head

Thursday, October 20, 2005

Giao ly Bài Thu Hoạch Cuối Khóa.những nguyên nhân nào làm cho các gia đình tan vỡ nhiều như hiện nay?

Le Bich Ngoc Saigon 20/10/2005

Bài Thu Hoạch Cuối Khóa.

Câu 1:
Theo bạn những nguyên nhân nào làm cho các gia đình tan vỡ nhiều như hiện nay?

Phương pháp khắc phục như thế nào?


Có dịp viếng thăm hoặc trò chuyện, tìm hiểu những bạn trẻ tại các trung tâm cai nghiện ma túy bạn sẽ nghe họ kể những lý do gì, khiến họ đi vào con đường chết này, và tại sao có mặt tại đây.

Nguyên do phần nhiều vì hoàn cảnh gia đình, cha mẹ ly thân hoặc ly dị, hoặc có bạn vẫn có cha mẹ nhưng họ không quan tâm đến nhau.

Xã hội ngày càng văn minh tiến bộ, con người sống hối hả không còn quan tâm đến giá trị gia đình. Vợ chồng ít có thời gian cho nhau, cha mẹ không còn gần con cái bằng tình thương ma chỉ quẵng cho chúng tiền, vật chất và nghĩ thế là đủ.

Vì sao gia đình lại đi vào cơn khủng hoảng như ngày nay? Có phải xã hội thay đổi nên con người thay đổi?

Người ta đổ lỗi cho nền kinh tế thị trường đã khiến cho con người thay đổi để bắt kịp với nhu cầu xã hội và qúa tất bật với nhu cầu vật chất , người ta đã quên mất mỗi người sống cũng cần nhu cầu về tâm hồn và sống còn là nhờ sự quan tâm đến nhau giữa người và người.
Vật chất giúp đời sống con người thoải mái hơn nhưng tinh thần giúp con người hướng đến cái đẹp và yêu đời hơn.
Chính con người không còn quan tâm đến tinh thần mà chỉ biết đến tiền và chạy theo vật chất , thì sớm muộn chính họ chuốc lấy buồn phiền nhiều hơn. Và hàng loạt các nguyên nhân gây ra chia rẽ và sụp đổ nền móng giá trị gia đình bắt nguồn từ các nguyên nhân:

Kinh tế, tài chính:

Tiền là nhu cầu cần có của mỗi gia đình.

Tôi còn nhớ ai đó đã nói: “ tiền là đầy tớ tốt và là ông chủ khắc nghiệt nếu bạn không biết cách sử dụng nó”

Thu nhập và chi tiêu trong gia đình là những nguyên nhân khiến vợ chồng bất hoà với nhau. Nghèo khó qúa, hay túng bấn qúa khiến cho cuộc sống chật vật với cơm, áo, gạo, tiền làm cho vợ chồng luôn lo lắng, cáu gắt và bất hoà với nhau. Con cái không được dạy dỗ học hành tử tế trở thành những tội phạm xã hội, gây nhức nhối cho gia đình và là những u nhọt của xã hội.
Cũng có những gia đình dư giả, có của ăn, của để dư nhưng họ lại lao vào những đam mê lo tìm thú vui để hưởng thụ. Hoặc lòng người tham không đáy, giàu lại muốn giàu thêm…chạy theo tiền quên mất trách nhiệm vợ chồng, cha me.

Xã hội:
Xã hội Việt Nam ở thế kỷ 17 – 18 ràng buộc người phụ nữ trong vai trò làm vợ, làm mẹ. Ly dị hoặc ly thân không được mấy ai ủng hộ và chấp nhận. Xã hội thời nay, người ta xem chuyện sống thử nghiệm trước hôn nhân, ly thân, ly dị là chuyện bình thường.

Quan niệm thích thì đến với nhau không thì chia tay như là trò chơi. Họ lý luận nhu cầu xã hội càng cao con người cần thích ứng và chạy theo vật chất đã làm giảm đi giá trị tinh thần. Vợ chồng không còn thời gian tâm sự hay chia sẻ với nhau. Mỗi người tự cho mình một thế giới riêng và không ai muốn quan tâm đến ai.

Khoa học kỹ thuật phát triển và con người tự do hưởng thụ. Người ta không còn thích đối diện với nhau để nói chuyện để hiểu nhau nữa. Thay vào đó là những phương tiện truyền thông hiện đại với những thú vui trò chuyện xuyên quốc gia hoặc những lời nhắn gơiũ khô khan với nhau như là những chiếc máy ĐT di động.

Họ không còn quan trọng tình nghĩa nhất là những gia đình trẻ họ có thể tìm bạn tình và phản bội vợ hoặc chồng mình chỉ nhanh chóng bằng một cái lích chuột vào những mạng chát. Thế giới đang cảnh báo và đau đầu với các cuộc mây mưa tìm bạn tình trên internet. Người ta tận dụng khoa học để thỏa mãn thú vui riệng.

Con người chạy theo thú vui hưởng thụ. Hàng ngàn những nhà hàng, khách sạn và các quán ăn mọc lên như nấm để đáp ứng nhu cầu giải trí. Đọc báo chí hằng ngày ta vẫn thấy nhà nước hết lần này đến lần khác dẹp ổ mại dâm tại cà phê đèn mờ này hay quán Karaoke kia hoặc vũ trường nọ nhưng rồi nó lại mọc lên tỉ lệ không giảm mà ngày càng tăng. Như vậy nhu cầu ăn chơi là rất lớn và chuyện tệ nạn kéo theo sau những trò chơi thiếu lành mạnh là những căn bênh AIDS chưa tìm ra thuốc chữa.

Tình trạng di dân từ nông thôn lên thành phố tìm việc cũng là những nguyên nhân khiến cho gia đình tan vỡ khi vợ hoặc chồng xa nhau thiếu thốn tình cảm dễ đi đến yếu đuối ngoại tình. Ơng bà ta dạy: “ chàng đi cho thiếp theo cùng, đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam” chính là muốn nhắc nhở vợ chồng không nên sống xa nhau.





Nguyên nhân từ vợ chồng:
Thiếu trưởng thành về mặt nhân cách:
Trước khi tiến đến hôn nhân, bạn đã tìm hiểu người phối ngẫu của mình là người có nhân cách hay không. Một người có đạo đức, biết phải trái để cư xử hoà thuận với kẻ trên người dưới thì người đó không nhất thiết là người có học hay vô học.

Một anh, chị cử nhân nhưng cư xử kém nhu một người vô học, cũng chẳng thể có một gia đình hạnh phúc. Kẻ thất học hôn nhân bể gãy theo thất học, người trí thức hôn nhân gãy theo trí thức nếu không có một nhân cách sống theo lương tâm lành mạnh.

Thiếu hiểu biết tâm lý cũng là nguyên nhân gây sóng gió cho gia đình. Chị thích xem phim, anh thích đá banh ai cũng cho mình quyền phải được người kia hiểu mình mà không có sự hiểu biết để chia sẻ hay dung hoà những thứ riêng biệt của nhau chẳng mấy chốc hôn nhân biến thành sự chịu đưng và là điạ ngục. Khi gặp bất hoà tranh chấp anh chị không còn anh nói em nghe hay em nói anh nghe mà là chúng ta nói hàng xóm nghe.

Không có mục đích hôn nhân chân thành. Người này tiến đến hôn nhân với người kia chỉ vì mục đích cá nhân. Chị đến với anh vì muốn thoát nghèo lấy anh để được xuất cảnh hoặc để được trở thành công dân thành phố mà bất chấp đạo lý nhân nghĩa ở đời. Hôn nhân bền vững phải bắt nguồn từ tình yêu. Không yêu nhau, lấy nhau về chỉ là gánh nặng cho nhau.

Không có thời gian tìm hiểu nhau trước hôn nhân, quyết định vội vàng hoặc không hiểu biết về qúa khứ của nhau cũng là những nguyên nhân gây chia rẽ vợ chồng. Vợ chồng quyết định đến với nhau phải hiểu rõ về nhau, biết được qúa khứ và tha thứ bỏ qua hoặc chấm dứt với những qúa khứ với những người tình trước kia để nghiêm túc hướng đến hôn nhân hiện tại thì mới có hạnh phúc.

Nếu ôm ấp qúa khứ, tư tưởng hướng về người tình cũ, so sánh hoặc “ đứng núi này trông núi nọ” hôn nhân đó tan vỡ ngay khi bước vào khó khăn vì “ nhân vô thập toàn” cuộc sống là chuỗi ngày khó khăn và thử thách chứ không mơ mộng hảo huyền “ đi mây về gió” như anh chị vẫn nghĩ hôn nhân là màu hồng hạnh phúc.

