MẠN-ÐÀM VỀ
CHỮ & NGHĨA VIỆT-NAM
Bài của NGƯỜI THƠ
Trong sinh-hoạt văn-học của Người Việt Hải-Ngoại trong thời-gian qua, chúng ta thấy nổi lên một “sự-kiện” khác thường: có một số thi+văn-sĩ và nhà “ngôn ngữ học”, đã thể-hiện sáng-kiến mới lạ của mình, trong tác-phẩm đăng-tải trên báo cũng như ấn-hành thành sách, về Việt-ngữ – về chữ và nghĩa của tiếng Việt Nam.
*
* *
Thật ra, ước muốn “cải-cách” chữ Việt đã được nhiều người ôm-ấp, dò-dẫm hoặc táo-bạo thực-hiện, ít nhất cũng từ khoảng nửa thế-kỷ nay rồi, nhất là sau khi “Phong-Trào Truyền-Bá Quốc-Ngữ” quyết-định phát-âm B, C, D, Ð là bờ, cờ, dờ, đờ (thay cho bê, xê, dê, đê theo lối phát-âm nguyên-thủy) và gọi “i” là “i ngắn”, “y” (i gờ-rếch=i Hy-Lạp) là “i dài”, v.v...
A. TẠI MIỀN NAM:
Chúng ta có thể kể ra một số thí-dụ:
1. Nhà thơ lão-thành Ðông-Hồ thành-lập một nhà xuất-bản mệnh-danh là “Yễm Yễm Thư-Trang”, gây nên bàn-tán sôi-nổi một thời. Có người giải-thích là “Yễm Yễm” thay cho “Diễm Diễm”. Có người cãi rằng chữ “Y” không thể phát-âm thành “Giờ”, và “Giờ” (giọng nhẹ) cũng không thay thế được “D” là “Dờ” (giọng nặng); mà dù nó có được đọc là “Dờ”, thì nó cũng mới cộng thêm với “ễm” để làm thành “Dễm” chứ chưa có thể cộng được với “ễm” mà làm thành “Diễm”. Có người cho rằng đồng-bào Nam Phần (và cả Trung Phần) phát-âm vần “G” và vần “D” giống nhau (thí-dụ giao-dịch, giáo-dục, gian dối) nên ở đây Ðông-Hồ (cùng các đồng bạn) muốn làm một công ba việc: vừa biến nguyên-âm “Y” thành phụ-âm “Y”, vừa hòa-hợp cả hai phụ-âm “giờ” và “dờ” thành một, vừa ghép thêm vào nó một nguyên-âm “i” hiểu ngầm (sous-entendu, understood) thành ra “Gi” hoặc “Di” để cộng thêm với “ễm” mà làm thành “Diễm” (Như thế thì chúng ta sẽ có “yết” thay cho “giết”, “yếng” thay cho “giếng”, và cả “yệt” thay cho “diệt”, v.v...?!). Trong thời-gian đó, có người vẫn cứ nửa đùa nửa thật phát-âm “yễm yễm” là “iễm iễm” hoặc “dễm dễm” như thường. Song rồi mọi việc cũng đã lắng yên, vì thắc-mắc mãi cũng chán, và chính Ðông Hồ hầu như cũng không phát-minh được thêm những chữ nào khác trong hướng đổi mới chữ nghĩa của nước mình.
2. Khoảng cuối thập-niên 1940, đầu thập-niên 1950, tại Saigon có một nhóm nhà văn đồng-thời với Tam Ích, Nguyễn Văn Xuân, v.v... đã sáng-tạo ra một số từợ mới, trong đó có từ ghép “sáng giá” mà hồi đó họ giải-thích là từ-ngữ viết tắt của “sáng-tác giá-trị”, khiến trên mặt báo có người nghịch đùa dựa theo đó mà viết “thiếu-nữ đẹp-đẽ” là “thiếu đẹp”, “vô cùng ích lợi” là “vô ích”, v.v...
3. Nhà văn Nguyễn Ngu Ý tự viết tên mình là Nguyễn Ngu Í, cũng khiến thiên-hạ chỉ-trích gay-gắt lúc đầu.
4. Nhà giáo Lê Bá Kông tự viết tên mình là Kông thay vì Công.
5. Thời-kỳ cực-thịnh của văn-học Việt-Nam Cộng-Hòa trước quốc-biến 1975, có một số người đã sửa tên mình là “Dũng” thành “Dzũng”, có lẽ đánh vần dựa theo cách viết tên của một nhân-vật trong một cuốn truyện ăn khách một thời (là “Dzũng Ða-Kao”)...
B. TẠI MIỀN BẮC:
Trong lúc đó, ở Miền Bắc Việt-Nam người ta đã “cắt mạng” tiếng Việt một cách toàn-diện, đồng-bộ, quyết-liệt, nhưng độc-đoán và thô-bạo có thừa. Việt-Cộng lập hẳn một “Viện Ngôn Ngữ Học” để sáng-chế ra một số từ mới, thống-nhất định-nghĩa cũng như quy-định cách viết, cách dùng các từ liên-hệ thế nào cho thích-hợp với khẩu-hiệu “dân tộc, khoa học, đại chúng” mà họ đề ra không những cho văn-học, nghệ-thuật, mỹ-thuật, mà còn cho cả một số lĩnh-vực khác nữa, chẳng hạn y-khoa, v.v... Chắc-chắn là các đồ-đệ Mác+Lê lô-can rất muốn noi gương Hồ Chí Minh khi ông ta tự tay nắn-nót viết tên trên bìa cho một tập sách là “Ðường Kách Mệnh” mà đảng cộng-sản Việt-Nam xem là một kiệt-tác trong “toàn-thư” của họ Hồ, kẻ cũng là tác-giả của những từ-ngữ quái-đản kiểu “điệu hò vĩ dặm”, v.v...
