head

Wednesday, August 02, 2006

Mẹ chồng tôi

Mẹ chồng tôi

Tôi rời quê hương qua xứ người ngay vào mùa đông. Trời mùa đông xứ Úc lạnh và có mưa. Những cơn mưa không lớn ào ạt như Việt Nam, nhưng đủ làm cho lòng người buồn lại thêm buồn.

Ngày tôi về làm dâu chào ra mắt, mẹ chồng tôi nhìn tôi từ đầu đến chân rồi bà chỉ gật đầu như ra hiệu bà biết sự hiện diện của tôi. Khi mở miệng chào bà “ con chào mẹ, mẹ khoẻ không ạ” bà sửa lại bằng một giọng miền tây nam bộ “gọi bằng dú” – nếu viết đúng chính tả phải là vú – và bà cho phép tôi về phòng nghỉ sau một chuyến bay dài mỏi mệt.

Mặc dù được chồng báo trước mẹ anh thuộc dạng phụ nữ dễ hòa đồng và hoạt bát nhưng tôi vẫn lo lắng. Nỗi lo của tôi bắt nguồn từ việc tôi làm dâu mà bà không đi cưới, bà chẳng biết tôi là ai và tôi cũng chưa một lần gặp bà.

Ngày đất nước hát bài ca khải hoàn, nam bắc một nhà, là ngày chồng tôi rời khỏi quê hương. Vài năm sau, anh bảo lãnh mẹ qua sống cùng. Ngày anh về cưới tôi mẹ chồng tôi không về được vì bao nhiêu lý do, mà lý do duy nhất bà không về được có lẽ vì bệnh lo lắng của người già. Người già có trăm ngàn lý do để lo và mẹ tôi cũng không nằm ngoài số người đó.

Ngày đầu tiên ở nhà với bà, tôi lo lắng không biết mình sẽ làm gì và nói gì. Chồng tôi đi làm từ sớm, ở nhà chỉ có tôi và bà. Dù sao chúng tôi cũng sống dưới một mái nhà “chẳng lẽ tôi sợ bà hoài rồi trốn trong phòng luôn sao!” nghĩ vậy nên tôi mạnh dạn bước đến phòng bà. Căn phòng đối diện phòng vợ chồng tôi, nó im lặng đủ làm tim tôi đập loạn xạ, rón rén khẽ gõ cửa, bên trong vọng ra một giọng nhỏ nhẹ trầm ấm“ vào đi”. Tôi bước vào, một bà lão đang ngồi bên song cửa sổ, trong tay đang cầm chiếc kim và cái áo ngước nhìn tôi, điệu bộ y hệt má tôi bên nhà. Chiếc rèm cửa buông xuống được vén qua hai bên vừa đủ ánh sáng lọt qua cho tôi nhìn rõ căn phòng nhỏ gọn đầy đủ tiện nghi, ngăn nắp và ấp áp.

Hôm qua tôi mới trình diện bà và bị bà sửa dạy nên sợ không dám nhìn rõ bà cho kỹ. Hôm nay tôi vào phòng và đứng khoanh tay chào bà như đứa trẻ lên ba. Mẹ chồng tôi với khuôn mặt hiền từ như bà tiên trong truyện cổ tích, đôi mắt già nua nhưng linh hoạt nhìn tôi đầy âu yếm.Mái tóc bạc được cắt tém khéo léo trông bà không chút gì quê mùa như trong trí tưởng tượng của tôi. Bà cầm tay tôi bảo “ ngồi xuống đây, không cần đứng làm lễ như thế”.Tôi vốn dĩ là dân trăm phần trăm sống trong miền nam, người thành phố nhưng cha mẹ, ông bà tôi là gốc bắc, nên tôi bị anh hưởng lời ăn, tiếng nói và cách sinh hoạt từ họ.