Nguyên nhân cuối cùng đó là con người chối bỏ Thiên Chúa. Chạy theo các tà thần. Các tà thân ngự trị trong con người dưới danh nghĩa: tiền bạc, danh vọng, tình dục… đằng sau những đam mê đó là thần bóng đêm đưa con người đến chết chóc . Các phương tiện Chuá ban cho bạn để bạn bắt chúng phục vụ bạn giúp bạn trên đường tìm kiếm nước Chúa chứ không phải là cùng đích mà bạn bất chấp mọi luân thường đạo lý đạt được.

“ Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6 - 33.”)


Các gia đình khủng hoảng vì không còn thời gian giành cho Chúa, không còn giờ giành cho nhau. không còn muốn chia sẻ hay đối thoại với nhau.

Tất bật với những lo toan cuộc sống để rồi chỉ nhận những thứ lo lắng và đau khổ. Người người đi tìm hạnh phúc, ai cũng mong mỏi được hạnh phúc nhưng lại không đón nhận hạnh phúc khi nó chính là những buồn vui xảy ra quanh mình.

Hạnh phúc không phải những gì cao xa không với tới được, nhưng cũng không phải ngồi yên để nó từ trời rơi xuống. Hạnh phúc là tìm kiếm, là hy sinh và phải trả bằng máu mới có được.

Trên đây là những nguyên nhân cơ bản gây ra những đổ vỡ trong gia đình tôi xin được mạn phép nêu ra để bạn xem đó là một trong những thước đo giúp bạn tránh khi gia đình bạn lâm vào khủng hoảng.


Sau đây xin đưa ra một số giải pháp theo hiểu biết của tôi mong được đóng góp hữu ích cho cuộc sống gia đình bạn.

Trước hết bạn nên tham gia những lớp giáo lý hôn nhân để bạn hiểu biết và chuẩn bị những kiến thức tốt về mặt đạo cũng như đời. Trên thực tế xã hội đã có ý thức với vấn đề rạn nứt trong hôn nhân cao nên có các trung tâm cho bạn tìm hiểu và học hỏi để chuẩn bị bước vào hôn nhân tốt.

Bạn có thể học hỏi kinh nghiệm qua các sách báo, internet hoặc những kinh nghiệm từ ông bà, cha mẹ bạn là những người có đời sống hôn nhân bền vững. Tôi thường chứng kiến những ông bà lão Kỷ niệm những lễ bạc, vàng trong hôn nhân của họ. Bạn chỉ cần nhìn họ vui vẻ bên nhau ở tuổi thất thập cổ lai hy bạn cũng hiểu họ đáng để bạn học hỏi kinh nghiệm đến mức nào.

Một ngày nọ tôi đọc được bài báo đăng tin một cặp vợ chồng kỷ niệm 50 năm ngày cưới. Phóng viên có lời phỏng vấn: “ bí quyết nào giúp ông bà sống với nhau đến giờ này” bà vui vẻ trả lời “ tôi không có bí quyết nào ngoài việc chúng tôi không để chuyện gì không vui khi đi ngủ” điều đó cho thấy hôn nhân cần có sự đối thoại, hiểu biết và tha thứ với nhau thì hôn nhân mớihạnh phúc.

Bạn nên hiểu biết sự khác biệt nơi người bạn đời của mình để mà sống bên nhau. Vợ chồng có chuyện bất hòa bạn nên là người vợ hiền nói lời nhỏ nhẹ “ lời ngọt lọt đến xương” hoặc “ chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa cả đời không khê”. Và hỡi các đấng nam nhi, các bạn hãy là những cây tùng, cây thông mà che chở và bảo vệ gia đình bạn, vợ bạn bằng tình yêu thương và sự chia sẻ.

Với gia đình Công Giáo bạn nên có Chúa trong gia đình qua các giờ đọc kinh, cầu nguyện bên nhau. Khi bạn có Chúa trong đời bạn sẽ dễ dàng vượt qua thử thách và khủng hỏang. Tôi học được bài học kinh nghiệm có Chuá trong gia đình từ mẹ tôi. Tôi nghe mẹ kể ngày trước cha tôi là môt tay “ bợm nhậu khét tiếng” Cha tôi “ sáng xỉn, chiều say, tối là đà” hầu như cả tháng không ngày nào không nhậu.

Mẹ tôi một người với đồng lương viên chức nhà nước nuôi sáu chị em tôi học hành tử tế với một ông chồng xỉn cả ngày. Chưa lần nào tôi nghe mẹ nói bà có ý định bỏ chồng, bỏ con. Bà hằng ngày cầu nguyện cùng Chúa, ngày ngày tôi thấy mẹ đọc kinh cầu nguyện, hết cho chồng lại cho con… rồi năm tháng qua đi Chuá cho cha tôi gặp biến cố trong đời, ông mắc căn bệnh cao máu và ông từ bỏ rượu chè và thói xấu và giờ đây ông sống có Chúa hằng ngày ông bà đi lễ, đọc kinh cầu nguyện và khi chúng tôi về nhà thăm ông bà, cha mẹ tôi luôn muốn chúng tôi có giờ đọc kinh, cầu nguyện bên nhau.

Mẹ tôi vẫn luôn dạy chúng tôi, phải trộng cậy vào Chuá vì chỉ có Chúa mới ban sức mạnh cho chúng ta vượt qua thử thách, nếu trông vào sức mình làm sao có thể chịu đựng nổi khó khăn thử thách như vậy.

Tôi không có ý khoe gia đình tôi, vì tôi biết qua những gì các bạn hiểu biết các bạn sẽ làm tốt hơn, và hạnh phúc hơn gấp trăm gấp ngàn lần gia đình tôi và tôi cầu chúc cho tất cả chúng ta luôn được sống trong ơn nghĩa Chuá.



Câu 2:
Mục đích của Hôn Nhân Công Giáo là gì? Giải thích.

Mục đích của Hôn Nhân Công Giáo:

Giúp anh chị những người tiến đến hôn nhân yêu thương nhau trọn đời

Sinh sản và giáo dục con cái theo đường lối Thiên Chúa.

Yêu thương nhau trọn đời:
Hai người yêu nhau bền vững chỉ khi họ được tự do đến với nhau và quyết định tiến đến hôn nhân. Hôn nhân dựa trên sự tôn trọng và yêu thương nhau. Nâng đỡ nhau trong quan hệ tình yêu đôi lứa và giúp nhau trong cuộc sống hằng ngày. Mỗi người tự nhận ra điểm tốt và xấu của mình để bổ túc cho nhau.

“ Tượng trợ trong tình yêu và trong cuộc sống” còn là để phục vụ sự sống mới. Hôn nhân nhắm tới việc tác sinh mầm sống mới và giáo dục chúng nên người và nên con Chúa. Đó là ơn gọi cao qúy của cha mẹ Công Giáo. Cộng Đồng dạy : “ Con cái là ân huệ cao qúi của Hôn Nhân, và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc cho cha mẹ” Mt 50

Mối tương giao tâm lý:lưu ý đến những điểm khác biệt về tâm lý trong đời sống vợ chồng để bổ sung cho nhau, giúp nhau lớn mạnh trong tình yêu gia đình.

Sinh sản và giáo dục con cái theo đường lối Chuá:

Thiên Chúa cho loài người được vinh dự cộng tác với Người trong việc tạo dựng và làm chủ vũ trụ. Ngài cho con người kết hợp với nhau tạo nên một trong thể xác và tâm hồn dâng hiến cho nhau. Thông qua tình yêu đôi bạn Thiên Chúa muốn thể hiện tình yêu của Ngài với Hội Thánh.

Con cái là hoa qủa tốt đẹp của tình yêu vợ chồng. Cần có kế hoạch và sự chuẩn bị để giáo dục những đứa con cho tốt. Thiên Chúa cần đôi bạn giáo dục và góp phần tăng thêm cộng đoàn dân Chuá phát triển lớn mạnh hơn.

Câu 3:
Đặc tính của Hôn Nhân Công Giáo là gì? Giải thích.

Đặc tính của Hôn Nhân Công Giáo là:

Đơn hôn bất khả phân ly.
Đơn hôn: Là hôn nhân giữa chỉ một người nam và một người nữ. Hôn nhân Công giáo là duy nhất, trung tín, không chia sẻ. Người nam không thể là chồng của người nữ nào ngoài vợ mình; và người nữ cũng không thể là vợ của người nam nào ngoài chồng mình.