Song le, ở một mức-độ nào đó, Việt-Cộng cũng đã thành-công trong việc gán cho các từ-ngữ của họ những ý-nghĩa với những mục-đích đặc-biệt, để bắt “toàn đảng, toàn quân, và toàn dân” học-tập và sử-dụng rập khuôn; đến nỗi, trong thời-gian còn chiến-tranh Việt-Nam, người Mỹ đã phải khổ-công sưu-tập, điều-nghiên và phổ-biến nội-bộ những cuốn “VC Terminology” (thuật-ngữ Việt-Cộng) để giúp các giới tình-báo và thông-dịch phiên-dịch tránh sự khó hiểu, hiểu sai và hiểu lầm mỗi khi gặp phải các tài-liệu hoặc lời-lẽ của phe bên kia. Có một từ-ngữ đã nhiều phen gây bất-đồng ý-kiến giữa cố-vấn Hoa-Kỳ với đồng-minh Việt-Nam Cộng-Hòa: Mặt Trận Dân-Tộc Giải-Phóng, mà phía Quốc-Gia dịch là “People’s Liberation Front” (PLF), phía Việt-Cộng dịch là “National Liberation Front” (NLF). Phía Việt-Nam Cộng-Hòa cho rằng “National Liberation Front” có nghĩa là “Mặt Trận Quốc-Gia Giải-Phóng” chứ không phải “Mặt Trận Dân-Tộc Giải-Phóng”. Thế là người Mỹ “đi hàng hai”: đối với Việt-Nam Cộng-Hòa thì dùng People’s, đối với Việt-Cộng thì dùng National; nhưng về phía Mỹ với nhau thì dùng từ-ngữ National Liberation Front (hiện nay ta thấy dẫy đầy trong các thư-viện của Thế-Giới Tự-Do) để chỉ “Mặt Trận Dân-Tộc Giải-Phóng”. (Do đó, một Nation là một dân-tộc; và danh-từ Nation dẫn đến tính-từ National, rồi đến các danh-từ Nationalism và danh-từ kiêm tính-từ Nationalist, mà Nationalist cũng có nghĩa là người yêu nước, nên Hồ Chí Minh là lãnh tụ số một của “mặt trận dân-tộc” ấy đã được một số người Mỹ xem là “nhà... ái-quốc”! Ngược lại, các bạn có biết Việt-Cộng gọi phe Quốc Gia “Nationalist” là gì không? Là bọn “dân-tộc chủ-nghĩa” đấy!) Một số thuật-ngữ được dùng trong bản văn tiếng Việt của Hiệp Ðịnh Paris 1973 cho thấy là Việt-Cộng đã nắm được ưu-thế, về mặt chữ nghĩa, trên bàn hội-nghị, và trong thực-thi “ngưng bắn”, ngoài đời, về sau.
Bởi vậy, ngay đến hôm nay, mặc dù có nhiều từ của Việt-Cộng mà người Quốc Gia không chấp-nhận, chúng tôi nghĩ rằng các giới ngôn-luận và lý-luận chính-trị vẫn nên tìm hiểu để nắm vững ý chính qua các từ họ dùng để diễn-đạt vấn-đề; nếu không thì “ông nói gà, bà nói vịt”, mình không hiểu ý của người, mà chỉ hiểu từ của người theo ý của mình, thì chuyện tranh-luận vẫn mãi mãi không đi đến đâu. Thí-dụ: Việt-Cộng không bao giờ nói là họ “xây-dựng hay tiến lên xã-hội chủ-nghĩa”, mà chỉ có người Quốc Gia nói là Việt-Cộng nói như thế mà thôi; bởi lẽ Việt-Cộng quy-định dứt-khoát rằng chủ-nghĩa xã-hội (socialism) là một danh-từ, còn xã-hội chủ-nghĩa (socialist) là một tính-từ (không phải là một “society of doctrine” như một nhân-vật Quốc-Gia đã dịch để phê-phán Việt-Cộng), nên họ chỉ “xây-dựng hoặc tiến lên chủ-nghĩa xã-hội” (xây-dựng hoặc tiến lên một chủ-nghĩa, đó là chủ-nghĩa xã-hội, socialism, một socialist doctrine, một danh-từ); và nếu phải dùng từ ghép “xã-hội chủ-nghĩa” thì họ dùng nó với tư-cách một tính-từ (-ist), thí-dụ “xây-dựng hoặc tiến lên xã-hội xã-hội chủ-nghĩa” (tức là xã-hội theo chủ-nghĩa xã-hội, socialist society). Cũng thế, “vinh quang” là danh-từ, “quang vinh” là tính-từ, nên Việt-Cộng nói “lao-động là vinh-quang” (cả hai đều là danh-từ: Lao-Ðộng đồng-nghĩa với Vinh-Quang; nhưng khi nói đến tính-cách (thuộc-tính) thì họ nói “nước Việt-Nam quang-vinh” (glorious Vietnam) chứ không nói là “nước Việt-Nam vinh-quang” (vì, theo họ, nói nước Việt-Nam vinh-quang tức là nói sai ngữ-pháp thành “glory Vietnam” chứ không phải “glorious Vietnam”)! Bảo-đảm khác với đảm-bảo, nhất-thống khác với thống-nhất, vân vân và vân vân...
