PHẦN MỘT
PHÉP BỎ DẤU HỎI NGÃ
I. HỆ THỐNG TIẾNG VIỆT
ÂM THỂ
ÂM là những yếu tố đầu tiên dùng để tạo nên tiếng. Âm được chia thành hai loại: Nguyên-âm và Phụ-âm. Nguyên-âm và Phụ-âm kết hợp nhau, hiệp với Giọng, thành một tiếng có nghĩa, gọi là Từ. Nguyên-âm có thể đứng một mình trong lời nói. Phụ-âm bao giờ cũng tùy thuộc Nguyên âm.
a/ NGUYÊN ÂM và PHỤ ÂM
Tiếng Việt có 12 Nguyên âm: a ă â e ê i y o ô ơ u ư
và 23 phụ âm: b, c (k), ch, d, đ, g (gh), gi, kh, l, m, n, ng (ngh), nh, p, ph, qu, r, s, t, th, tr, v, x.
b/ GIỌNG (cũng gọi là THINH)
Tiếng Việt có tám giọng, thành hệ thống liên hệ nhau: Bốn giọng Bổng đối chiếu với bốn giọng Trầm. Giọng Bổng còn gọi là Thanh thinh. Giọng Trầm còn gọi là Trọc thinh
BỔNG: ngang, hỏi, sắc, sắc nhập [*]
TRẦM: huyền, ngã, nặng, nặng nhập [*]
[*] Sắc nhập hoặc Nặng nhập là giọng của một Tiếng-Đôi do hai tiếng hợp lại theo Luật Thuận-thinh-âm.
* Sắc nhập gồm những Tiếng-đôi mà tiếng đầu không dấu, tiếng sau mang dấu Sắc, và có c, ch, p, t, ở cuối. Ví dụ: nươm nướp, vun vút, thinh thích, rưng rức.
* Nặng nhập gồm những tiếng đôi mà tiếng đầu có dấu Huyền, tiếng sau mang dấu Nặng và có c, ch, p, t, ở cuối. Ví dụ: nườm nượp, vùn vụt, thình thịch, vằng vặc.
II. NGUYÊN TẮC CHUNG VỀ THINH
Tiếng Việt gồm hai loại, tuy liên hệ nhau nhưng vẫn giữ đặc tính riêng rẽ:
- Tiếng HÁN VIỆT là chữ Hán đọc theo giọng Việt.
- Tiếng NÔM là tiếng do người Việt-nam tạo nên với những tiếng mượn của nước ngoài nhưng đã Việt-hoá.
II.1 TIẾNG HÁN-VIỆT
Tiếng Hán-Việt là tiếng mượn của tiếng Hán nhưng đọc theo giọng của người Việt. Phần lớn tiếng Hán-Việt là những tiếng gồm hai tiếng trở lên. Ví dụ: quốc gia, kinh tế, quân sự, chánh trị, xã hội, ngoại giao, văn hoá, dân chủ, công ty, v.v. Trong tiếng Việt hiện nay, khoảng 60% là tiếng Hán-Việt. Chúng ta xử dụng khá nhiều tiếng Hán-Việt trong mọi giao tiếp và nói năng hằng ngày.
Ví dụ: "Hôm qua nghiệp đoàn công nhân tổ chức hội nghị thảo luận vấn đề gia tăng niên liễm". Chỉ có hai chữ thuần Việt là "hôm qua", còn các chữ khác đều là tiếng Hán-Việt.
Tiếng Hán-Việt có quy luật riêng về dấu Hỏi Ngã. Vì vậy, nếu xử dụng được Luật Hỏi Ngã trong tiếng Hán-Việt thì chúng ta đã giải quyết được hơn 60% công việc về dấu Hỏi Ngã.
Tiếng Hán-Việt có hai đặc tính:
1. Về Chánh tả: giữa âm và giọng có sự liên quan chặt chẽ.
- Các tiếng Hán-Việt khởi đầu bằng một Nguyên-âm, chỉ có thể có dấu Sắc, dấu Hỏi, hoặc Không dấu.
