt lại cõi Địa Tiên đâu? Vai trò giáo chủ với nó chỉ là một thứ áo mão cần thiết phải khoác lên để cứu độ chúng sanh, chớ không vì thích áo giáo chủ. Đấy là làm Địa Tiên mà hạnh của Phật, thế nên, khoác vai Địa Tiên mà vẫn là Phật như thường.
Vả chăng, nếu trước một việc cần thiết phải cứu khổ chúng sinh, phải lo hỗ trợ cơ Tiến Hóa, mà còn câu nệ vai trò, sợ làm việc đó, đóng vai trò không có lợi cho mình, để việc đó người khác làm, đấy cũng là còn mê chấp, chưa đúng mức Bi Dũng, do vậy, Bi Dũng cũng kẹt lại đó không phát triển hơn được! Bi Dũng không phát triển được thì Trí con cũng không mở hơn được! Và rồi thử hỏi, công việc giúp trần gian tiến hóa thực mênh mông không kể xiết, cơ Tiến Hóa của CHA thực bao la vạn đại.
Còn biết bao nhiêu việc phải làm để cứu độ các linh hồn còn đắm chìm trong mê muội, trì trệ trên con đường tiến hóa của nó! Vậy phải có chiến sĩ để làm việc chớ con! Nhưng rồi, CHA biết phải nhờ ai đây, nếu những đứa có trình độ sáng, hoặc có điều kiện, có phương tiện tốt lại từ chối vai trò giúp đời, đóng góp vào việc hỗ trợ tiến hóa quần sinh? Những đứa không tu, CHA đã không cậy nhờ gì được ở phần cứu khổ, chỉ trông cậy vào những con biết tu, biết hướng thượng và có chút tâm hồn để tiếp tay cứu khổ trần gian, nhưng rồi, nếu những con này chỉ biết lo tu, hầu được về chỗ sáng hưởng an lạc một mình, để lại gánh trần gian với triệu ức sinh linh mê muội này cho những ai muốn gánh nó thì gánh! Ai gánh bây giờ con? Nếu không phải là những con biết tu biết thức giác quay về nẻo thiện, lo tìm chỗ sáng? Nhưng rồi, nó phải hiểu được chơn lý chỗ này: lo cho người tức lo cho ta, giúp người tiến hóa tức giúp ta tiến hóa.
Tu là làm hành trình học BI, TRÍ, DŨNG, phát triển BI, TRÍ, DŨNG, cho đến vô cùng tận. Làm công quả giúp đời, cứu khổ trần gian với tất cả khả năng của con, ấy là một trong những cách phát triển BI, TRÍ, DŨNG đó thôi.
Song, CHA thấy rằng, Tám nói là nói vậy, có thể vì sợ tâm thức các con yếu đuối, có thể bị mê muội rồi vọng động vào các vai trò hành thiện giúp đời, khiến phần trí tuệ không tiến hóa lên đến chỗ cao siêu, nhưng rồi con hãy xem gương của Tám, phần trí tuệ đã tới Phật Giới, nhưng nó cũng đang đóng vai Địa Tiên đó con! Nó cũng đang thực thi công quả, tận dụng trí tuệ để tế độ quần sinh. Nó luôn luôn ban rải sự hiểu biết, ban rải khối thanh điển của nó để cứu khổ muôn người.
Và rồi, cũng xông pha làm việc xã hội bằng cách trị bệnh giúp đời đó con! Và rồi con hãy nhìn lại quãng đời tu hành của nó, từ khi Tám bắt đầu phát huệ, là đã tận dụng sự hiểu biết của mình để hỗ trợ cho kẻ khác tiến hóa. Mặt hữu hình thì lo giảng pháp khuyến người tu, mặt vô hình, thì xuất điển đi giúp bạn đạo hành pháp hay đi tế độ vong nhân, lo hỗ trợ tiến hóa cho các linh hồn ở những cảnh thấp của cõi trung giới.