*
* *
Trở lại với hiện-tượng “đổi mới” chữ nghĩa của Người Việt tại Hải Ngoại, trong thời-gian gần đây, nhiều người đã đưa ra một số thay đổi mới lạ về chữ và nghĩa tiếng ta, chúng tôi tạm kể một số thí-dụ điển-hình:
I/ VỀ HÌNH-THỨC:
1- Nhà thơ Du Tử Lê dùng cái dấu vạch chéo (slash), vạch xiên (/) giữa hai chữ hoặc nhóm-chữ (từ-đoạn) trong một câu thơ. Khi ghi ngày tháng năm bằng những con số, cái dấu vạch xiên ấy được dùng giống như cái dấu vạch nối (-) hoặc dấu chấm (.), thí-dụ: 30/04/75, giống như 30-04-75 hoặc 30.04.75. Khi ghi nhiều số điện-thoại cùng một mã-số khu-vực (area code), cái dấu ấy cũng được dùng thay cho chữ “hoặc”, thí-dụ: Phone (123) 456-7890/890-4567 (số 123-456-7890 hoặc số 123-890-4567). Nhiều người đã thấy cái dấu-hiệu ấy được dùng trong thơ của Du Tử Lê từ lâu rồi; nó không chỉ có nghĩa là “hay là”, “hoặc là”, mà còn có những dụng-đích khác, tỉ như hoán-vị các từ, từ-đoạn... Nó là một nét hình-thức mới dặm thêm vào lối viết chữ cũ, nhưng nay nó được nói đến nhiều hơn vì hiện đã có một số người khác đưa ra một số thay đổi mới lạ về chữ và nghĩa tiếng ta, như các trường-hợp kể sau.
2- Giáo-sư Nguyễn Ðình Hòa âm-thầm giữ vững lập-trường về dấu nối (trait d’union, hyphen), cách viết chữ hoa, và nhất là việc thay thế y (i dài) bằng i (i ngắn). Theo họ Nguyễn thì các chữ vốn viết là y (i dài) nay phải viết lại như sau: địa-lí, thế-kỉ 21, Tổng-thư-kí, hồi-kí, kĩ-thuật, công-ti, lí-tưởng, Mĩ, Hoa-kì, kỉ-niệm, mĩ-thuật, kĩ-nghệ, v.v...
3- Về các dấu nối thì cũng có một số người đồng ý với Nguyễn Ðình Hòa. Theo dõi sách báo hải-ngoại, độc-giả thỉnh-thoảng cũng thấy điều đó; nổi bật nhất là nhà văn Võ Long Tê tức Võ Phương Tùng ở Gia Nã Ðại: họ Võ mỗi lần gửi bài đăng báo là đòi hỏi nhà báo phải sửa chính-tả (có dấu nối) đúng theo bản thảo của mình. Trong suốt hai cuốn hồi-ký “Về Vùng Chiến-Tuyến” và “Cảnh-Sát-Hóa” của Lê Xuân Nhuận, cái dấu gạch nối dùng với các từ đa-âm cũng đã được phục-hồi.
4- Riêng về chữ “i” (i ngắn) thay cho “y” ( i dài), thì một trong những nhà biên-khảo và soạn từ-điển bằng chữ quốc-ngữ đầu tiên trong văn-học-sử Việt-Nam từ cuối thế-kỷ thứ 19, đầu thế-kỷ thứ 20, cũng đã áp-dụng khi tự viết tên của mình, là Huình Tịnh Của. Về sau, không nhớ tự bao giờ, chữ Huình đã được viết thành chữ Huỳnh. Nhưng, trong năm 1996, nhà xuất-bản Văn Nghệ đã cho chào đời tác-phẩm “Tử Tù Tự Xử Lí” của Trần Thư, với nhan-đề thứ hai là “Tử Tù Xử Lí Nội Bộ”, mà trong “xử lí” thì chữ i (i-ngắn) được dùng thay cho y (i-dài), trong lúc “hợp-lý”, “tâm-lý” thì vẫn để nguyên i-dài. Chưa rõ dụng-ý (dụng-í?) thế nào.
5- Trong một phạm-vi giới-hạn, trên tờ “Ðất Mẹ” của “Phong trào yểm trợ giáo hội công giáo Việt Nam”, xuất-bản tại Texas, trợ-b*t Nguyễn Ước cũng dùng i-ngắn thay cho i-dài (thí-dụ chu-kì, thiên-niên-kỉ, kỉ-nguyên, kĩ-lưỡng...), trong lúc “kỹ nghệ”, “vật lý”, “người Ý”, “nước Ý”... thì vẫn còn dùng y (i-dài). Chưa rõ lý-do.
6- Cũng về chuyện i-ngắn i-dài, bên nước láng-giềng Gia Nã Ðại, giáo-sư Lê Hữu Mục đã cho xuất-bản tác-phẩm “Trần Lục” viết về linh-mục Trần Lục, trong đó có chương “Cụ Sáu đối-diện với phong-trào Văn Thân” mà đặẳc-điểm nổi bật là, cùng một chủ-trương với Nguyễn Ðình Hòa, họ Lê đã đổi tất cả các mẫu-tự “y” (i dài) ra thành “i” (i ngắn), gây nên sự phản-đối của nhiều người, mà quyết-liệt nhất là ông Từ Chuyên, người viết trên “Văn Nghệ Tiền Phong”, đã chụp cho Lê Hữu Mục một chiếc nón cối Vi Xi. Số là Việt-Cộng trong nhiều trường-hợp đã dùng mẫu-tự “i” thay thế mẫu-tự “y”, thí-dụ “iêu thương” (cùng lúc với “f” thay thế “ph”, thí-dụ: fố fường), nên Từ Chuyên kêu gọi ký-giả Gàn Bát Sách “chống cái ông Mục nào đó (tay sai của cộng-sản?) chỉ muốn đem “i” ngắn vào văn-học hải-ngoại để chia rẽ anh em trí-thức”, đồng-thời làm một bài thơ trào-phúng ca-tụng “y” (i dài) với các câu:
Bàn về “i” ngắn làm chi?