Cử chỉ thân thiện của bà làm tôi an tâm phần nào và cảm thấy thân thiện hơn không sợ sệt như ban đầu. Ngày còn ở nhà, tôi thấy các chị dâu tôi ngày đầu về làm dâu chào ba má tôi, mặc dù ông bà là người hiểu biết và đáng yêu nhưng ông bà cũng không thể hiện cử chỉ gần gũi như mẹ chồng tôi đối với tôi lúc này.

Chiều cao của tôi vừa đúng chuẩn quy định dự thi hoa hậu miệt vườn, vậy mà khi ngồi xuống bên cạnh bà, tôi phát hiện mẹ chồng tôi nhỏ bé hơn tôi. Nước da bà trắng hồng, dù ở độ tuổi thất thập cổ lai hy nhưng hai gò má vẫn đỏ hồng mà tôi có thể cam đoan so với cái tuổi qua hai mùa trăng trẻ trung của mình, tôi cũng không có đươc.

Những ngày đầu làm quen với cách gọi bà bằng “dú” tôi cứ quên hoài, thỉnh thoảng luống cuống tôi gọi mẹ rồi chợt nhớ sửa lại. Quả thật, tiếng gọi đó ngày xưa tôi học môn tiếng việt lớp hai trong bài “cách xưng hô” tôi có biết, nhưng tôi sống bên quê nhà có nghe ai gọi như vậy đâu.

Tôi đúng người việt thứ thiệt chứ chẵng phải ngoại lai, mà nhất là gốc bắc thì tự hào lắm về cách phát âm và nghe tiếng việt chuẩn xác, thế mà tôi bao phien khổ sở với tiếng mẹ đẻ của mình. “Dú” tôi không gọi tôi bằng cái tên cha cúng cơm bên nhà cha mẹ tôi đặt cho, bà gọi tôi bằng tên của chồng tôi thêm vào trước hai chữ vợ thằng, thế là tôi có thêm tên mới “ vợ thằng D”.

Lắm lúc bà gọi, tôi không nhận ra bà gọi tôi, vì quên mất mình có chồng và chồng mình tên đó, nên tôi cho bà gọi cả buổi trời mà không thèm thưa, đến khi nhớ ra tôi mới biết bà kêu mình.

Tôi không dám tự hào tôi tốt nghiệp đại học bên Việt Nam vì tiếng Việt tôi ghê quá, nói cũng không xong mà nghe cũng không ổn. Có lần mẹ chồng tôi đi chợ mua hành lá về, bà bảo tôi “con đưa hành cũ cho dú” tôi tìm hết cái tủ lạnh cũng không thấy “hành củ” đâu, tôi nói “nhà mình đâu có hành củ”.” Dú”vừa nói vừa chỉ ” hành cũ là hành hôm qua dú mua, còn hành mới hôm nay con hãy đem cầt vào tủ” À! Thì ra lành hành cũ và hành mới chứ không phải như tôi nghe củ hành. “Dú” giải thích thêm “khi nào dú nói là củ hành thì mới là củ hành tím”.

Trời trời…tôi người Việt mà còn nghe hỏng ra, không phân biệt được, hèn chi người nước ngoài học tiếng việt than khó là phải rồi. Tôi thích nói chuyện với “dú” vì bà dùng nhiều tiếng địa phương rặc mùi miền tây “gạo trắng nước trong” Bất cứ nấu món gì bà cũng hỏi tôi có giống Việt Nam không? Tôi không biết bà muốn nhắc để tôi nhớ việt nam, hay bà nhắc cho chính bà đừng quên đất Việt.