Đôi bạn chung sống là để giúp nhau. Sự giúp đỡ này chỉ đạt hiệu qủa cao nhất khi họ chung thủy với nhau. Còn nếu họ chia sẻ tình cảm với người khác, hoặc chỉ có ý giúp đỡ nhau thì sự giúp đỡ ấy không thể tận tình và hữu hiệu được.

Sinh sản con cái là do việc kết hợp yêu đương mật thiết vợ chồng. Nếu vợ chồng bất tín, thì nguồn gốc đứa con sẽ bị nghi ngờ. Lúc ấy, làm sao có thể yên tâm chăm sóc con cái và giáo dục đứa con tốt khi họ nghi ngờ không phải con mình.

Bất khả phân ly:

Hôn nhân ràng buộc hai người cho đến chết. Khi người nam và người nữ đã kết hôn thành sự và hợp pháp, họ phải chung thủy với nhau trọn đời. Không ai có thể tháo cởi dây Hôn nhân đó vì “ sự gì Thiên Chúa kết hợp, loài người không được phân ly”

Không thể dựa vào “ lợi ích con cái” để qủa quyết hôn nhân là bất khả phân ly và như thế những cặp vợ chồng có thể bỏ nhau mà không vi phạm luật.

Cũng không thể vịn vào câu “ tình yêu chân thật phải chung thủy” để buộc vợ chồng luôn gây gỗ phải sống với nhau trọn đời; vì sống khổ như thế mãi là trái với mục đích hôn nhân (hôn nhân tức là tạo hạnh phúc cho nhau, người nữ là trợ tá cho người nam chứ không phải là nô lệ hay kẻ phục tùng)

Do đó, tình yêu vợ chồng chính là tình yêu của Chúa Kitô và Hội Thánh.

Câu 4:
Có mấy phép bí tích? Kể ra. Bí tích là gì?
Trong nghi lễ hôn nhân đâu là Bí Tích?
Trong nghi lễ rửa tội điều gì là Bí Tích?


Có 7 phép bí tích:
Bí tích rửa tội là biến đổi một con người nên con Thiên Chúa.
Bí tích thêm sức làm cho người tín hữu đươc tràn đầy Thánh Thần
Bí tích giải tội trả lại sự sống mới mà tội lỗi đã giết chết hoặc làm suy yếu.
Bí tích Thánh Thể biến đổi một nhúm vật chất thành Mình và Máu Chúa Kitô.
Bí tích hôn phối biến đổi hai người thành vợ chồng nên một với nhau.
Bí tích tư tế (truyền chức thánh) biến đổi một tín hữu thường thành một thừa tác viên của Lời Chúa và của Bí Tích.
Bí tích xức dầu bệnh nhân đem lại sự đổi mới trong tâm hồn người bệnh.



Bí Tích là: những dấu hiệu hữu hình được Chúa Kitô dùng để ban ân sủng cho loài người. Bí tích còn là dấu chỉ hiệu nghiệm đức Kitô hiện diện và tác động

_Trong nghi lễ hôn nhân Bí Tích được cử hành khi đôi tân hôn đứng trước cộng đoàn, linh mục thề hứa và trao nhẫn cho nhau. Bí Tích hôn nhân còn thể hiện người nọ là dấu chỉ hiệu nghiệm tình yêu cho người kia.

Bí Tích hôn nhân chỉ được cử hành một lần. Bí tích ấy đem lại cho đôi vợ chồng một ân sủng siêu nhiên, khiến cho mọi cử chỉ, tình âu yếm vợ chồng trao cho nhau, sự nâng đỡ nhau, trao đổi bàn luận với nhau đều có sự hiện diện của Đức Kitô và Chúa Thánh Thần.Thiên Chúa mượn Tình Yêu trong hôn nhân là dâú chỉ hiệu nghiệm Tình Yêu của Chúa đối với Giáo Hội và mang 3 đặc tính:

-Kết hợp: ở lại và hiệp thông trong tinh thần và thể xác.
-Hy sinh: Hiến mạng sống vì người mình yêu
-Trung thành: “thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”

_Trong nghi lễ rửa tội Bí Tích được cử hành khi linh mục đổ nước lên trán và đọc : “X, cha rửa tội cho con: Nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần”


Câu 5:
Có tình yêu ‘đích thực” và “tình yêu dỏm” không?
Những điều kiện nào minh chứng Tình Yêu thật?

Tại sao khi chứng hôn cho 2 người nam, nữ được chung sống với nhau linh mục nói: “ X – Y chúng con có tự do và thật lòng đến đây chứ không bị ép buộc để kết hôn với nhau không?

Trong hôn nhân có tình yêu “ đích thực “ và “ tình yêu dỏm”. Tình yêu đích thực thể hiện sự tự do giữa đôi bạn yêu thương và tìm hiểu nhau, muốn gắn bó với nhau suốt đời. Tình yêu đích thực thể hiện qua sự nhứ nhung, yêu thương và tôn trọng nhau. Sẵn sàng thông hiểu và tha thứ cho nhau, biết hy sinh cho nhau.

Tình yêu “dỏm” không có sự yêu thương và hy sinh. Tình yêu dỏm bắt nguồn từ mục đích cá nhân, anh chị lấy nhau vì muốn thoát nghèo, muốn được đi nước ngoài… hoặc bị cha mẹ ép buộc.

Khi chứng hôn cho hai người nam nữ linh mục nói “ X – Y chúng con có tự do và thật lòng đến đây chứ không bị ép buộc để kết hôn với nhau” bởi vì:

Không ai có thể hoá giải bí tích hôn nhân vì nó đươc thiết lập bởi Đức Kitô. Và hôn nhân chỉ thành sự khi cả hai thực sự tư do yêu thương đến với nhau. Một hành vi thật sự sự trưởng thành.

Nếu có trường hợp mà về sau người ta chứng minh được rằng lúc cử hành bí tích hôn phối hai ngưới không thực sự tự do, thì việc kết hôn ấy sẽ được tòa án của Hội Thánh tuyên bố là bất thành, nghĩa là vô gía trị. Chính vì thế, dù bản thân linh mục đã biết chắc rằng hai người hoàn toàn tự do, linh mục vẫn phải nêu câu hỏi ấy trước cộng đoàn để sự thật được sáng tỏ.






Câu 6:
Đức Giêsu có những giáo huấn gì về hôn nhân qua đoạn kinh thánh Mt 19, 1 -9.

Luật một vợ một chồng có đáp ứng mục đích hôn nhân không?

Đáp ứng như thế nào?

“ Khi Đức Giê –su giảng dạy những điều ấy xong, Người rời khỏi miền Ga-li-lê và đi đến miền Giu-đê, bên kia sông Gio-đan. Đám đông lũ lượt đi theo Người, và Người đã chữa họ ở đó.
Những người Pha-ri-siêu đến gần Đức Giê-su để thử Người. Họ nói:’ Thưa thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?

” Người đáp”Các ông không đọc thấy điều này sao:”Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ”, và Người đã phán:”Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương môt thịt” Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, và loài người không được phân ly.

Họ thưa với Người:’ Thế sao Mô-sê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?” Người bảo họ:”Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu”. (Mt19,1-9).

Qua đoạn kinh thánh Mát-thêu, Đức Giê-su đã chỉ cho chúng ta thấy:

_ Định chế hôn nhân có từ thời nguyên thủy.” Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và nói:” Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi vật bò trên mặt đất”.

_Người nam và người nữ bình đẳng với nhau. Thiên Chúa phán:” Con người ở một mình không tốt. Ta sẽ tạo dựng cho nó một kẻ trợ giúp tương xứng với nó!” Như vậy Ngài tạo nên người nữ cho người nam và là người trợ giúp cho người nam. Cả hai nên “ một xương, một thịt” để chia sẻ, yêu thương, tha thứ và bào chữa cho nhau”.

Ngài nâng tình yêu nam nữ lên hàng Bí Tích vì đó là qùa tặng Ngài ban cho con người và là dấu chỉ tình yêu của Ngài giành cho loài người.Tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh ấy là khuôn mẫu của tình yêu vợ chồng Kitô hữu:” Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy tùng phục lẫn nhau!

Người làm vợ hãy phục tùng chồng như phục tùng Chúa, vì chồng là đầu của người vợ cũng như Đức Kitô là đầu Hội Thánh…Người chồng hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh!”