Làm trai ai chẳng muốn “y” cho dài?
Y dài thì... mới dai,
Mới mong tiếp cú thứ hai hầu bà!
Muốn yêu mà ngắn như gà,
“Gô ao” cái chắc, chả ra... chó gì!
Hỏi bà, bà muốn cái chi?
Muốn “yêu” thì phải kéo “y” thật dài...
7- Sau đó, nhà biên-khảo Dương Ðức Nhự không những chỉ gián-tiếp bênh-vực Lê Hữu Mục mà còn hô-hào đổi mới chữ Quốc-ngữ, đưa ra nhiều đề-nghị rất độc-đáo, thí-dụ: bỏ mẫu-tự “h” trong phụ-âm ghép “ngh” thành ra “ng” để viết “nge”, “ngĩ ngợi”, thay vì “nghe”, “nghĩ-ngợi”; bỏ mẫu-tự “h” trong phụ-âm ghép “gh” thành ra “g” để viết “gen gét”, “gồ gề” thay cho “ghen ghét”, “gồ ghề”; riêng mẫu-tự phụ-âm “d” thì bỏ hẳn để thay thế bằng “z”, thí-dụ: “zễ-zàng”, “zu zương”; ngoài ra còn viết dính những từ ghép, thí-dụ “ngengóng”, “zưluận” thay cho “nghe ngóng”, “dư luận”, v.v... Cứ như Dương Ðức Nhự thì chúng ta có thể viết lại truyện Kiều như sau:
Trăm năm trong kõj người ta
Cữ tài, cữ mệnh... qéw là... gét nhăw
Trải kwa một kuạk bể zâu
Những dìaw trông thấj mà dăudớn lòng
Lạ jì bỉsắc tưfong
Trờj xenh kwen thój má hồng dénh gen
Kiaw thơm lần jở trứak dèn
Fongtình kổ lụk kòn trwìan sử xenh...!!!
8- Nhà thơ Khang-Lang, sau khi xuất-bản thi-tập “Tâm Thức Bừng Vỡ Tim Tôi”, đã liên-tục sáng-tác và đăng nhiều bài thơ mới, vời tên tác-giả là Khang lang (chữ L không viết hoa và không có dấu nối giữa hai chữ ấy). Nếu có một dấu nối giữa hai chữ (Khang-lang); hoặc vẫn viết Khang lang (không có dấu nối) mà sau chữ lang là một dấu phẩy ngắt đoạn, hoặc là một dấu chấm dứt câu, thì đâu còn có vấn-đề, khiến cho có bạn cắt-cớ hỏi anh: trong câu “Tôi nghe tiếng Nhã ca hát vang lên ở phòng bên” thì là tiếng (một người tên) Nhã ca-hát” hay là “tiếng (nhà văn) Nhã-Ca hát?
9- Từ thủ-đô Hoa Thịnh Ðốn, cây b*t Lưu Nguyễn Ðạt đã cho ra đời tam-nguyệt-san văn-học nghệ-thuật biên-khảo “Cỏ Thơm”. Qua nhiều số, mỗi số có đăng nhiều bài, cả biên-khảo văn-học lẫn thơ, của anh, người đọc không khỏi ngạc-nhiên khi thấy dưới các bài viết văn xuôi thì anh ký tên là Lưu Nguyễn Ðạt đường-hoàng, nhưng dưới các bài thơ thì tên anh trở thành Lưu Nguyễn Ðhạt. Cái chữ Ðhạt ấy đã được in lên mặt giấy đến hằng chục lần, dưới thơ mà thôi, và cả ở trang mục-lục trong phần liệt-kê tên các tác-giả của các bài thơ có đăng bên trong. Ðó là hình-thức mới lạ của một chữ tên, còn nghĩa (hẳn là mới lạ) của nó thì chúng tôi chưa thấy chủ-nhiệm “Cỏ Thơm” giải-thích thế nào.
10- Trên báo “Ðại Nghĩa” xuất-bản tại San Jose, ông Huỳnh Văn Trang đưa ra ý-kiến thay chữ “Giê” thành chữ “Gê”, thí-dụ “Bẹc Giê, Giẻ Lau, Gien di-truyền” thì viết thành “Bẹc Gê, Gẻ Lau, Gen di-truyền”. Ðiều đặc-biệt là ông Trang chỉ mới đề-nghị mà tưởng như đã bị phản-bác rồi nên ông biện-cãi rất hăng, thí-dụ “sai! ố là là!”, “xi cà goe”!
11- Ông Nguyễn Phước Ðáng trong cuốn sách “Tiếng Việt & Chữ Việt” xuất-bản năm 2001 đã đề-nghị dùng “z” thay “d”, “d” thay “đ”, “f” thay “ph”, “j” thay “gi”, “q” thay “qu”, “g” thay “gh”, “ng” thay “ngh”, và in luôn một số “chuyện tầm ruồng” dày 120 trang, áp-dụng các đề-nghị ấy. Chúng tôi có viết bài góp ý, đặc-biệt về việc dùng “j” thay cho “gi” thì chúng tôi không đồng-ý, vì “âm j mà thay âm gi thì chưa được sát, thí dụ: làm sao phân biệt giữa hai tiếng/chữ dị-tự dị-âm sau đây, mà NPÐ cho là dị-tự đồng-âm: jabber/yabber, jack/yack, jam/yam, jap/yap, jaw/yaw, jeer/year, jell/yell, jerk/yerk, jester/yester, jet/yet, Jew/yew, jo/yo, job/yob, joke/yoke, John/yon, v.v... (huống gì chúng lại dị-nghĩa: tiếng Anh mà phát-âm sai một ly là nghĩa của nó sẽ đi một dặm).” (Bài của chúng tôi đề-cập nhiều vấn-đề khác nữa, đã được ông NPÐ in vào cuốn sách kế-tiếp của ông, nhan-đề “Quốc Ngữ Lưu Vong”, ấn-hành năm 2002).