Tôi lúc nào cũng than ở đây người ta ăn cái gì cũng to, tô phở bên xứ người to bằng cái nồi má tôi ở nhà nấu canh cho cả nhà ăn. Dú chọc tôi “ở Việt nam ăn tô phở xắn quần lội cả buổi cũng chưa thấy miếng thịt, ở xứ này không có sức mà ăn”

Ngày qua ngày, sự thân thiện của chúng tôi càng tăng. Phát hiện đầu tiên tôi khám phá nơi mẹ chồng tôi là bà cưng chiều chồng tôi hết mực, bà nấu tất cả những món anh thích, biết tính anh ăn ngọt, mặn đắng cay, mềm. dẻo, cứng ra sao bà rõ mồn một. Thỉnh thoảng tôi than phiền và hỏi bà có biết chồng tôi khó tính, cẩn thận quá không? Bà cười bảo” con tui đẻ ra mà sao hỏng biết”.

Bà thương chồng tôi nên bà cũng thương tôi. Bà sợ tôi lạnh nên không cho rửa bát, nấu cơm mặc dù những thứ đó hồi ở Việt Nam tôi làm thường xuyên như chuyện thường ngày ở huyện. Ban đầu tôi nghĩ chắc bà sợ tôi làm lóng ngóng sẽ hư, đổ bể hết đồ của bà, nhưng sau này bà nói với tôi, vì bà không chính thức đi cưới tôi, nên bà không thể lựa chọn tôi theo ý bà muốn và tôi thiệt thòi vì bị mang tiếng có má chồng mà không về cưới nên bà thương tôi, bà muốn bù đắp cho tôi, bà chỉ cần tôi ăn những thứ bà nấu mà không khen chê là tốt rồi.

Nhưng nói vậy tôi cũng là đứa ngoan nên thấy bà thương, tôi cũng thương bà, giành phần nấu nướng cho bà, nhưng dọn dẹp rửa chén phần tôi. Hai mẹ con tôi ở nhà quấn quýt bên nhau nên cũng vui. Cần một thời gian ổn định mọi việc tôi mới được đi học, đi làm, tạm thời tôi ở nhà với bà.

Sáng bà nấu cho tôi ăn sáng, 10 giờ sáng tôi thức dậy chỉ cần bỏ thức ăn vào lò vi sóng, bấm hai phút là đồ ăn nóng, có thể ăn được. Tôi suốt ngày được bà cho ăn, bất cứ thèm gì, thích gì chỉ cần nói bà sẽ đáp ứng nhu cầu cho tôi.

Mẹ chồng tôi cưng chiều tôi còn hơn cả chồng tôi. Thế mà trước kia, ngày tôi còn bé có lần tôi được bà tôi dắt đi coi kịch “ lá sầu riêng” tôi còn nhớ bà mẹ chồng độc ác đuổi cô con dâu ra khỏi nhà, đánh đập thảm thương. Lớn một chút tôi chứng kiến không biết bao nhiêu chuyện xích mích nàng dâu mẹ chồng….tôi sợ lắm cảnh làm dâu, tôi tự nói nếu có lấy chồng tôi lựa người chết cha, chết mẹ chứ nhất định không làm dâu.

Với tôi, chuyện làm dâu nó khinh khủng gần như khủng bố đánh sập tòa tháp đôi ở Mỹ. Thế mà…chắc kiếp trước mẹ chồng tôi mắc nợ tôi hay tôi khéo tu nên kiếp này tôi được mẹ chồng thương đến thế. Tôi cũng chẳng biết, chỉ biết cảm ơn trời đã ban cho tôi người mẹ chồng đáng yêu như bà. Tôi ở bên bà tôi vui vẻ hạnh phúc bớt nhớ ba mẹ tôi nơi quê nhà.

Ngày tháng qua đi, mỗi ngày tôi có dịp nói chuyên với bà, bà hay kể tôi nghe chuyện xa xưa của bà. Từ ngày bà còn bé thơ, đến thời xuân sắc lấy chồng cho đến khi theo con qua xứ người. Cả một cuộc đời của bà nghèo khó, khổ cực, nhẫn nhịn vì chồng thương con.