_Chúa Giê-su nói rõ cho đám người có ý thử Ngài “ vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ” Như vậy Ngài đã khẵng định hôn nhân từ thuở sơ khai Thiên Chúa thiết lập chỉ đơn hôn một nam kết hợp với một nữ. Vì lòng con người thay đổi tự cho mình quyền sửa đổi luật Chúa nên họ mới nghĩ đến việc cho phép li dị…Hội Thánh không chấp nhận li dị.

Trong một số trường hợp đặc biệt có thể cho ly thân (biệt cư, biệt sản) nghĩa là hai người không còn sống với nhau nhưng vẫn còn là vợ chồng, nên không có quyền kết hôn với ai khác. Không có một nghi thức hay thủ tục của tôn giáo về ly thân, bởi lẽ Hội Thánh vẫn hy vọng rằng: vì lợi ích của chính mình cũng như của con cái, rồi hai người sẽ hòa hợp lại.

_ Điều cuối cùng Chúa Giê-su muốn gởi đến chúng ta đó là hôn nhân là bất khả phân ly “ Sự gì Thiên Chúa kết hợp loài người không được phân ly” Con người từ thời Chúa Giê-su đến ngày nay đều muốn sửa đổi quy luật của Ngài. Con người muốn ly dị muốn có nhiều vợ nhiều chồng muốn có các quan hệ yêu đương tự do để đáp ứng sự đòi hỏi dục vọng bản thân mà quên mất Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn con người sống vui vẻ hạnh phúc trong tương quan của Ngài, nhưng con người khước từ. Khi con người không chấp nhận giữ những gì Ngài đã dạy, con người chỉ chuốc lấy cho mình sự đau khổ thể xác với các căn bệnh lây nhiễm và tâm hồn mất Chuá.

Luật xã hội quy định hôn nhân “một vợ một chồng” ứng với mục đích của hôn nhân “ yêu thương nhau đến trọn đời và sinh sản giáo dục con cái”. Về mặt xã hội hôn nhân một vợ một chồng đảm bảo cho gia đình hạnh phúc, thoát khỏi những bệnh tật lây nhiễm do quan hệ luyến ái tự do và gia đình là một thành phần và là nền tảng của xã hội.

Chính vì vậy, một gia đình được nuôi dưỡng bằng tình yêu vợ chồng, con cái hoà thuận yêu thương nhau sẽ tạo ra những công dân tốt cho xã hội. Nếu gia đình có mâu thuẫn bất hoà hoặc ly tán, xã hội sẽ gánh chịu những kẻ tội phạm và nhiều tệ nạn kéo theo.

Cả thế giới ngày nay đang lên tiếng báo động về căn bệnh AIDS, và người ta nhận ra cách phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này thật đơn giản với khẩu ngữ:” Một vợ một chồng khỏi sợ SIDA”. Điều này bên hôn nhân công giáo Thiên Chúa đã dạy con người ngay khi Ngài thiếp lập Bí Tích Hôn Nhân. Như vậy Thiên Chúa không muốn con người li dị chính vì Ngài bảo vệ con người khỏi những thần dâm ô xấu xa,

Ngài muốn con người trung thành với những gì từ ban đầu mình lựa chọn. Ngài cho hôn nhân hai người tự do quyết định đến với nhau, và khi đã quyết định kết hôn Ngài chúc phúc cho con người qua việc cử hành bí tích hôn nhân trong Thánh Đường. Nhưng con người bất trung với chọn lựa của mình nên mới nghĩ đến việc ly dị, và điều đó chỉ dẫn đến đau khổ và chết chóc.





Câu 7:
Vai trò Đức Tin trong đời sống gia đình Kitô hữu như thế nào?

Đức tin đóng vai trò quan trọng trong đời sống. Một người bình thường khi giai tiếp ngoài xã hội cũng cần có lòng tin nơi cộng sự hay đối tác của mình để công việc thuận lợi và suông sẻ hơn. Tạo dựng niềm tin và uy tín trong làm ăn là phong cách hàng đầu cần có của các doanh nghiêp.

Trong gia đình, lòng tin nơi người vợ, người chồng lại cần hơn vì có tin tưởng, tôn trọng nhau mới sống với nhau lâu dài. Cuộc sống với biết bao khó khăn, thử thách nếu không có lòng tin vào nhau, chỉ cần một lời nói hay một hành động khác thường cũng sẽ dẫn đến hiểu lầm đổ vỡ.

Tôi có một người bạn, hai vợ chồng đều là trí thức và sống với nhau rất hoà thuận. Anh chi kể cho tôi nghe trước kia anh chị cũng có lần định đưa nhau ra tòa li dị vì chị không chịu được anh luôn về nhà trong trạng thái nửa tỉnh nửa say với những mùi thơm đầy trên áo anh.

Chị nghi ngờ chồng mình có người phụ nữ khác nhưng vì là trí thức nên không thể hỏi trực tiếp với chồng vì làm vậy sợ chồng cho rằng mình không tôn trọng. Nhưng chị vẫn tin anh là người nghiêm túc và cư xử đúng mực, bao nhiêu năm chị sống với anh, anh không phải là người thấy trăng, quên đèn hay loại đàn ông trêu hoa ghẹo bướm. Chị quyết định tìm hiều nguyên nhân.

Anh là một hiệu trưởng trường dạy nghề mà lại là nghề làm đẹp cho phái nữ. Những tháng ngày mà anh về trễ trong tình trạng không tỉnh táo và đầy muì thơm của phái nữ là do trường anh có những đối tác đến nhờ quảng các các sản phẩm của họ, trường anh thường xuyên có các buổi biểu diễn thời trang, anh phải tiếp khách nên phải nhậu và các cô người mẫu luôn ở gần anh nên mùi thơm của các cô khiến anh bị nghi oan.

Nếu chị là người kém hiểu biết hoặc không khôn khéo và không có lòng tin nơi chồng, chị không tìm hiểu nguyên nhân rõ ràng có lẽ gia đình họ đã đi đến hồi tan vỡ. Như vậy lòng tin giữa vợ chồng là quan trong, nó còn là sự chứng minh lòng chung thủy của nhau.

Đối với những người tin Chúa, đức tin lại càng mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần. Tin vào Thiên Chúa để Ngài giúp sống đời sống hôn nhân tốt hơn. Tin Thiên Chúa Ngài hiện diện ngay trong gia đình mình, thể hiện qua gương mặt của chồng, vợ, con cái hay ngưới thân yêu của mình. Khi tin Thiên Chúa đồng hành cùng gia đình hãy sống Lời Chúa bằng những lời kinh, những giờ cầu nguyện cùng nhau, những buổi chia sẻ và đọc lời Chúa.

Khi vợ hoặc chồng gặp những bất hoà hay gia đình gặp khó khăn thử thách hãy cầu nguyện cùng Thiên Chúa để Ngài giúp thêm sức mạnh vượt qua. Khi bạn hoặc vợ, chồng gặp thất bại trong làm ăn hoặc bệnh tật bạn cần có Chúa để Ngài giúp cho bạn có thêm ý chí và nghị lực.

Bạn nhìn người bạn đời của bạn bằng cặp mắt của Chúa Kitô nhìn tha nhân, thương xót và động viên nhau…bạn hãy nghĩ đó là cơ hội Chúa gởi đến cho bạn thể hiện tình yêu của bạn với người bạn yêu thương…có như thế tôi tin bạn vượt qua một cách vui vẻ mà chẳng mảy may nghỉ là mình đang đau khổ vì bạn làm sao đau khổ bằng Đức Kitô,

Ngài vô tội nhưng bị đóng đinh đến chêt chỉ vì Ngài muốn bạn được sống hạnh phúc. Bạn cũng đừng quên Chúa khi bạn vui vẻ, gia đình bạn đầm ấm hạnh phúc, hãy cảm tạ Chúa và xin Ngài cho bạn luôn giữ được niềm vui đó theo ý Thiên Chúa muốn.

Mọi sự bạn cứ nói hết và làm hết lòng vì tin vào Ngài bạn sẽ được gấp trăm số lần bạn xin.



Câu 8:
Có mấy dịnh luật tâm lý? Kể ra và giải thích từng định luật một.
Phải áp dụng những định luật này trong đời sống hôn nhân như thế nào?