2- Lúc chúng tôi viết bài này, cuối năm 2004, trên nhiều diễn-đàn liên-mạng có ông Matthew Trần đang bị nhiều người chống-đối vì, ngoài việc dùng “z”, “d”, “f” thay cho “d”, “đ”, “ph” (giống ý ông Nguyễn Phước Ðáng nói trên, và nhiều người trước nữa), ông còn dùng dấu ngã trên tất cả các chữ vốn có dấu hỏi. Ông ấy lý-luận: “Tôi không vi-fạm quyền tư-zo cũa ai... xin dừng xâm-fạm quyền sáng-tạo cũa tôi” và “Chữ quốc-ngữ cần fãi dược da zạng, hoàn-chĩnh.”
II/ VỀ NỘI-DUNG:
1- Ðộng-từ “quang-phục”, bắt nguồn từ tên của tổ-chức “Việt-Nam Quang-Phục Hội” của cụ Phan Bội Châu, rõ-ràng là có thêm ý-nghĩa “trong vinh-quang, một cách quang-vinh”, mạnh hơn là chỉ phục-hồi, phục-hưng suông, nay đã phổ-biến khắp nơi có cộng-đồng tị-nạn cộng-sản Việt Nam.
2- Danh-từ “đồng-chí” đã bị cộng-sản dùng trước, dùng nhiều, đến nỗi nó có ý-nghĩa là đồng-bọn cộng-sản với nhau, khiến phe Quốc Gia cảm thấy gượng-ép khi dùng từ ấy trong nội-bộ mình, nên đã bắt đầu dùng những từ mới: chí-hữu, chính-hữu, cộng thêm với chiến-hữu đã có từ xưa.
3- Ngoài những từ mới, như “đồng thuận”, “chính mạch” (để chỉ người dân chính gốc bản-xứ, thí-dụ người Mỹ chính mạch là người Mỹ 100%), chúng tôi ghi nhận danh-từ “Quốc Dân” mà luật-sư Phạm Nam Sách đã cố ý dùng với một ý nghĩa đặc-biệt (chính-nghĩa Quốc Dân, tinh-thần Quốc Dân...), không những thay thế cho “Quốc Gia”, “Dân Tộc”, mà còn nói lên một quan-điểm chính-trị mới, đó là “Ðảng Quốc Dân”, “Sách Lược Quốc Dân”... (không có dấu nối và tất cả đều viết hoa) do chính họ Phạm đề ra và không ngớt tuyên-xưng.
4- “Quốc Kháng”, một từ-ngữ mới, được nhiều người dùng để chỉ Ngày 30/4/1975, có một ý-nghĩa tích-cực hơn là “quốc-biến”, “quốc-hận”, “quốc-nhục”...; vì hận hay nhục thì mình chỉ nhận vào mình một cách thụ-động, còn kháng thì là mình biến cái thụ-động ấy ra thành hành-động chủ-động: đề-kháng, phản-kháng, kháng-cự, kháng-chiến...
5- Ðộng-từ “be bờ” đã có ghi trong tự-điển, nhưng ít người dùng. Nay thì nhân-vật Võ Long Triều ở Pháp độc-quyền sử-dụng. Trong một bức thư không niêm đăng trên mặt báo, họ Võ đã hô hào mọi người be bờ ngăn chận cộng-sản, be bờ cộng-sản quốc-tế, lặp lại nhiều lần. Vậy là chúng ta đều đang be bờ Việt Cộng.
6- Ngoài chiến-hữu, chí-hữu, và chính-hữu như đã nói trên, vào ngày 16/08/1997, “Liên Ðảng Việt Nam Tự Do”, nhân dịp ra mắt đồng-bào tại Nam California, đã cho ra đời một từ-ngữ mới: các nhân-vật quan-trọng trong Ðảng gọi nhau là nghĩa-hữu.
7- Lâu nay người ta quen gọi những kẻ buôn gian bán lận là gian-thương. Nay trên tạp-chí “Thế Giới Mới”, phát-hành tại Texas vào đầu tháng 9/1997, trong bài “Thuý Ðã Ði Rồi”, ông Ðỗ Thái Nhiên lên tiếng về vụ băng video Thúy Nga 40, đã dùng danh-từ gian-doanh để chỉ những doanh-gia nào “thiếu đạo-đức kinh-doanh”, đi chệch ra ngoài con đường của giới lương-doanh.
8- Triết-gia Lương Kim Ðịnh, trong triết-thuyết An Vi, đã dùng những từ-ngữ “Thiên Năng” (thay vì bản-năng) để dịch tiếng Instinct, và tự đặt ra tiếng Anh Dual Unit để diễn-tả Lưỡng Hợp và Man’s Lordship để biểu-hiện Nhân Chủ theo thuyết của mình.
9- Trong mục “Ngồi Buồn Gãi Rốn” do nhà-báo Lão Ngoan Ðồng phụ-trách trên “Ti Vi Tuần-san” xuất-bản tại Úc vào cuối tháng 8/1997, Lão Ngoan Ðồng đã gọi các Việt-kiều nào mà là cộng-sản hoặc tay sai cộng-sản là “Việt cộng kiều”. Âu cũng là một cách để phân-biệt với Việt-Kiều quốc-gia.