Tôi chắc mẹ chồng tôi chẳng được đến trường học như tôi nhưng bà chính là người thầy dạy tôi cách sống, cách cư xử làm vui lòng những người xung quanh, học cách làm vợ, làm mẹ cho phải đạo tào khang. Có thể bà chẳng biết câu nói “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” của đạo nho giáo,nhưng bà đã làm điều đó cả đời.

Lấy chồng bà theo chồng về xứtheo chồng, chồng chết ở vậy nuôi con, một thiếu phụ trong thời loạn lạc. Khi con khôn lớn, thì một lần nữa bà lại nuốt nước mắt vào lòng nhìn những đứa con vược biển ra đi tìm tương lai mới nơi đất khách. Một mình vò võ nơi quê nhà trông chờ tin con không biết ngày về hội ngộ, vậy mà bà vẫn sống, vẫn chờ và hy vọng.

Cái ngày mong đợi được sống bên con cũng đến với bà, khi chồng tôi bảo lãnh cho bà qua sống chung. Nhưng nơi xứ ngưới con cái làm sao chăm sóc và có nhiều thời gian ở bên cha mẹ như việt nam.

Mẹ chồng tôi suốt ngày ở nhà đi ra đi vào chỉ một mình, vì con trai bà đi làm từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối mới về. Bà kể với tôi, khi bà mới qua bà khóc không biết bao nhiêu lần chỉ vì sống mà như ở tù, có miệng mà như câm vì không thể nói cho dân bản xứ hiểu, biết chữ mà như mù vì sách báo, phim ảnh toàn nói tiếng tây.

Vậy mà người phụ nữ ấy vẫn sống không một lời than buồn khổ, bởi chính cuộc đời của bà khổ quá nơi quê nhà nên với bà dù sao bên xứ người cũng sung sướng hơn về mặt vật chất…còn về tinh thần thì không thể đòi hỏi gì hơn.

Tôi thương bà vì bà khổ hơn tôi gấp trăm lần. Tôi đi vì tiếng gọi tình yêu hấp dẫn nơi tuổi trẻ của tôi, tôi có thể tự quyết định cuộc sống cho riêng tôi. Còn mẹ chồng tôi, bà rời bỏ quê hương vì trách nhiệm làm mẹ sống gần con cháu cho chúng yên tâm, vì muốn an ủi tuổi già bên con cháu mà ra đi và cũng muốn thoát khỏi cái nghèo đói nơi quê hương.

Bà ra đi không một vốn lặn lưng, tiền bạc cũng như tri thức…nhưng bà vẫn sống. Bà sống để hoài niệm lại Việt Nam, để nhớ từng địa danh, nhớ từng con người, nhớ từng cái tên của những người thân yêu nơi bà sinh ra và lớn lên. Từng chuyện xảy ra trên quê mẹ, bà nhớ như in, nó như mới vừa xảy ra hôm qua, hôm nay bà kể lại cho tôi nghe mà không quên cầm theo chiếc khăn! tôi không biết bà nhớ quê mà khóc hay bà thương cho thân phận bà mà khóc.

Ai đó có thể nói rằng mẹ chồng tôi âu cũng là sung sướng vì được đi tây là sướng, nhất là các bà các chị ở việt nam. Biết bao người ở quê nhà mong được như mẹ chồng tôi, mong được thoát khỏi cái đói nghèo đeo đẳng tuổi già nơi quê nhà, mong được một ngày đổi đời nơi xứ lạ. Rồi cũng biết bao bà mẹ nơi xứ người cùng tâm trạng như mẹ chồng tôi bây giờ, khát khao, hoài niệm về cố hương.