- Các tiếng Hán-Việt khởi đầu bằng các Phụ-âm: L, M, N, NG, NH, D, V, chỉ có thể có dấu Ngã hay Nặng.
2. Về vị trí của các tiếng dùng chung:
Tiếng Chỉ-định luôn luôn đứng trước tiếng được chỉ-định, gọi là Ngữ-pháp đặt ngược
Ví dụ:
Bạch tượng. Bạch chỉ định, làm cho rõ nghĩa tiếng tượng.
Ký sinh trùng. Ký chỉ định sinh, ký sinh chỉ định trùng.
CÁCH NHẬN BIẾT TIẾNG HÁN-VIỆT
1. Các tiếng Hán-Việt thường không tách ra dùng riêng một mình, mà phải dùng trọn từ.
Chẳng hạn chỉ có thể nói làm thương mãi chớ không thể nói làm thương, làm mãi, hoặc nói làm chánh trị chớ không thể nói làm chánh, làm trị v. v...
Vậy mỗi khi gặp một từ ghép, ta thử tách các tiếng cấu tạo từ ấy ra riêng rẻ, nếu chúng không dùng độc lập được, thì đó là một tiếng Hán-Việt.
2. Về nghĩa của một tiếng Hán-Việt.
Các tiếng hợp lại để làm thành một từ Hán-Việt đều có nghĩa, nhưng nghĩa của chúng rất mơ hồ đối với những người không có một trình độ Hán học nhất định. Ví dụ như nếu đem xét riêng biệt các chữ: dĩ, nhiên, hành, chánh, lãnh, tụ, thì chúng đều có nghĩa cả, nhưng hỏi nghĩa thế nào thì không dễ trả lời.
Cho nên khi gặp một từ ghép, nếu cả hai tiếng đều mơ hồ về nghĩa ví dụ như: cảnh giác, mãnh liệt, dũng cảm, thì đó là từ Hán-Việt.
Còn các Tiếng-Nôm-đôi và Tiếng-Nôm-Lấp-láy thì đều có khả năng dùng riêng ra từng chữ và nghĩa của chữ dùng riêng đều rõ và dễ nhận biết. Ví dụ: xe lửa, máy bay, tàu ngầm, xe đạp.
Do đó, dựa vào cách phân biệt như trên, chúng ta dễ dàng biết được tiếng nào là tiếng Hán-Việt và tiếng nào là Tiếng Nôm.
a) Tóm lại: Tất cả tiếng HÁN-VIỆT khởi đầu bằng các nguyên-âm: A, Â, Y, O, Ô, U, Ư, đều viết DẤU HỎI vì các nguyên-âm của Tiếng Hán-Việt thuộc Thanh-âm (Bổng).
Ví dụ: Ải quan, Ảnh hưởng, Ẩm thực, Ẩn dật, Ỷ lại, Oải nhân, Ổn thỏa, Ủy hội, Ưởng.
Phụ chú: Sách của G.s. Lê-ngọc-Trụ có ghi Ê và I vào nhóm nguyên âm nầy. Nhưng vì chữ HÁN-VIỆT không có chữ nào khởi đầu bằng Ể, Ễ hoặc Ỉ, Ĩ nên tôi không ghi hai nguyên âm nầy vào, cho người học đỡ mệt trí [Đ-s-T].
b) Tất cả tiếng HÁN VIỆT khởi đầu bằng phụ âm CH, GI, KH, PH, TH, S, X, đều viết DẤU HỎI vì các phụ-âm nầy cũng thuộc Thanh-âm (Bổng).
Ví dụ:
- CHẩn đoán, CHỉ huy, CHỉnh tề, CHiểu chi, CHủ tọa, CHưởng quản.
- GIải phẫu, GIảm thiểu, GIản tiện, GIảng đường, GIảo quyệt, học GIả.