10- Ðồng-thời, trong “Lá Thư Luân Ðôn” do ký-giả Khải Minh phụ-trách, cũng trên “Ti-Vi Tuần san” nói trên, cây-b*t Trần Ngọc tường-thuật đại-hội Văn B*t Quốc-Tế Edinburgh, đã có tựa đề là Văn B*t Việt Nam Hải Ngoại về lại trình-trạng tiềm ấu. Theo từ-điển Hán Việt của Ðào Duy Anh, “tiềm ấu” là ấu trĩ, non nớt, trẻ con, một cách thầm giấu, không tỏ ra ngoài (=tiềm-tàng ấu-trĩ). Hẳn chỉ nói về một số nhân-vật nào đó liên-can đến nội-vụ mà thôi.
11- Ngoài ra, có một người đã lặng-lẽ “đổi mới” một số chữ Việt (cả hình-thức của chữ, lẫn ý nghĩa của chữ) trong thời-gian qua, là nhà thơ Thanh Thanh, tên thật là Lê Xuân Nhuận, trong 2 cuốn hồi-ký “Về Vùng Chiến-Tuyến” và “Cảnh-Sát-Hóa” do “Văn Nghệ” và “Xây-Dựng ấn hành. Anh là một người khó tính trong việc dùng từ, thí-dụ anh đã phê-bình một vài lời ca:
Trăng vui là lúc trăng chưa rụng,
Ðã “rụng” thì sao lại gọi “vui”?
“Cách một tầm tay”: còn với được;
(Ngoài tầm tay với mới xa thôi!)
Con tim: biểu-hiện tình chân thật,
Trao trọn người yêu, trọn nghiã nghì;
Nếu thật yêu người và tự trọng:
“Con tim” sao lại “bỏ quên” đi?
Một số thi+văn-hữu có yêu-cầu anh giải-thích những từ mới lạ trong sách của anh, thì anh trình-bày:
*
* *
“Thoạt tiên, nhân lần đầu tiên xuất-bản tác-phẩm tại Hải- Ngoại, tôi đã muốn làm một lần một công hai việc, là vừa cống-hiến độc-giả một nội-dung sách mới lạ, vừa ra mắt công-chúng một hình-thức chữ mới lạ; nhưng rồi, thể theo đề-nghị của Nhà Xuấạt-Bản, tôi đã sửa đổi, tức là gác bỏ, phần lớn những điểm mới lạ nói trên. Tuy nhiên, trong cuốn “Về Vùng Chiến-Tuyến” vẫn còn sót lại một số từ-ngữ mà tôi xin giải-thích như sau.
1) Về cấp-bậc: Tôi không đồng-ý, và cũng rất bất-mãn, về việc (thí-dụ) một thiếu-tướng của ta là “tướng 2 sao” mà chỉ được gọi là “thiếu-tướng” nghĩa là ngang hàng với một viên “tướng 1 sao” của địch mà thôi; cũng thế, một “tướng 3 sao” của ta thì chỉ được gọi là trung-tướng, còn “tướng 3 sao” của địch thì lại được gọi là “thượng-tướng” (theo nghĩa của ta thì thượng-tướng còn cao hơn cả đại-tướng nữa: Hán-Việt Từ-Ðiển của Ðào Duy Anh dịch “thượng-tướng” là “quan võ cấp thứ nhất (généralissime)”, Tự-Ðiển Việt-Pháp của Ðào Ðăng Vỹ dịch “thượng-tướng” là “grand général”, Việt-Nam Tân Tự Ðiển của Thanh Nghị dịch “thượng-tướng” là “bậc cao nhất trong hàng tướng”)! Tôi đã đề-nghị sửa lại danh-xưng, dựa theo thứ-bậc tuổi tác (cấp-bậc nhà binh tính theo cả tuổi lẫn tài), mà gọi một “tướng 2 sao” là trung-tướng (trung-niên), một “tướng 3 sao” là “cao-tướng” (cao-niên), một “tướng 4 sao” là “lão-tướng” (lão-niên), với dụng-ý là: “tướng 3 sao” của địch tuy đã được gọi là “thượng-tướng” nhưng “tướng 3 sao” của ta không còn bị gọi là “trung-tướng” (thấp hơn) nữa, mà lại được gọi là “cao-tướng” (cao-niên lớn hơn trung-niên), dù “cao (tướng)” với “thượng (tướng) thì cũng “cao thượng” như nhau, nhưng người ta nói “cao thượng” chứ không ai nói “thượng cao”, thành ra “cao tướng” của ta vẫn đứng ở trước, có phần lấn hơn “thượng-tướng” của địch; “tướng 4 sao” cũng thế, của địch thì là “đại-tướng”, của ta thì vừa là “lão-tướng” (lão-niên, cao hơn cao-niên tức “cao-tướng”và “thượng-tướng” 3 sao) vừa gồm cả ý “lão-luyện” hơn tướng đồng-cấp ở bên đối-phương... Dưới hết, tôi đề-nghị gọi “tướng 1 sao” của ta là “tráng-tướng” (tráng-niên) nhỏ hơn trung-tướng (trung-niên), nhưng vừa thoát khỏi cái cảnh “đang còn chuẩn-bị (chuẩn-tướng) chứ chưa thực-thụ”, lại còn “chơi gác” phía địch, vì địch chỉ là thiếu-tướng (thiếu-niên) mà ta đã là tráng-tướng (tráng-niên, lớn hơn). Và cứ như thế mà đổi mới xuống đến cấp binh nhì, để tránh cho các thế-hệ hậu-sinh, và người nước ngoài (qua các bản dịch) hiểu sai sự thật về ta. Rốt cuộc, tôi đành tạm dùng những từ đã quen đối với Việt-Nam Cộng-Hòa, nhưng phải chú thêm, thí-dụ: trung-tướng (của ta) là tướng 3 sao, vân vân.