Kẻ trong nước mong ra nước ngoài, kẻ nước ngoài mong ngóng được về sống chết nơi quê nhà. Câu hỏi trong lòng tôi thật lớn! vì sao có chuyện nghịch lý như vậy??? phải chăng đất nước sau 30 năm giải phóng mà người dân quê tôi vẫn muốn ra đi, lòng người nước Việt muốn quay về mà không thấy lối.


australia 03\08\2006

DgNg

Monday, July 31, 2006

Nhập gia tùy tục

Nhập gia tùy tục (( when in Rome, do as the Romans do)

Rời khỏi Việt Nam trên chuyến bay Vietnam airline, chào tạm biệt quê hương Việt Nam yêu dấu, nơi có biết bao kỷ niệm của tuổi thơ tôi, nơi có biết bao người thân yêu của tôi ở lại và bao truyền thống tốt đẹp dạy tôi làm người và cũng biết bao chuyện buồn mà người dân quê tôi đang hứng chịu từng ngày. Tôi lên đường theo chồng định cư.

Bước xuống phi trường Sydney, cả một đoạn đường dài từ nơi máy bay hạ cánh, đến chỗ tôi làm thủ tục nhập cảnh đi mỏi cả chân. Hải quan Úc giúp tôi làm thủ tục nhanh chóng, vui vẻ và đầy thân thiện.

Thế là tôi đã đến Úc, nơi tôi bắt đầu làm dâu xứ người và cũng là nơi tôi phải “nhập gia”.
Những ngày đầu tiên sống trên xứ người, thời tiết thay đổi 180 độ. Tôi ở Việt Nam đang là tháng 6 mùa hè, trời oi bức vào buổi sáng, ban chiều trời ầm ầm sấm chớp và cơn mưa bất chợt ập đến….thế nhưng, mất 8 tiếng ngồi máy bay, tôi đã có ngay mùa đông lạnh lẽo trên đất khách.

Tiết trời mùa đông làm tôi khó chịu, tôi ở xứ nóng đã quen nên gặp trời lạnh, tôi ở nhà trùm mền ngủ vùi chẳng muốn đi đâu, làm gì.

Thời gian trôi qua nhanh chóng, thấm thoát đã hết mùa đông, tôi bắt đầu làm quen dần với mọi thứ.

Một ngày nọ, chồng tôi hỏi tôi “ em đã học được gì từ khi em qua Úc đến nay?” tôi chợt giật mình, ừ nhỉ…tôi đã học được gì….hình như là không có gì hoặc có rất nhiều tôi cũng chẳng thể biết và nhớ hết. Hình như tôi thấy người Việt Nam ở Úc và ở quê hương tôi chẳng có gì khác.

Thế thì đúng quá rồi! đáng tự hào làm sao! vì con người việt nam chúng ta qua bao nhiêu năm bị giặc tàu, giặc tây đô hộ còn chưa bị đồng hóa nói chi là qua xứ này.

Vẫn con người Việt nam cần cù chăm chỉ, thông minh, hoạt bát, vui vẻ xởi lởi khi gặp đồng hương. Ôi! thương sao những đức tính đáng yêu, những truyền thống quý giá của dân tộc Việt không bị mất đi.

Những tiếng nói và chữ viết của người Việt được mang sang tận xứ người cho con cháu học hỏi đừng mất gốc. Tôi lấy làm tự hào vì mình là người Việt sống nơi xứ người.

Nhưng than ôi! Niềm tự hào của tôi không đủ lớn để che hết những lối sống và cách cư xử của người dân Việt.

Tôi vẫn thấy cảnh những em bé được cha mẹ cho tiểu tiện ngay lề đường, những thói quen ăn đâu vất rác đó của dân tôi, và vào giáo đường mà bọn trẻ nói chuyện như nơi công cộng.

Có thể bạn cho tôi là kẻ khó tính, kẻ trưởng giả học làm sang vì tôi chẳng qua cũng là dân cùng đinh xứ Việt, du nhập vào xứ Úc hòng kiếm miếng cơm manh áo mong thoát khỏi cái đói nghèo trên quê hương… Vâng, tôi đồng ý mình chỉ là kẻ chân ướt, chân ráo đến đây…nhưng tôi tự hỏi…tại sao chúng ta không “nhập gia tùy tục”, điều này ông bà mình có dạy cho mình chứ đâu phải không.