Hạnh phúc là sự hòa hợp giữa vợ chồng. Vợ chồng muốn ăn đời ở kiếp với nhau cần phải biết những định luật tâm lý của nhau.
Đi tìm sự hòa hợp giữa vợ chồng, người này phải khám phá tâm hôn người kia và gọt dũa những góc cạnh của tâm hồn mình.
Đây là một công việc trường kỳ đòi hỏi nhiều cố gắng.” Nhiều gia đình không được hạnh phúc chỉ vì ngu dốt và lười biếng; người ta học hỏi mọi điều trên thế gian này, nhưng lại không chịu học cách sống” (Marcelle Auclair)

Các nhà tâm lý đã khám phá và thu gom những định luật tâm lý của nam, nữ trong 5 định luật sau:
_ Luật uư tiên:

Nơi ngươì đàn ông thể xác ưu tiên
Nơi người đàn bà trái tim ưu tiên.

Khi nghĩ về người phụ nữ, anh thường hình dung một thân hình cân đối, với những đường cong duyên dáng, những điệu bộ dịu dàng. Anh chú trọng trước tiên tới cái tới cái đẹp thân xác, và coi đó là phần chính thu hút tâm hồn.
Nhưng nơi chị, trái tim và tình cảm chị đặt trên hết. Chị có trái tim muốn yêu và được yêu tới cực độ. Một trái tim muốn hoà nhịp với một trái tim khác, muốn hiến trọn cho anh, cho con, cho cả gia đình.
Cả anh và chị đều nên nhớ cái “hay” mà cũng là cái “dở” của đôi bên, để tránh cho nhau những nguy hiểm, và ngược lại, biết dựa vào nó mà xây dựng cuộc sống yêu thương.
Trong đời sống hôn nhân, anh hãy nhớ chị cần sự nương tựa và tìm sự bảo vệ an toàn của anh. Chị sẽ không tiếc gì mà không tận hiến hoàn toàn cho một người chồng yêu thương và che chở chị. Tình yêu của chị nặng về tình cảm, thì anh hãy đáp ứng bằng những lời đầy tâm tình, bằng những cử chỉ âu yếm. Tại sao lại cãi lý giằng co với chị, khi chị sống bằng tình cảm hơn là lý luận?
Còn chị, chị sẽ không buồn khi thấy anh ngắm nhìn một cô gái đẹp trên đường, thấy anh qúa chú trọng đến thể xác. Vì đó là quy luật chung của nam giới. Chị nên biết thế để bảo vệ tình yêu.
Dù mới cưới hay chung sống lâu năm, chị hãy nhớ trau dồi thân xác: trang điểm, ăn măc dễ thương, gọn gàng, sạch sẽ, đừng đầu bù tóc rối, quần ống thấp ống cao khi đón chồng đi làm về. Anh sung sướng, hạnh phúc và mong muốn về nhà khi nhà cửa sạch sẽ nơi có vợ hiền, con ngoan đang đợi mình. Hãy chinh phục anh bằng những bữa cơm gia đình được dọn đúng giờ cung cấp nhiều dinh dưỡng cho sự sống hạnh phúc.



Luật phân cách:
Nơi các chị trái tim chỉ có một ngăn
Nơi các anh trái tim có đến bốn ngăn.

Tình yêu lớn lao chị giành cho anh xâm chiếm hoàn toàn trái tim chị. Tim chị chỉ nghĩ đến anh, nằm mộng thấy anh, sống chỉ vì anh, sống chỉ để yêu anh và muốn được anh yêu.
Trong khi đó, trái tim của anh không đơn giản như thế: nó có tới bốn ngăn, và nhiều khi các ngăn này lại hoàn toàn biệt lập với nhau, khiến cho chị không sao hiểu nổi.

Ngăn 1: Dành cho chị, anh rất yêu chị, và khi ở với chị là không nghĩ gì khác. Tại sao khi lấy nhau, anh bớt dần những lời nói và cử chỉ âu yếm? Chỉ vì anh cho rằng: đương nhiên anh yêu qúi vợ nên không cần phải nói ra nữa. Anh cũng tưởng rằng: tận tâm làm việc lo cho gia đình đã đủ để bày tỏ tình yêu rồi. Chị hãy tin chắc rằng anh yêu chị lắm, không dễ gì anh bỏ bê vợ con, gia đình.

Ngăn 2: Dành cho công việc. Người đàn ông cảm thấy mình được tạo ra để làm việc, để chinh phục, để xây dựng và thực hiện một sự nghiệp. Anh yêu nghề một cách say sưa, khi mê say công việc anh không nhớ đến vợ nữa.

Ngăn 3: Dành cho lý tưởng, cho chính trị, xã hội, công đoàn.

Ngăn 4: Dành cho việc giải trí và nghỉ ngơi, cần thiết để giúp anh thêm lạc quan, yêu đời.

Trong cuộc sống anh cần nhớ chị coi trọng gia đình hơn nghề nghiệp. Chị khao khát hạnh phúc đơn sơ, thân mật của gia đình. Chị thích cách bày tỏ tình thương thực tế. Anh hãy giúp chị trong những công việc nhà. Có khi nên lặng lẽ giúp mà không cho chị biết, để chị ngạc nhiên và thích thú…trong những sinh hoạt anh tham gia, nên tạo điều kiện và gợi ý để chị dự phần vào công việc của anh

Phần chị, khi biết tim anh co 4 ngăn chắc chị sẽ không buồn khi anh mải mê công việc xã hội. Chị cũng nên chia sẻ cái bận tâm của anh, đi vào các ngăn của anh, để đem lại cho anh chút dịu dàng, an ủi.

Sau cùng, chắc hẳn chị không cho rằng: Thiên Chúa bất công khi Ngài cho trái tim anh co 4 ngăn, mà trái tim chị chỉ một ngăn. Vai trò chính của chị là gia đình, nên tim chị không thể phân cách. Còn anh, có phân cách như thế, anh mới có thể chu toàn trách nhiệm cả trong gia đình lẫn ngoài xã hội.



Luật Chi Tiết:
Đàn bà chú ý chi tiết
Đàn ông lưu tâm tới điều cốt yếu

Chị thường chú ý tới những chi tiết nhỏ nhoi, đang khi anh lại chú ý những nét đại cương, những việc lớn.
Chị lưu tâm tới những cái nhỏ nhoi trong đời sống của anh. Còn anh lại ít khi để ý tới những chi tiết trong đời sống của chị. Trong óc chị, một sự kiện nhỏ cũng trở thành một câu chuyên. Trong khi đó, anh chỉ nhìn tổng quát và tiến thẳng tới vấn đề chính yếu mau lẹ, gọn gàng, cả trong việc làm cũng như trong tình yêu.

Trong cuộc sống anh nên nhớ môt cái nhỏ nhặt cũng làm chị đau khổ. Anh về trễ, chị lo. Anh quên tặng qùa vào những ngày Kỷ niệm chị buồn, chị tủi. Hãy nhớ rằng: có những ngày mà anh không nên quên: sinh nhật, Kỷ niệm ngày cưới.
Ngược lại, một sự lưu ý nhỏ nhoi, một cái nhìn, một câu khen, một cái hôn, một món qùa nhỏ cũng đủ làm chị sung sướng, hạnh phúc.
Nếu anh biết dành cho chị một sự ngạc nhiên thích thú, chị sẽ rất cảm động, vì nó chứng tỏ anh dành cho chị một chỗ đứng quan trọng trong đời anh.

Với chị, nên bớt những chi tiết nhỏ nhặt làm bận tâm chồng một cách vô ích. Đừng qúa tỉ mỉ dặn dò hay đòi hỏi sự sạch sẽ, thứ tự nơi anh. Nếu anh sẵn sàng giúp chị hãy động viên khen ngợi.

Luật bất đồng cảm:
Đàn ông phản ứng nhanh nhưng cũng mau chấm dứt
Đàn bà phản ứng chậm nhưng kéo dài.

Trong phạm vi tình cảm, đàn bà là trái bom nổ chậm, chị không phản ứng cùng lúc với anh, nhưng khi đã xúc cảm thì nỗi xúc cảm ấy kéo dài hơn anh. Còn người đàn ông tình cảm chóng bộc phát mà cũng chóng nguội tàn. Vì vậy, tiếng sét ái tình thường xảy ra nơi thanh niên nhiều hơn nữ giới.
Trong đời sống thực tế: định luật này cũng chi phối niềm vui khi giao hợp thể xác. Khoái cảm của đàn ông sớm lên tột đỉnh và cũng chóng chấm dứt. Còn nơi đàn bà khóai cảm đến chậm, vì vậy phải được chuẩn bị. Người đàn ông cần biết chờ đợi bạn tình mình, đừng vội vàng, kẻo bạn tình cảm thấy bị bỏ rơi, cô đơn, buồn tủi. Tình yêu đòi hỏi nhiều nhẫn nại, tránh những cử chỉ hấp tấp, nên dùng những cử chỉ dịu hiền và kiên nhẫn.