2) Về chức-vụ: Ai cũng biết rằng nguời chỉ-huy của một đơn-vị là người lớn nhất về mặt chức-vụ trong đơn-vị ấy, còn những người khác trong cùng đơn-vị thì dù chức-vụ có lớn bao nhiêu cũng chỉ tối-đa là Phó (Chỉ-Huy-Phó, Phó Chỉ-Huy) mà thôi, cho nên, nếu là đơn-vị cấp lớn, đứng đầu thường là cấp tướng, thì người đứng kế trong đơn-vị ấy cũng được gọi hẳn là Phó (Tư-Lệnh-Phó, Phó Tư-Lệnh) rõ-ràng; do đó, đứng trên Tư-Lệnh-Phó hẳn là “Tư-Lệnh” (không cần thêm một chữ “Trưởng” để thành “Tư-Lệnh-Trưởng”), thế thì đứng trên Chỉ-Huy-Phó hẳn là “Chỉ-Huy”, cần gì phải thêm một chữ “Trưởng” để thành “Chỉ-Huy-Trưởng”, trong lúc ta cần giản-dị-hóa chữ viết (và cả tiếng nói) để giúp cho trẻ nhỏ và người nước ngoài dễ học tiếng Việt-Nam hơn. Cũng thế, đã có Trưởng Ban, Trưởng Phòng, Trưởng Ty (không phải Ban-Trưởng, Phòng-Trưởng, Ty-Trưởng), tại sao chúng ta không có Trưởng Quận, Trưởng Tỉnh, Trưởng Bộ, vừa để thống-nhất về mặt cú-pháp, vừa để rút ngắn câu văn (”Trưởng Ty Thông-Tin” gọn hơn “Ty-Trưởng Ty Thông-Tin”)...
3) Về địa-danh: Cả một quốc-gia Việt-Nam Cộng-Hòa đầy thể-thống như thế mà ngoài Sài-Gòn là một “đô-thành” ra thì không có một nơi nào được gọi là “thành-phố” (city) cả, ngay đến Ðà Nẵng quan-trọng bậc nhì liền sau thủ-đô mà cũng chỉ là một “thị-xã” (town) mà thôi, trong lúc Việt-Cộng có nhiều “thành-phố” ngoài Bắc (và sau này đã ban quy-chế “thành-phố” cho nhiều thị-tứ trong Nam). Bởi thế, khi đề-cập đến một số “thị-xã” cũ dưới thời Việt-Nam Cộng-Hòa mà vì là những địa-phương quan-trọng nên tôi đã dùng danh-xưng “thành-phố” thay vì “thị-xã”; ngoài ra, tôi cũng lược bớt một chữ, thí-dụ: “Thành Ðà-Lạt” (thay vì “Thành-Phố Ðà-Lạt”), “Thị Vũng-Tàu” (thay vì “Thị-Xã Vũng Tàu”), cũng để cân xứng với Tỉnh A, Quận B, v.v...
4) Về ý-kiến của một số báo-chí:
a/ Nhật-báo “Người Việt”, trong khi nhận xét “tác-giả đã tự-động sáng-chế nhiều danh-từ”, đã không đồng ý với việc tôi “gọi cảnh-sát là cảnh-nhân”. Như thế tức là người viết bài ấy không phân-biệt được sự khác nhau giữa một ngành nghề với một người tham-gia ngành nghề ấy. Lấy quân-đội làm thí-dụ: quân-đội là một tổ-chức, không thể gọi một người lính là một quân-đội được, mà phải gọi là “nhân-viên của quân-đội” tức “quân-nhân” (người của quân-lực); cho nên, cảnh-sát là một cơ-quan, không thể gọi một viên-chức cảnh-sát là một cảnh-sát, mà phải gọi là “nhân-viên cảnh-sát” tức “người của cơ-quan cảnh-sát”, v.v... Chúng ta đã có “quân-nhân”, “chinh-nhân”, “chủ-nhân”, “công-nhân”, “chính-nhân”, “pháp-nhân”, “quan-nhân”, “thương-nhân”, “doanh-nhân”, “nam-nhân”, “nữ-nhân”, v.v...; vậy thì, đã gọi được người của quân-lực là “quân-nhân”, người của giới làm công là “công-nhân”, tại sao lại không gọi được người của cảnh-lực là “cảnh-nhân”? Còn việc “tự-động sáng-chế” thì chính ở phần mở đầu của mục “Văn Học Nghệ-Thuật” trong đó có đăng đoạn điểm sách trên, “Người Việt” cũng đã đề-cao sự “cởi mở”, “không có gánh nặng quá-khứ chồng chất trên lưng”. Cứ “bổn cũ soạn lại”, không chịu “sáng chế”, tôi cho như thế mới là cam chịu “gánh nặng quá-khứ” trên lưng.