Một đất nước úc xinh đẹp với đường phố sạch, xanh và bất kể ở đâu họ cũng có nhà vệ sinh công cộng, tại sao bạn không tìm chỗ để cho con bạn giải quyết.

Đành rằng khi xưa bạn ở Viện nam, nhà nước ta nghèo quá, chỉ kêu gọi dân đóng thuế cho quan chức có tiền đánh bài, ăn chơi chứ không có tiền xây hầm xí cho dân giải quyết chuyện khó nói.

Tôi rất thông cảm với bạn, vì khi tôi còn ở Việt nam tôi cũng từng chứng kiến những người bạn nước ngoài của tôi phải giải quyết chuyện khó nói ngay trước mặt mình vì họ không còn đường nào lựa chọn, thật xấu hổ làm sao!.

Cả một đoạn đường từ Bình Dương về thành phố mang tên HCM, đẹp biết bao mà chẳng có cái toilet nào để những vị khách nước ngoài của tôi trút bầu tâm sự..họ đành làm đại ngoài đường như tôi thấy bạn đang “xi” con bạn trên đường vậy...

Bạn hãy tỉnh táo và xin nhớ, bạn đang ở xứ Úc, xứ này họ tốt hơn…tiền bạn đóng thuế cho chính phủ, họ làm mọi việc để phục vụ cộng đồng, phục vụ bạn …vậy tại sao bạn không hưởng thụ đồng tiền bạn bỏ ra để học lấy cái văn minh “ nhà nước phục vụ cho dân, vì dân” bạn tội gì đêm chuyện văn minh lá mít nơi quê hương ra khoe với thiên hạ…không khéo dân úc họ tưởng dân ta có truyền thống “ăn đâu, làm bậy đó” thì thật là oan uổng cho người Việt ta lắm lắm.

Lại nói đến chuyện xả rác thì ôi thôi…chuyên dài nhiều tập. Phải công nhận người Việt mình tính toán thần sầu, quỷ khóc.

Ở Việt Nam đi đến đâu cũng thấy rác, vì rác kiếm được tiền…lượm rác ở việt Nam có tiền…nên bạn quen xả rác xem như bạn làm phước cho những em bé hay các cụ già kiếm cơm qua ngày bằng rác thải của bạn, thôi thì tôi cũng thông cảm vì tình thương mến thương bạn giành cho đồng loại đến thế là cùng.

Khi Tôi đến xứ Úc hỏi nhiều người, ở xứ chuột túi này có ai mua ve chai không? Họ nói chẳng ai thèm….tuần nào chính phủ cũng cho người lại đổ rác, ấy thế mà đi bất cứ đâu, tôi để ý thấy người Việt chúng mình,mặc dù người ta có sẵn thùng rác để bỏ, nhưng chúng ta cứ nghĩ “ đã bỏ tiền thì phải được phục vụ”.

Đóng thuế cho chính phủ thì xả rác để chính phủ mướn người lượm rác cho ta, vào quán ăn đâu để lại chiến lợi phẩm cho người phục vụ giải quyết giúp vì tiền mình đã trả rồi phải được phục vụ cho đáng đồng tiền bát gạo. Chúng ta thiếu mất tinh thần tự giác hay ý thức tự giác của người Việt mình không có???

Nhưng dù bạn không có tinh thần tự giác như người tây cũng chẳng sao, bạn hãy phát huy tinh thần yêu thương đồng loại của người Việt mình..hãy thương những người phục vụ vì chỉ cần bạn ý thức một chút, sẽ không mất công có người khác tốn sức đi sau dọn dẹp chiến tích của bạn.
Nói đến nơi công cộng, tôi là đứa hướng ngoại. Nhớ hồi còn ở đất Việt,tôi theo đạo công giáo nhưng lại hay đi lễ nhà thờ Đức Bà vào lễ giành cho người nước ngoài mới chết. Chẳng phải hay ho gì cho cam, tôi cũng biết một vài chữ tiếng tây, tiếng u nên nghe hiểu lõm bõm, được cái cha làm lễ song ngữ nhưng nói tiếng việt nhiều hơn tiếng anh, thành ra tôi vẫn đi lễ và hiểu như lễ người việt.