Luật thính giác:
Người đàn bà có cái tai to
Người đàn ông lại ngắn cái lưỡi

Người thì muốn nghe những lời dịu ngọt, kẻ thì chẵng muốn nói, hoặc chỉ nói cộc lốc, đó là luật thính giác.

Người đàn bà không chỉ là một trái tim, mà còn là một cái tai. Lỗ tai gắn liền với trái tim. Những gì lọt vào lỗ tai sẽ rơi thẳng vào trái tim. Lỗ tai ấy vừa to, vừa rộng, chị dễ tin, dễ nghe những điều người ta nói, nhất là những lời đường mật. Chị chú ý những lời anh nói hơn việc anh làm. Dù anh làm đủ thứ việc giúp chị, nhưng nếu anh không nói, chị vẫn cho là anh không yêu chị. Cách tỏ tình âu yếm vợ là nói lên lời yêu thương.

Chị là một cái lỗ tai, nhưng anh thường là người không có lưỡi.

Anh hay trầm ngâm ít nói, nhất là khi ở nhà. Ơũ quán cà phê anh thao thao bất tuyệt, nhưng về nhà cạy miệng anh không nói. Là vì đàn ông thích bàn những vấn đề có tính cách tổng quát, không đi vào chi tiết, như thể thao, chính trị, nghề nghiệp… Nói với vợ thì phải nói chuyện tâm tình, đi vào chi tiết vụn vặt… nhưng anh lại tự ái hay vì mắc cở, nên rất dè dặt khi phải bộc lộ tâm tình.

Sống trong gia đình anh nên khen chị về cách phục sức, tài làm bếp của chị hoặc nói lên những thay đổi về căn phòng gọn gàng. Tất nhiên là phải khen thành thật. Hãy nhớ rằng ở chị còn rất nhiều chi tiết đáng khen mà tính đàn ông các anh không chịu để ý.

Hãy cố gắng lên một chút để tỏ tình ngay cả ban ngày, chứ không phải chỉ khen ngợi khi vào phòng ngủ!

Anh muốn thuyết phục chị hãy nên nói dịu dàng, âu yếm, tôn trọng chị. Thái độ gắt gỏng, cọc cằn không bao giờ chinh phục được chị. Đừng bao giờ chê trách và chế giễu vợ một cách ác ý, nhất là trước mặt người khác.” Vợ chồng luôn kính nhau như khách qúy” anh hãy tỏ ra nhã nhặn và lịch sự với chị.

Đối với chị nên biết nghe những câu chuyện trên trời dưới đất của anh. Chuyện đá banh, chuyện thời sự….không thú vị nhưng nên tìm hiểu để chia sẻ có cái chung để nói với chồng. Hãy dùng thái độ cởi mở để nghe anh nói, đón nhận những gì anh nói mặc dù chị chẳng hiểu chiều sâu vấn đề là gi. Hãy cùng nhau tranh luận những gì anh thích nghe.

Không chỉ bắt anh lúc nào cũng khen chị, thỉnh thoảng chị nên khen anh..vợ chồng nịnh nhau vài câu để yêu nhau hơn …nên nhớ người chồng khó lòng tâm sự với vợ khi vợ chỉ biết cằn nhằn, than thở. Hãy luôn cởi mở và tháo bỏ cùng nhau những khúc mắc. Hãy luôn cười và luôn nói với nhau mọi chuyện.

Trong cuộc sống hôn nhân, muốn có sự cảm thông, hai người phải trò chuyện cùng nhau. Cùng nhau nhìn thẵng vào vấn đề, xem phải làm thế nào để có thể thông cảm với nhau. Dù công việc bề bộn đến đâu cũng phải thu xếp để trò chuyện với nhau ít nhất là một lần trong ngày.

Hãy lợi dụng những bữa cơm, những giây phút yên tĩnh bên nhau sau giờ kinh tối để tâm sự cùng nhau. yêu là nói, là nghe, là cởi mở tâm hồn. Yêu là muốn cho bạn tình mình tham dự vào những tâm tình, ý nghĩa của mình, và trao ban cho bạn cái quan trọng chính là nội tâm mình.



câu 9:
Trong đời sống chung gia đình có những bất đồng ý kiến, hiểu lầm, đưa đến lục đục cãi cọ, giận nhau bạn sẽ làm gì?
Nếu gặp sự phản bội, bạn là người tin Chúa bạn sẽ xử trí ra sao?

Tôi nhớ một buổi học trong lớp giáo lý hôn nhân, vị giảng viên nói với chúng tôi:” anh chị hãy nên cãi nhau trước khi nghĩ đến chuyện kết hôn” cả lớp chúng tôi cưới vang.

Còn bạn, bạn nghĩ gì về câu nói này?

Vị giảng viên của chúng tôi có lý khi ông nói điều đó. Bạn nghe người yêu khen bạn, gật đầu với bạn khi bạn nêu ý kiến, hiểu rõ các vấn đề bạn trình bày và các bạn vui vẻ bên nhau đó là tình yêu màu hồng bạn đang có khi yêu. Lúc vui thì hạnh phúc ngập tràn ai cũng như ai, nhưng đến khi bất đồng xảy đến..cơn giận dữ mỗi người mỗi kiểu và đều làm tổn thương nhau.

Tôi có người bạn anh thường nói với tôi, tình yêu vun đắp từng ngày bằng biết bao lời yêu thương, nhưng chỉ cần một cơn tức giận, một lời nói xúc phạm làm mất hết những gì mình đã có. Khi làm cho nhau quê rồi thì khó huề mà có huề cũng vẫn còn quê vì lời xúc phạm luôn ám trong lòng.

Khi bạn kết hôn, bạn đối diện với những vòng xoáy của cuộc sống…bao khó khăn chồng chất, đủ thứ hỉ nộ á ố trong đời…rồi bạn sẽ trở thành những người chồng cáu gắt với vợ.

Khi xưa bạn đợi chờ ngày này qua ngày nọ để gặp mặt người yêu, mong đợi đến quên ăn, quên ngủ….người yêu đến trễ hàng giờ nhưng bạn vần nói “ không sao, anh hạnh phúc vì được đợi em” …ngày bạn làm chồng của nàng rồi, bạn đưa vợ đi chợ đợi chỉ có một giờ thôi bạn đã hét lên “ em đi dọn hết chợ cho người ta à?

Xin bạn đừng vội cười vì đó là sự thật tôi chứng kiến rất nhiều các ông ca bài ca đó khi đợi vợ.

Đó là chưa kể nàng muốn mua chiếc áo mới, bạn lại bảo “ em xài tiền hoang phí, quần áo ở nhà mặc không hết mua làm gì” mặt nàng đang hớn hở vui mừng vì nghĩ chiếc áo đẹp mình mặc chàng sẽ thích, không ngờ bị tạt ca nước lạnh vào mặt…thế là quê luôn..chiến tranh lạnh xảy ra cả ngày.

Bạn có nói với tôi gia đình bạn không có chuyện này không? Rằng bạn sẽ không phải là người chồng như vậy? Bất đồng ý kiến từ những chuyện nhỏ nhặt, cỏn con xảy ra trong gia đình là từ những chuyện như vậy đó bạn.

Các nàng cũng không vừa gì, chồng đi làm về khuya có mùi bia rượu là ôi thôi các nàng khóc lóc than thân trách phận đã lấy lầm chồng “ xỉn, say”. Vô phúc cho anh nào hôm đó bị đồng nghiệp chơi ác, bỏ vào một ít mùi thơm được tẩm trên những chiếc khăn lạnh trong quán nhậu là tiêu. Ngày hôm sau ăn cơm vỉa hè là chắc chắn vì vợ dắt con về nhà ngoại với lý do “ anh đã quan hệ bất chính với người khác”…

Có hàng trăm, hàng ngàn lý do để đưa đến hiểu lầm nhau, đưa đến cãi vã và lục đục trong gia đình. Điều quan trọng là bạn có nhận ra vấn đề và tìm cách giải quyết nó hay không?