Đấy là Tám lo lập công bồi đức, vun bồi âm chất để hỗ trợ con đường tu tiến của nó, nhờ vậy nó mới được mau sáng, tiến hóa thật nhanh, và đến nay, điển quang của nó mới tới được Phật Giới nhanh như vậy chớ con! Đấy con xem, ngoài phần công phu, Tám đâu có thờ ơ phần công quả chút nào? Đã chẳng những Tám chăm lo CÔNG PHU, vun bồi CÔNG QUẢ rồi còn chăm sóc CÔNG TRÌNH luôn luôn nữa à con! "Tam công nghe con"!
Công trình là gì con? Là trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, tức là việc lập hạnh đó con! Con thấy rõ, khi Tám bắt đầu tu đã chuyên chú việc lập hạnh, trì trai giới nghiêm ngặt, dứt bỏ tâm trần, khiêm tốn, nhẫn nhục, ngày đêm tinh tấn công phu không dám bê trễ chút nào. Cho nên, vậy để con thấy rằng: muốn đi nhanh, muốn mau sáng, phải gắng hành Tam Công cho rốt ráo, không giải đãi phần nào. Hành Tam Công cũng để phát triển BI, TRÍ, DŨNG đó thôi.
- Công quả là thể hiện chữ BI
- Công phu là thể hiện chữ TRÍ
- Công trình là thể hiện chữ DŨNG.
Vì việc lập hạnh mà thiếu DŨNG ắt không làm được, nên việc lập hạnh cũng là cách trau dồi chữ DŨNG đó thôi.
Tuy nhiên, CHA thấy đa số các con tu phái Vô Vi, vì chưa hiểu nên đặt nặng phần công phu, coi khinh công quả. Nghĩ rằng muốn mau sáng chỉ cần lo công phu để mở huệ mở trí. Nhưng con ơi, con phải biết rằng: Muốn mở Trí phải học Bi, Bi nhiều hơn Dũng nhiều hơn, Trí mới được sáng hơn con!
Bi càng lớn, Dũng càng nhiều thì Trí càng mở. Bi con nhỏ hẹp, Dũng con yếu hèn thì Trí con không thể mở lên cao được. Nến nhớ rằng, khi con biết thương nhiều hơn, con mới được sáng hơn. Nếu tâm con nhỏ hẹp, thiếu từ ái, điển của con chỉ la đà dưới các cõi thấp mà không lên cao được.
Do đó, muốn về tới Phật thì con phải học mở tâm ra yêu thương chúng sinh, lo cứu khổ chúng sinh, vì tâm Phật là tâm yêu chúng sinh vạn vật, nhờ tâm đó Phật mới chói sáng trí tuệ và về được cõi giải thoát.
Nhưng rồi, CHA nói ngược lại, mục đích việc công phu của con là để mở Trí, nhưng có Trí cũng chỉ để thức giác biết thương hơn tức Bi, biết thương hơn để xông lướt dùng ý chí phấn đấu với phàm ngã để chịu khó chịu cực, lo cứu khổ chúng sinh tức là Dũng.
Nói tóm lại, con thấy phải chăng rằng:
- Nếu con có TRÍ tức sẽ có BI DŨNG
- Nếu con có DŨNG tức sẽ có BI TRÍ
- Nếu con có BI tức sẽ có TRÍ DŨNG
Vậy có nghĩa là:
- Muốn đạt được TRÍ con phải có BI DŨNG
- Muốn đạt được DŨNG con phải có BI TRÍ
- Muốn đạt được BI con phải có TRÍ DŨNG
Những đức tính này tương quan chặt chẽ với nhau và con sẽ phải lo phát triển nó luôn luôn trên con đường phản bổn qui nguyên bằng cách hành Tam Công cho rốt ráo đó con!
Vấn: Thưa CHA, nhờ CHA dạy để con tiếp thu, CHA bảo con phải thương, nhưng con muốn thương mà tâm nó không thương, nó không tự động thương, con phải làm sao?
Đáp: Con bảo rằng "Con muốn thương mà nó không chịu thương" con biết vì sao không? Vì phần hồn Chủ Nhơn Ông muốn thương nhưng lục căn nó lại chưa biết thương mà phần hồn vì yếu đuối để lục căn lấn lướt rồi nghe theo lục căn luôn! Cho nên, khi con, tức Chủ Nhơn Ông muốn thương mà lục căn không chịu thương là bởi nó chưa biết thương.