Tôi hay ngồi hàng ghế cuối nhà thờ cho thoáng vì đến chỗ đông người tôi hay bị mệt.

Mẹ tôi hay bảo đi nhà thờ mà ngồi ở cuối thì Chúa không thương vì có lễ được gì…..nhìn thiên hạ thì đúng hơn…quả thật không sai.

Tôi đi lễ lúc nào cũng phải cầu nguyện Chúa tha tội bất xứng khi dâng lễ với Chúa mà cứ phải nhìn thiên hạ. số là nhà thờ tôi đi có niên kỉ hàng trăm năm, được thiên hạ tứ phương tám hướng biết đên, nên tây, tàu gì đâu đâu cũng đến chiêm ngưỡng kiến trúc của ngôi nhà thờ.

Khách vào viếng nhà thờ đông nườm nượp, thế nhưng vào giờ lễ họ cũng đi, nhưng rất khẽ, và ra dấu cho nhau mỗi khi muốn trao đổi điều gì…rất ít khi tôi thấy họ nói chuyện trong nhà thờ. Đó là khách tây đến đất nước ta.

Còn ta trên đất tây thì sao??? Trời ạ…tôi phải cầu Chúa tha tội cho vợ chồng tôi vì hai đứa tôi đi lễ mà cứ phải nghe đám trẻ nó tỏ tình yêu thương.

Thôi thì chúng tôi già rồi không lãng mạng như bọn trẻ, chúng yêu đương thì cón biết đến chi…nhưng tôi nghĩ, xứ này tự do, chúng có thiếu gì cơ hội tỏ tình, thiếu gì nơi để nói chuyện yêu đương…cớ sao chúng lại đem nhau vào nhà thờ, nơi đang cử hành thánh lễ mà nói chuyện như chốn không người.

Đâu phải chỉ có kẻ yêu nhau mới tỏ tình, các bà, các chị một tuần gặp nhau một lần cũng vui vẻ nói chuyên gọi nhau í ới. Tôi thương cho họ vì họ không biết việc họ làm gây phiền cho bao nhiêu người khác phải chịu đựng hay tại người việt nam mình không phân biệt được đâu là nơi công cộng và đâu là nơi riêng tư.

Điều này thì chết thật, bởi lẽ nơi thờ phụng cần tôn nghiêm và nhất là nơi công cộng cần tôn trọng người khác.

Tôi nói đây là những chuyện tự răn dậy mình, nói chuyện người rồi ngẫm đến ta mà tránh chứ không có ý nói xấu hay bêu rếu ai hoặc mỉa mai dân tộc mình. Tôi yêu qúy dân tôi và tôi chỉ muốn dân mình không làm cho các dân khác nghĩ mình là những kẻ trong rừng mới ra hay ít ra không để họ xem thường người Việt trên đất úc.

Theo tôi được biết hầu hết người Việt đều thành công trên đất khách từ kinh doanh đến học vấn. Tôi mong sao một chút cái nhìn phiến diện của mình đem lại cho dân tôi một ý thức nhỏ nhoi và trước hết hãy tạo thiện cảm với người bản xứ bằng việc “ nhập gia tùy tục” đến sống và làm việc thì hãy theo phong tục, tập quán của họ và biết học hỏi điều tốt nơi họ…đừng đem điều xấu làm tổn hại đến vong linh Con Rồng Cháu Việt mà có tội với Tiền Nhân.

Tác giả:

DgNg