- KHả dĩ, KHải hoàn, KHảo thí, KHẩu hiệu, KHổng giáo, KHủng hoảng
- PHản bội, PHẩm cách, PHỉ báng, PHổ thông, PHủ nhận. (trừ PHẫn nộ)
- THải hồi, THảm thương, THản nhiên, THảo mộc, (trừ Mâu THuẫn, Phù THũng)
- Sản khoa, Sảnh đường, Sỉ nhục, Siểm nịnh, Sở dĩ, Sủng hạnh, (trừ Sĩ = học trò)
- Xả thân, Xảo trá, công Xưởng, (trừ Xã hội, Xã trưởng, Hợp tác Xã)
Để khỏi bỏ sai dấu, xin độc giả đừng lẫn lộn tiếng Hán Việt với những tiếng Nôm sau đây:
CHĨNH=hủ bằng đất; GIÃ (giã gạo, từ giã); GIÃI (giãi bày); GIÃN (co giãn, giãn ra= tăng độ dài: dây cao su bị giãn); PHŨ (phũ phàng); THÃI (thừa thãi); SŨNG (ướt sũng)
c) Tất cả tiếng HÁN VIỆT khởi đầu bằng Bảy phụ âm L, M, N, NG, NH, D, V, đều thuộc Trọc-âm, cho nên viết DẤU NGÃ (trừ một ngoại lệ duy nhất là Ngải cứu).
Ví dụ:
- Lãng mạn, Lãnh đạm, Lão ấu, Lẫm liệt, Lễ nghĩa, Lũng đoạn, thành Lũy, Lãng phí.
- Mã não, Mãi mại, Mãn nguyện, Mỹ Mãn, Mãnh hổ, Mẫn tiệp, Mẫu nghi, Mỹ nữ.
- Não tủy, Noãn sào, Nỗ lực, phụ Nữ.
- NGẫu nhiên, NGũ cốc, đội NGũ, ngôn NGữ.
- NGHĩa khí, NGHiễm nhiên, NGHĩa trang.
- NHã ý, NHãn khoa, NHẫn nại, NHĩ mục, NHiễm bệnh, NHũ mẫu, NHãn hiệu.
- Dẫn lực, Dĩ nhiên, Diễm lệ, Diễn đàn, Dũng cảm, Dưỡng dục, Dĩ vãng, Dã man.
- Vãn bối, Vãng lai, Vĩ đại, Viễn thị, Vĩnh viễn, Võ trang, Vũ trụ, Vĩ tuyến.
Xin đừng lộn tiếng Hán-Việt với những tiếng Nôm sau đây:
- LẢ (lả lơi, ẻo lả); LẢNG (lảng vảng); LẢNH (lảnh lót); LẢO (lảo đảo) LẨM (lẩm rẩm); LỂ (lể ốc, lể gai); LIỂM (cờ bạc đặt tiền ở giữa hai ô, ra ô nào mình cũng trúng); LƯỞNG (lưởng thưởng);
- MẢ (mồ mả); MẢI (mải miết); MẢNH (mảnh mai); MẨN (mê mẩn); MẨU (mẩu chuyện);
- NẢO (viết thử trước); NỔ (nổ bùng);
- NGẢ (ngả quỵ); NGỦ (đi ngủ);
- NHẢ (nhả mồi, nhả tơ) NHẢN (nhan nhản); NHỈ (vui nhỉ!); NHỦ (khuyên nhủ);
- DẨN (dớ dẩn) DỈ (dỉ hơi);
- VẢNG (lảng vảng); VỈ (vỉ lò, vỉ bánh); VIỂN (viển vông) VỎ (vỏ ốc, vỏ sò).
d) Mấy phụ-âm khởi-đầu khác, gồm có B, C, Đ, H, K, QU, và T, vì đều có ở cả hai bậc Thanh và Trọc, khó phân biệt, nên phải tra tự điển; nhưng cũng theo luật "Thanh viết dấu HỎI, Trọc viết dấu NGÃ".