Nó chưa biết thì con phải dạy nó học thương, tập cho nó thương.
Con dạy bằng cách nào? Con dạy không những chỉ bằng cách công phu tịnh luyện để giúp lục căn sáng hơn, biết hơn mà phải bằng cách làm Công Quả nữa! Vì Công Quả là cơ hội để phần hồn bắt lục căn học thực hành tình thương. Nếu nó không chịu hành động theo ý muốn của phần hồn vì chưa biết thương thì phần hồn phải dùng ý chí cương quyết để bắt nó nghe lời trước một công tác tình thương và phụng sự đòi hỏi sự cố gắng của nó.
Nhờ những bài học thực hành đó, dần dần, lục căn tiêm nhiễm những thói quen tốt lành và rồi tự động sẽ biết thương hơn. Nhờ biết thương hơn nên lục căn được sáng hơn đó con. Đấy phải chăng cũng là một cách hóa độ lục căn trong bản thể, giúp nó sáng hơn bằng cách thực thi công quả? Và phải chăng công quả cũng là dịp con yêu thương chúng sanh trong bản thể của con? Nhiều con trong phái Vô Vi cho rằng Tám dạy thực thi lòng từ ái là lo yêu thương chúng sanh trong bản thể, tức là chỉ lo công phu để hóa độ chúng nó.
Nhưng rồi con vừa thấy, giúp chúng nó sáng, không phải chỉ bằng phép Công Phu mà bằng cả Công Quả nữa! Con nên nhớ làm Công Quả là học Bi bằng cách thực hành, học Bi mà không thực hành thì không thể thuộc chữ Bi, chữ Bi không thuộc thì Trí không mở, do vậy, làm sao con tiến lên cao được? Không tiến lên cao được làm sao con cứu độ chúng sanh trong bản thể của con?
Vấn: Thưa CHA, nhưng con không có cơ duyên làm công quả, thiếu phương tiện để làm phước. Nhờ CHA dạy con phải làm sao?
Đáp: Việc con nói không có cơ duyên. Khi thương, tự động con sẽ thấy có cơ hội để con làm, để phục vụ. Con nên tìm cơ hội để làm, chứ đừng để cơ hội tìm đến con. Con muốn đi mau, muốn sáng nhanh, mà con không chịu dọn gai góc, thì con đi, tự nhiên, con bị trì kéo thôi, vì nghiệp trần còn nặng, thì làm sao con đi dễ dàng khỏi bị khảo đảo, khỏi bị trì trệ chậm trễ? Do vậy, con phải lo hóa giải nghiệp lực bớt đi, bằng cách trả nợ trần, phục vụ quần sinh, lập công bồi đức, để vun bồi âm chất, dụng phước trừ nghiệp.
Có vậy, nợ trần mới nhẹ dần, nghiệp chướng tiêu bớt, con đi mới dễ.
Nghiệp nặng, thiếu phước đức, con muốn tu tiến đi lên cũng phải chịu nhiều khảo đảo đắng cay, khó đi nhanh được! Còn con nói thiếu phương tiện để làm phước, CHA cho rõ, phải quan niệm công quả một cách rộng rãi phóng khoáng, không phải chỉ bố thí vật chất tiền bạc cho người nghèo khổ mới là công quả. Phải hiểu công quả bao la hơn, là bố thí cả vật chất lẫn tinh thần, là cứu khổ ban vui, là phụng sự giúp chúng sanh tiến hóa.
Nếu con biết hơn, con sẽ thấy, hay nhứt là bố thí thanh điển, vì thanh điển sẽ giúp chúng sanh bớt nặng nề ngu muội đau khổ. Hằng ngày các con có thể ban rải những tư tưởng tốt lành thánh thiện ra trong không gian để giúp những kẻ yếu đuối tối tăm ác trược được vươn lên. Đấy cũng là cách bố thí rất hay và là công quả đó! (1) Cách bố thí này nếu con hành luôn luôn trong ngày, con sẽ giữ được con thanh hơn, đấy là con đã đem điển của mình vượt qua lớp trược khí dày đặc để lên được tầng thanh điển của Càn Khôn, nhờ vậy, con được nhẹ nhàng sáng suốt phát triển nhanh phần trí tuệ.