b/ Trong lúc tạp-chí “Thế-Giới Mới” đã giới-thiệu “Về Vùng Chiến-Tuyến” của tôi là “tài-liệu quý giá”, “khá đầy đủ cho độc-giả thích nghiên-cứu tổng-quát về cuộc chiến Việt-Nam”, thì tạp-chí “Văn Học”, sau khi cũng xác-định là sách ấy “cung-cấp thêm tài-liệu để bạn đọc hiểu nội-tình chính-trị Miền Nam thời bấy giờ, đặc-biệt là những gì liên-quan tới các nhân-vật cao-cấp của chính-quyền Miền Nam”, đã lưu ý về “cách dùng chữ khác thường của tác-giả” qua việc thay thế “cảnh-sát” bằng “cảnh-lực”. Người viết bài ấy không biết là cảnh-sát Việt-Nam Cộng-Hòa hồi ấy đã được tổ-chức thành Lực-Lượng Cảnh-Sát Quốc-Gia? Lực-Lượng Quân-Ðội là “Quân-Lực”, và Lực-Lượng Cảnh-Sát là “Cảnh-Lực”; đó không phải là do tôi dùng chữ “khác thường” mà là dựa vào thực-tế: từ trung-ương xuống đến các địa-phương đã có mỗi nơi ít nhất là hai bộ-phận mang tên “cảnh-lực”: đó là “Trung-Tâm Hành-Quân Cảnh-Lực”, mà ở cấp trung-ương thì thường ra thuyết-trình trước Tổng-Thống, Thủ-Tướng, Quốc-Hội, và cả Bộ Tổng Tham-Mưu nữa; và Nha “An-Ninh Cảnh-Lực” cấp quốc-gia, Sở ANCL cấp Vùng, Phòng ANCL cấp Tỉnh/Thị, v.v.... Không lẽ chúng ta “noi gương” Việt-Cộng: gọi là Cộng-Sản Việt-Nam thì được, mà gọi là Việt-Cộng thì không? (Gọi là lực-lượng cảnh-sát thì được mà gọi là cảnh-lực thì không?)...”
*
* *
12- Từ-ngữ “áp-pháp” do Lê Xuân Nhuận đưa ra, để dịch từ-ngữ “law enforcement”: gọn-gàng và sát nghĩa hơn là “cơ-quan/nhân-viên công-lực/thi-hành luật-pháp”.
13- Thời-gian gần đây, động-từ “hỗ-trợ” đã được nhiều người sử-dụng, với ý “giúp-đỡ, trợ-giúp, trợ-lực, tiếp tay, ủng-hộ, hưởng-ứng, hậu-thuẫn, bảo-trợ” (kêu gọi người khác giúp-đỡ mình: một chiều). Nhưng, theo từ-điển, thí-dụ “Hán Việt Từ-Ðiển” của Ðào Duy Anh, thì từ “hỗ-trợ” có nghĩa là giúp đỡ lẫn nhau” (hai chiều).
14- Từ-đoạn “ra mắt sách/thơ/CD)” cũng được thông-dụng. Nhưng, khi một chàng trai ra mắt cha+mẹ cô gái, một nhân-vật ra mắt cộng-đồng, thì “ra mắt” đồng nghĩa với “trình-diện”, và không ai nói là cha+mẹ cô gái phải ra mắt chàng trai ấy, hoặc cộng-đồng phải ra mắt nhân-vật ấy. Thế thì tại sao lại bắt độc/khán/thính-giả phải ra mắt cuốn sách, tập thơ, hay đĩa CD của tác-giả XYZ (trong lúc tác-giả/Ban Tổ-Chức chỉ giới-thiệu, hay trình-mại tác-phẩm của mình mà thôi)?
15- Có nhiều tiệm ăn quảng-cáo trên báo, trên đài, rằng mình “chuyên-trị”... phở Bắc, b*n bò Huế, hủ-tiếu Cần-Thơ. Có lẽ họ dịch tiếng “specialize (in)” của Anh, vốn có nghĩa là “chuyên-môn (về một việc gì); nổi tiếng (nhờ một sản-phẩm nào); là chuyên-gia (về một khoa/môn nào)” mà khi thí-dụ riêng về bác-sĩ thì từ-điển ghi là “chuyên trị (bệnh nào)” nên họ tưởng là chuyên trị áp-dụng cho mọi ngành/nghề.
16- Trong làng thơ có một giai-thoại: trong lúc ông A khen bài thơ của thi-sĩ X là “tuyệt cú” thì ông B mỉa-mai “tuyệt cú... mèo ấy à! ” và thế là từ-ngữ tuyệt cú mèo ra đời, nhưng để chỉ cái dở mà thôi. Vậy mà có người vẫn rao là món hàng của họ thật “tuyệt cú mèo”, thậm-chí (thật tình) khen thơ của bạn mình là “tuyệt cú mèo”!
*
* *
Chúng tôi chưa đúc kết hết được ý-kiến chung về các ước muốn và thể-hiện canh-tân chữ Việt kể trên, nhưng trên bình-diện tổng-quát thì cũng tán-đồng quan-điểm của nhà văn Nguyễn Sĩ Tế: “Người viết truyện mới không nên quá e-dè với hai cuốn tự-điển và ngữ-pháp...”, và “...xin nhớ rằng, tới một chừng mực nào đó, người viết truyện có quyền rời bỏ những cú-pháp cũ mèm mà đưa ra một lối hành-văn phá cách, độc-đáo của riêng mình. Bởi lẽ ngôn-ngữ là cái quyền và cái dụng của mỗi người...”.
Vâng, ngôn-ngữ là một ước-lệ; chữ viết ban đầu chỉ là một ước-hiệu, nhưng phải chờ đợi sau khi đã được số đông thử-nghiệm, sàng lọc và chấp-nhận, nó mới trở thành quy-ước theo lệ thường. Tất-nhiên không phải đề-nghị nào rồi cũng đều sẽ được thông-qua, nhưng trong tinh-thần cầu-tiến, nếu chỉ vì lòng câu-chấp mà muốn dìm đạp ngăn trở những sáng-kiến này, phát-minh kia, thì quả là quá hẹp-hòi, vì, ai biết đâu, trái đất quay quanh, cuộc sống đổi dời, “tonight” trở thành “tonite”, “plough” trở thành “plow”, “for you” trở thành “4U”, ngay đến chữ “Trời” ngày nay thì cũng chỉ là một dạng chữ mới của chữ “Blời” ngày xưa mà thôi...
Alameda, đầu 2004
No comments:
Post a Comment