Vợ bạn đi chợ lâu vì muốn lựa và nấu cho bạn bữa ăn ngon miệng, bạn không hiểu nỗi khổ của họ khi lương bạn đưa thì ít mà bạn lại không thể ăn những thứ vớ vẩn nên vợ bạn phải nặn óc tính toán nên mua thứ gì để bạn ăn vừa miệng mà không phải chi qúa mức bạn cho phép.

Nếu bạn làm nhiều tiền, bạn không muốn đợi nàng đi chợ tôi dám chắc vợ bạn thuê ngay osin giao họ làm việc đó. Bạn quên mất định luật chi tiết nơi vợ bạn mà các nhà tâm lý đã nói sao.

Bạn phải hiểu vợ bạn nấu cho bạn ăn chứ cho ai, chở vợ đi chợ là một hạnh phúc vì bạn đã giúp nàng một tay, chia sẻ việc nhà với vợ. Bạn nghĩ như vậy bạn có thấy hạnh phúc hơn là bạn càu nhàu vợ không? Rồi khi vợ mua áo đẹp, là nàng muốn bạn được tự hào vợ đẹp, con ngoan.




Làm đẹp vì bạn chứ vì ai.

Tôi không nói những phụ nữ chạy theo thời trang, tôi chỉ xin đề cập đến các bà vợ Việt Nam đoan trang hiền thục, chăm chồng, lo con hết mực nên chắc chắn nàng không phung phí tiền của bạn đâu. Nàng chỉ muốn gọn gàng tươm tất đi bên bạn, nếu bạn là ông chồng như “ chí phèo” thì bạn chắc chắn chỉ gặp được “thị nở” là hết mức.

Bạn có muốn như vậy không???

Khen nàng một câu để áp dụng định luật thính giác nơi các nhà tâm lý dạy trước đi vì chẳng thiệt đi đâu mà sợ khen vợ mình.

Nếu bạn muốn góp ý với vợ bạn nên nhẹ nhàng” anh thấy cái này không hợp với em” chỉ cần như vậy bạn đã được vợ cho điểm cao trong tim nàng. Với các chị, các chị nên hiểu đàn ông ngoài vợ con họ còn có bạn bè. Các nhà tâm lý đã chứng minh qua định luật phân cách “tim người đàn ông có 4 ngăn” là gì.

Chị phải hiểu và phải tin chồng mình. Anh có nhậu vui vẻ với bạn bè thì vợ lúc nào cũng là nhất. Nếu chị có nghi ngờ anh, xin hãy tỉnh táo và thật sáng suốt.

Vì khi anh chị đến với nhau bằng tình yêu, anh chị tin nhau anh chị mới kết hôn nếu chỉ vì áo anh có vết son, người anh có hương thơm xin đừng vội đưa ra kết luận. Hãy tìm hiểu nguyên nhân từ đâu, rằng trước kia anh có thói trăng hoa hay không, anh có biểu hiện thay đổi gì lạ so với trước.

Tại sao như vậy, trước hết nên xét lại hành động của mình có gì làm anh chán nản không.
Mọi việc nên từ tốn, có thể tìm hiểu qua bạn bè anh hoặc những người nào có uy tín trong gia đình nhờ họ đứng ra giúp chị.

Gia đình tôi ở gần nhà chú thím út. Chú tôi không đẹp trai nhưng nhìn cũng còn phong độ, ăn nói có duyên lại hiền, thím tôi xinh xắn dễ thương…nhưng tính thím nóng và có phần lấn lướt chồng.

Vợ chồng chú thím làm ăn có của dư, của để nên về tài chính họ không co gì bận tâm. Tính chú thân thiện nên bạn bè hay rủ uống cà phê, nhậu lai rai. Thím thôi nghe ai nói chú có bồ nhí tức tốc đến nơi làm lớn chuyện, về nhà cấm vận chú từ tài chính đến tình cảm.
Ngày nào tôi cũng vô phước phải nghe lời cay đắng từ miệng thím nói chồng. Chú tôi lúc đầu giận qúa đánh thím, tình hình càng căng thẵng hơn khi chú dùng đên vũ khí đòi sống chết. Ba mẹ và anh em tôi sợ qúa sang can ngăn, nhưng thím nào có chịu im..có miệng cứ thế gào lên. Đến chúng tôi còn không chịu được lời nói nhức óc nói chi đến chồng thím.

Chú buồn đời nghĩ đến tự tử chết, mẹ tôi khuyên chú hàng ngày, bọn tôi đưa chú đi chơi cho khuây khỏa. Còn ba tôi ngày nào cũng qua nói lời phải trái với thím. Mọi việc hiểu ra rồi chẳng có gì, chỉ tại miệng thiên hạ làm vợ chồng gần như biến thành kẻ thù. Những câu chuyện tương tự như chú thím tôi xảy ra hàng ngày trên báo, đài…chỉ là họ bất hạnh hơn chú thím tôi khi họ đã gây ra những hành động đáng tiếc và pháp luật phải can thiệp.

Đời sống chung là một chuỗi ngày vui, buồn mà ca hai cùng phải sát cánh bên nhau. Chỉ cần lời nói hay hành động làm mất lòng nhau mà không được trao đổi, bàn bạc cùng nhau, không tha thứ, bổ sung và hy sinh cầu nguyện cho nhau nó chính là những ngọn lửa âm ỉ chờ có dịp bùng phát. Khi lửa đã thành cơn hỏa hoạn thì nhà bạn, tổ ấm của bạn chỉ còn cháy ra tro không thể cứu.



Hãy luôn tỉnh táo và sáng suốt.

• Hãy luôn sát cánh bên nhau. Luôn cầu nguyện cùng ơn trên cho chính chúng ta biết tự chủ và giải quyết mọi vấn đề khó khăn bằng tình người.

Nếu gặp sự phản bội, bạn là người tin Chúa bạn sẽ xử lý ra sao.

Cĩ những giọt nước mắt đem lại hạnh phúc cho người khác.
Cĩ những giọt lệ làm lay chuyển tâm hồn người khác.
Giọt nước mắt của người mẹ luơn cĩ tác dụng rất lớn đối với con cái.
Giọt nước mắt của thánh nữ

Monica.

Thánh nữ Monica là gương sáng cho các bà mẹ Công giáo. Thánh nữ đã sống cả đời cầu nguyện và làm theo Thánh ý Chúa chỉ mong muốn chồng con mình sớm được sống trong ơn nghĩa Chúa.
Chồng bà một kẻ ngoại đạo, ăn chơi khét tiếng, con bà cũng chẳng hơn gì ông bố. Nhưng nhờ sự cầu Nguyện của Thánh nữ cùng Thiên Chúa chồng và con bà đã trở thành con cái Chúa.

Không một người vợ hay chồng chấp nhận và tha thứ dễ dàng khi biết người bạn đời của mình phản bội. Sự phản bội bất kể đến từ đàn ông hay đàn bà đều là vết thương gây đau khổ cho người kia.
Là con cái Chúa khi bạn gặp khó khăn thử thách trong cuộc sống gia đình bạn hãy làm như thánh nữ Monica hãy cầu nguyện cùng Thiên Chúa rồi Ngài sẽ giúp bạn vượt qua.



Trong bài suy niệm của linh mục Giuse Vũ Thái Hòa đăng trên nhật báo VietCatholic News Ngài đã đưa ra ý kiến:

“Trong đời sống, không có con đường nào ngay thẳng cả, nhất là con đường tình yêu. Gia đình không thể tránh được những thử thách, những khó khăn. Trong hôn nhân, chung thủy và tha thứ luôn gắn bó với nhau, vì cả hai cùng một nguồn gốc.

Khi chồng hoặc vợ tha thứ cho người bạn mình vì để muốn tỏ cho bạn mình rằng cuộc sống ngày mai sẽ khác ngày hôm qua. Tha thứ không phải chỉ là quên những chuyện quá khứ, nhưng còn cao xa hơn nữa: tha thứ là để muốn cùng nhau tiếp tục xây dựng tương lai. Gia đình luôn là nơi cao trọng của tình yêu con người, của tình yêu lâu bền, chung thủy, mạnh hơn cả những thử thách và thất bại.

Hôm nay, Chúa nhắc chúng ta không nên phán xét và kết án. Chúng ta hiểu rõ rằng luật xã hội và luật Giáo Hội rất cần thiết, nhưng sự phán xét của Chúa không bị giới hạn trong sự phán xét của loài người. Người nhìn xa và rộng hơn.