Vấn: Bạch CHA, chúng con thấy trong các bài đàn cơ hay nói tới Tam Công Tứ Lượng. CHA giảng cho chúng con hiểu Tam Công rồi, nhưng chúng con chưa hiểu Tứ Lượng là gì?
Đáp: Tứ Lượng đây là: "Tứ Vô Lượng Tâm" là bốn hạnh cần thiết của người tu, tức là TỪ, BI, HỶ, XẢ.
Bốn hạnh này gom lại một hạnh gọi là THƯƠNG đó con! Con hiểu chữ "THƯƠNG" cho đơn giản, vì có "THƯƠNG" con mới có TỪ, BI, HỶ, XẢ được con! Tóm lại, bốn đức này gom lại chữ BI, và chữ BI của con phát triển chừng nào thì Tứ Vô Lượng Tâm phát triển chừng ấy! Nói một cách khác, nếu con hành tròn Tam Công, tự nhiên, con sẽ có Tứ Lượng trong đó rồi.
Vấn: Thưa CHA, dạo này vì thời cuộc, vì hoàn cảnh khó khăn, chúng con rất dễ động loạn, khó công phu, hành pháp thấy nặng nề lười mỏi, có khuynh hướng bê trễ. Ngoài ra, con thấy dễ bực dọc sân si cáu kỉnh, chúng con biết là lục căn trèo lên nhưng không biết làm sao trị nó, xin CHA dạy chúng con cách nào?
Đáp: Con biết vì sao có hiện tượng gặp những khó khăn đó không? Vì hiện tại tầng trược khí rất dầy đặc đang bao phủ trần gian, con nào mở được huệ nhãn sẽ thấy trược khí vươn lên ngất Trời! Trược khí khiến chúng con nặng nề, loạn động, tăm tối điên đảo, và tất cả chúng con đều phải bị ô nhiễm không nhiều thì ít, khó tránh khỏi! Do vậy, con nào chưa trụ được tâm, ý chí chưa vững, thì màn này phải đảo điên vì trược khí. Bị trược khí chung quanh tấn công xâm lấn mà chủ nhân ông thiếu ý chí, không chủ động được thì tự nhiên lục căn trèo lên khảo đảo, khiến chúng con sanh ra dễ bực dọc, cáu kỉnh, sân si, buồn chán, đau khổ, rồi làm điều sái quấy thôi! Dạo này, các con ngồi công phu thường thấy nặng, nếu thiếu ý chí thì sẽ giải đãi, lười mỏi, hành lấy lệ.
Hành pháp như vậy, khó nhận được thanh điển rút đi lên. Khi bản thể chúng con không được bao nhiêu phần thanh, thì chúng con phải thấy nặng nề, buồn chán, đau khổ, hoang mang, loạn động, bị lục căn làm chủ, và rồi có thể làm điều sái quấy để kéo phiền phức khổ nạn, đến khảo đảo. Thế nên, CHA khuyên các con ráng siêng hành pháp luân cho nhiều trong ngày, càng nhiều càng tốt để giải bớt trược khí ô nhiễm. Vì khi con làm pháp luân, vận hơi thở là lúc con đem phần dương trong không khí vào dương hóa bản thể con để con được nhẹ, được sáng. Dạo này trược khí nặng nề, mỗi khi vận hơi thở, con không đem được bao nhiêu dương vô đâu, cho nên, các con phải ráng siêng hành pháp luân thật nhiều mới mong giải bớt phần âm khí trong các con để các con bớt khổ.
Thêm vào đó, để các con làm chủ mình hơn và phấn đấu trị lục căn, các con hãy thử làm cách sau đây. Khi vừa thấy tâm ý mình xuyến xáo, vọng động, buồn chán, âu lo, hay cáu kỉnh bực dọc, thắc mắc, tức giận người nọ kẻ kia, bất cứ lúc nào trong ngày, con hãy tức khắc cắt đứt ý tưởng đang gây loạn động, hít hơi vào chậm và sâu, thở ra cho thật hết, làm như vậy cho đến khi con chủ động lại hơn.