Vì tiếng giọng Ngã ít hơn tiếng giọng Hỏi nên chúng tôi biên ra dưới đây các tiếng Hán-Việt giọng Ngã của mấy phụ-âm khởi đầu vừa nói trên, để giúp bạn đọc:
Bãi
:
thôi, nghỉ (bãi công, bãi khóa, bãi thị)
Bão
:
ẵm bồng (hoài bão, bão hòa, bão mãn)
Bĩ
:
xấu (bĩ cực thái lai, bĩ vận)
Cưỡng
:
gắng ép (cưỡng bách, cưỡng chế)
Cữu
:
cậu vua (quốc cữu), hòm (linh cữu)
Đãi
:
thết, xử với (đãi bôi, bạc đãi, biệt đãi, khoản đãi, trọng đãi, ưu đãi, đãi lịnh)
Đãng
:
rộng, phóng túng (đãng tử, du đãng)
Đễ
:
kính nhường (hiếu đễ)
Điễn
:
điện (điễn khí, điễn học, điễn lực)
Đỗ
:
họ Đỗ, chim đỗ quyên, cây đỗ trọng
Hãi
:
kinh sợ (kinh hãi, hãi hùng, sợ hãi)
Hãm
:
xông phá (hãm địch, hãm trận)
Hãn
:
mồ hôi (xuất hãn, phát hãn, liễm hãn)
Hãnh
:
may mắn (hãnh diện, kiêu hãnh)
Hoãn
:
chậm (trì hoãn, hoãn đãi, hoãn binh)
Hỗ
:
lẫn nhau (hỗ trợ, hỗ tương)
Hỗn
:
lộn xộn (hỗn chiến, hỗn loạn, hỗn hợp)
Huyễn
:
hoa mắt (huyễn hoặc, huyễn mục)
Hữu
:
có (hữu cơ, hữu hạn, hữu dụng, hữu lý)
Kỹ
:
tài năng (kỹ sư, kỹ thuật, kỹ nghệ, kỹ xảo)
Quẫn
:
khốn đốn (quẫn bách, cùng quẫn)
Quỹ
:
tủ cất tiền (thủ quỹ, công quỹ, ký quỹ)
Tễ
:
thuốc huờn (dược tễ, điều tễ, thuốc tễ)
Tiễn
:
đưa (tiễn biệt, tiễn hành, tiễn khách)
Tiễu
:
dẹp trừ (tiễu trừ, tuần tiễu, tiễu phỉ)
Tĩnh
:
im lặng (tĩnh dưỡng, tĩnh mịch)
Tuẫn
:
liều chết (tuẫn tiết, tuẫn nạn)
Trãi
:
Nguyễn-Trãi
Trẫm
:
tiếng vua tự xưng
Trĩ
:
trẻ (ấu trĩ), bịnh trĩ (trĩ nội, trĩ ngoại)
Trữ
:
chứa (lưu trữ, oa trữ, tàng trữ, tích trữ)
CÁCH NHỚ LUẬT HỎI NGÃ CHO TIẾNG HÁN-VIỆT
Xem vậy Luật viết dấu Hỏi Ngã cho tiếng Hán-Việt khá phức tạp. Tuy nhiên ta có thể dùng mẹo để nhớ một cách dễ dàng.
a) Chỉ cần nhớ những trường hợp viết dấu Ngã trong tiếng Hán-Việt, tức là nhớ BẢY phụ âm đầu viết dấu Ngã và khoảng 30 trường hợp ngoại lệ phải viết dấu Ngã.
Các trường hợp viết dấu hỏi không cần nhớ vì các tiếng Hán-Việt có âm đầu khác hơn Bảy phụ âm nói trên đều viết dấu hỏi.
b) Để nhớ Bảy Phụ-âm-đầu viết dấu Ngã, các bạn học thuộc lòng câu sau đây:
Mình Nên NHớ Vũ Là Dấu NGã
(M N Nh V L D Ng)
Như vậy là bạn đã nắm được luật viết dấu Hỏi Ngã của tiếng Hán-Việt. Còn các ngoại lệ thì xin chịu khó học thuộc lòng.
II.2 TIẾNG NÔM
Tất cả những tiếng không phải là tiếng Hán-Việt, được gọi chung là Tiếng Nôm.
http://www.thuongviet.com/library/TuDienHoiNga.html
No comments:
Post a Comment