Xin Chúa chúc lành và ban ơn cho gia đình chúng ta được luôn sống thương yêu nhau trong sự trung thành, trong sự tin tưởng, nhẫn nại và tha thứ. Ước gì tất cả chúng ta, gia đình chúng ta là những chứng nhân của Chúa, chứng nhân tình yêu, bởi vì ở đâu có tình yêu thương, ở đấy có Thiên Chúa hiện diện”


câu 10:
kể ra những nguyên tắc giáo dục con cái trong gia đình.
"Có con cái, trai hay gái, cha mẹ hãy lo giáo dục chúng" (HC 7.24-24).
Bằng không, "chúng trở nên mất dậy và làm nhục cho cả cha lẫn mẹ" (HC 22.3-5).

Trái lại, "Cả kho tàng của thế giới cũng không quí bằng có một người con được giáo dục tốt" (HC 26,28).

Qua văn hóa Việt Nam, cũng như giáo huấn của Giáo Hội, ly do thứ nhất khiến cha mẹ phải giáo dục con cái là vì đó là mục tiêu của Bí Tích Hôn Phối, và nói theo ca dao Việt Nam, thì vì đó là nghĩa tào khang. –

Gs TRẦN VĂN CẢNH (Tiến sĩ khoa học giáo dục)

Con cái là hoa qủa của tình yêu vợ chồng. Việc chăm sóc và nuôi dạy chúng nên người cần có sự cộng tác của cả cha lẫn mẹ.


Giáo dục con cái dựa trên những nguyên tắc cơ bản như sau:
Đặt trách nhiệm giáo dục con lên hàng đầu.

Chọn uư tiên cho công việc giáo dục con cái so với những việc khác. Chuẩn bị dạy con từ thuở còn thơ. Đừng nghĩ trẻ thơ không biết gì nên không cần giáo dục chúng, để chúng lớn rồi dạy chúng từ từ là sai lầm.

Khi trẻ bắt đầu hình thành trong bụng mẹ, hãy lên kế hoạch dạy chúng. Y học tây phương khuyến khích các chị nên nghe nhạc đọc sách vì đứa trẻ sẽ hình thành và phát triển não tốt hơn trong bụng mẹ.

Các anh hãy nên ân cần hỏi han vợ để trẻ cảm nhận được tình yêu cha mẹ giành cho chúng. Một đứa trẻ được sinh ra trong môi trường chuẩn bị tốt của cha và mẹ, nó sẽ phát triển vui vẻ và năng động.

Cha mẹ phải xác định mục tiêu giáo dục con cái. Cha mẹ muốn con cái sau này chúng trở thành những người như thế nào? Từ đó mọi tác động đều quy về hướng đó.

Khi trẻ lớn dần theo năm tháng hãy hướng dẫn và phát hiện khả năng của trẻ.Giúp trẻ nhận biết chúng thích gì và tài năng của chúng làm được gì. Việc định hướng tương lai và nghề nghiệp cho trẻ rất cần thiết.

Việt Nam chưa có nhiều chương trình hướng nghiệp cho trẻ nên vai trò cha mẹ trong việc phát hiện khả năng của con trẻ là cần thiết. Chỉ có cha mẹ theo sát con cái mới biết tính nết và khả năng của con.

Chỉ nên hướng dẫn trẻ nhận biết và khuyến khích chúng phát huy hết khả năng, tuyệt đối đừng bắt trẻ làm những gì chỉ người lớn như chúng ta thích.Thinh thoảng tôi có hỏi học sinh những lớp tôi dạy các em chọn cho mình ngành nghề gì khi các em không còn học nữa. Buồn thay chúng chẵng biết chúng thích làm gì và có khả năng làm gì.

Có nhiều em ngây thơ trả lời “ ba mẹ con nói con học giỏi để làm nhiều tiền” Tôi hay chọc các em, hoc giỏi chưa chắc đã có nhiều tiền và nhiều tiền chưa chắc đã cần học giỏi. Phải học những gì và làm những gì các em thích và các em đam mê thì dù ít hay nhiều tiền cũng đều có giá tri.

Những em sắp tốt nghiêp trung học và bước vào con đường chọn lựa sự nghiệp cho cả một tương lai mình cũng chỉ một câu trả lời như đứa học phổ thông” thưa cô em không biết em chọn ngành nào” thấy thương cho các em vì chính các em không phát hiện ra khả năng của mình.

Phải thống nhất tác động trên đứa trẻ, tránh tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược để tạo thành sức mạnh hỗ tương.Khi con trẻ mắc sai lầm cha mẹ là người sửa dạy hữu hiệu nhất.

Ngày xưa tôi nhớ bà ngoại tôi vẫn thường bảo mẹ tôi khi cha đánh đòn sửa dạy chúng tôi mẹ không được bênh chúng tôi trước mặt cha. Tôi nghe rồi giận ngoại ghê lắm, ngoại không bênh chúng tôi thì thôi lại không cho mẹ bênh.

Nhưng càng lớn tôi càng hiểu, cha tôi đánh tôi cửa trước, mẹ tôi xoa tôi cửa sau. Tôi hư nên bị cha cho ăn đòn, nhưng mẹ vừa xoa dầu chỗ bị đòn đau cho tôi vừa nói” vì con hư nên cha đánh và nhớ những trận đòn của cha mà chừa đừng tái phạm”


Cha mẹ phải tỏ ra rất gương mẫu và chuẩn mực đối với con cái, cha mẹ phải có nhân cách tốt để làm gương cho các đối tượng, cha mẹ phải tự giáo dục mình để giáo dục con cái và tạo ra uy tín trên con cái, nhiều khi cha mẹ chỉ tỏ ra mình có uy quyền chứ không có uy tín trên con cái.

Cha là người chuẩn mực và là gương mẫu cho con cái trong nhà, nghiêm khắc phạt khi con hư và thân thiện khi con lớn cần chia sẻ như người bạn. Mẹ là người ủi an lúc con thất vọng và là người chia sẻ lúc con thành công.

Tự bản thân cha mẹ phải làm gương cho con từ cách ăn nói, xưng hô và cách cư xử. Một đứa trẻ khi thấy cha mẹ cho ông ăn trong môt cái chén thua chén cho vật nuôi trong nhà ăn.

Rồi ngày kia nó nhìn thấy chiếc chén bị mẻ một miếng, nó cầm cất đi cha nó hỏi tại sao, nó trả lời” để giành sau này cha mẹ già con lấy cho cha mẹ ăn như cha mẹ cho ông ăn vậy” Trẻ con là như vậy đó thưa bạn, nó như tờ giấy trắng, bạn vẽ nét đẹp vào tâm hồn nó, nó sẽ đẹp và ngược lại bạn gieo vào trẻ những điều xấu chúng sẽ phát huy điều xấu tốt hơn bạn nghĩ.

Tôn trọng nhân cách trên sự phát triển của con cái: cha mẹ phải giúp cho nhân cách con cái phát triển tốt, nghiã là quan tâm tới khả năng phát triển của đứa con như thế nào?

Có nhiều cha mẹ trong cuộc sống ước muốn mình thành công, trở thành ông nọ, bà kia, nhưng vì một lý do nào đó không đạt được như ước nguyện, nên họ ước mong cho con cái sau này đạt tới mục đích đó.

Nhưng vấn đề ở chỗ con cái sau này có thích mục tiêu đó hay không và có khả năng để đạt mục tiêu đó không?Do đó, cha mẹ phải tôn trọng nhân cách trên sự phát triển của con cái. Mặt khác cha mẹ nên tránh những câu gây ấn tượng xấu, làm cho con mặc cảm khi lớn lên chẵng hạn như : ngu như bò, thằng này lớn lên chỉ đi ăn mày, ăn cướp…

Cha mẹ cần tổ chức nếp sống gia đình lành mạnh, có nề nếp quy củ tốt, lấy đó làm công cụ giáo dục con cái thông qua lối sống gia đình ảnh hưởng trên mọi thành phần trong gia đình, cha mẹ sống có ngăn nắp ảnh hưởng trên con cái.

Cần có sự hài hoà giữa thái độ thương yêu và thái độ nghiêm khắc trong giáo dục Cha mẹ phải hiểu các đặc tính tâm lý con cái để có những phương pháp giáo dục thích hợp

Sách và tài liệu tham khảo cho bài viết được trích từ:
Hôn nhân và gia đình dưới ánh sáng tin mừng
Hôn nhân Công Giáo
Bài viết của LM Giuse Phạm Văn Bảo DCCT
Bài viết của LM Giuse Vũ Thái Hoà
Bài viết GS Trần Văn Cảnh.
http://www.btinternet.com.