Đang khi con hít hơi, con co lưỡi, răng kề răng, niệm Phật hay niệm danh CHA, tưởng nơi trung tim bộ đầu, vừa niệm Thượng Đế vừa tưởng mình hợp nhất với Thượng Đế, mình là Thượng Đế đang cai quả cái bản thể này, rồi ở ngôi vị Thượng Đế con bắt đầu nghĩ chúc phúc cho tất cả chúng sanh trong bản thể con, chúc phúc cho lục căn, vì chúng đang chịu nặng nề tối tăm đau khổ, nên mới nổi loạn dấy động, do thiếu phần thanh phần sáng. Con nghĩ con ban hồng ân cho nó, ban sự sáng suốt cho nó, rồi luôn luôn bằng tư tưởng, con khuyên dạy nó tu, khuyên nó phải tiến hóa, giáo dục nó phải theo ý chí sáng suốt của Chủ Nhân Ông, để được mau thoát vòng trầm luân đau khổ.
Con nói chuyện với nó bằng tư tưởng như người cha nói chuyện với những đứa con nhỏ dại ngu muội của mình. Khi nó hoành hành dữ lên, thì con dùng tư tưởng rầy dạy nó. Nếu hằng ngày, con biết làm thường thường công việc giáo dục và chúc phúc như vậy, thì chắc chắn lục căn của con sẽ được huấn luyện thuần thục dần dần, cho đến khi nó chịu qui phục và nghe theo ý chí sáng suốt của Chủ Nhơn Ông. Cách dùng tư tưởng hợp nhất Thượng Đế, rồi ban ơn, rồi giáo hóa dẫn tiến lục căn này rất hay và rất hiệu nghiệm, nếu con chịu chú tâm thực hành thường, không lười biếng, giải đãi, buông trôi. Con làm cách này để hóa độ lục căn rất tốt.
Vì khi con dùng những tư tưởng tốt lành, rõ rệt, mạnh mẽ để răn dạy, giáo hóa, nói chuyện với lục căn một cách nghiêm túc, thì lúc ấy, tư tưởng tốt lành mạnh mẽ của con sẽ phát ra luồng thanh điển để kéo lục căn lên chỗ sáng hơn (1).
Con nào có trình độ huệ nhãn, nó sẽ chứng nghiệm hiện tượng lục căn lục trần nghe Chủ Nhơn Ông thuyết pháp. Đây không phải là điều tưởng tượng, vì sự hiện diện của lục căn, lục trần trong bản thể con người là một sự kiện hoàn toàn có thật, con nào cũng có thể chứng nghiệm thấy được cảnh này khi nó có trình độ huệ nhãn. Các con, ai cũng vậy, từ trong nặng đi ra nhẹ, từ trược đi lên thanh, thì chắc chắn phải có sự trì kéo, rồi phải phấn đấu với lục căn lục trần, nhờ chỗ phấn đấu với sự trì kéo này, con mới học trau luyện ý chí, mới có bài cho chúng con học để tiến hóa. Chúng nó cũng như con nít thôi!
Thế nên, nếu con biết răn dạy giáo hóa, khuyến nhủ nó luôn luôn bằng những tư tưởng tốt lành, chắc chắn, dần dần, con sẽ ảnh hưởng nó chịu tu tiến theo con. Con hãy nhìn gương những con thú trong gánh xiếc, chúng hung dữ, ngu muội, nhưng rồi, con người vẫn thành công trong việc chế ngự chúng, và hướng dẫn chúng hành động theo ý muốn.
Ấy, là vì con người đã chuyên tâm chịu khó dùng ý lực của mình để dạy dỗ huấn luyện nó luôn luôn! Lục căn lục trần của con cũng vậy, nếu con không trông nom, săn sóc, giáo dục nó, dùng ý lực huấn luyện nó thường xuyên, để nó lấn áp, nghe theo nó luôn luôn, không dạy, không khuyên, không la rầy nó, hoặc dạy một ngày rồi bỏ quên nó mười ngày, thì tự nhiên, nó không nhớ những lời dạy của con và rồi lại hoang đàng hư đốn leo lên nắm quyền sát phạt lại con thôi! Vậy các con hãy áp dụng cách hóa độ lục căn như vừa nói trên xem thử (1).
No comments:
Post a Comment