head

Wednesday, August 02, 2006

Mẹ chồng tôi

Mẹ chồng tôi

Tôi rời quê hương qua xứ người ngay vào mùa đông. Trời mùa đông xứ Úc lạnh và có mưa. Những cơn mưa không lớn ào ạt như Việt Nam, nhưng đủ làm cho lòng người buồn lại thêm buồn.

Ngày tôi về làm dâu chào ra mắt, mẹ chồng tôi nhìn tôi từ đầu đến chân rồi bà chỉ gật đầu như ra hiệu bà biết sự hiện diện của tôi. Khi mở miệng chào bà “ con chào mẹ, mẹ khoẻ không ạ” bà sửa lại bằng một giọng miền tây nam bộ “gọi bằng dú” – nếu viết đúng chính tả phải là vú – và bà cho phép tôi về phòng nghỉ sau một chuyến bay dài mỏi mệt.

Mặc dù được chồng báo trước mẹ anh thuộc dạng phụ nữ dễ hòa đồng và hoạt bát nhưng tôi vẫn lo lắng. Nỗi lo của tôi bắt nguồn từ việc tôi làm dâu mà bà không đi cưới, bà chẳng biết tôi là ai và tôi cũng chưa một lần gặp bà.

Ngày đất nước hát bài ca khải hoàn, nam bắc một nhà, là ngày chồng tôi rời khỏi quê hương. Vài năm sau, anh bảo lãnh mẹ qua sống cùng. Ngày anh về cưới tôi mẹ chồng tôi không về được vì bao nhiêu lý do, mà lý do duy nhất bà không về được có lẽ vì bệnh lo lắng của người già. Người già có trăm ngàn lý do để lo và mẹ tôi cũng không nằm ngoài số người đó.

Ngày đầu tiên ở nhà với bà, tôi lo lắng không biết mình sẽ làm gì và nói gì. Chồng tôi đi làm từ sớm, ở nhà chỉ có tôi và bà. Dù sao chúng tôi cũng sống dưới một mái nhà “chẳng lẽ tôi sợ bà hoài rồi trốn trong phòng luôn sao!” nghĩ vậy nên tôi mạnh dạn bước đến phòng bà. Căn phòng đối diện phòng vợ chồng tôi, nó im lặng đủ làm tim tôi đập loạn xạ, rón rén khẽ gõ cửa, bên trong vọng ra một giọng nhỏ nhẹ trầm ấm“ vào đi”. Tôi bước vào, một bà lão đang ngồi bên song cửa sổ, trong tay đang cầm chiếc kim và cái áo ngước nhìn tôi, điệu bộ y hệt má tôi bên nhà. Chiếc rèm cửa buông xuống được vén qua hai bên vừa đủ ánh sáng lọt qua cho tôi nhìn rõ căn phòng nhỏ gọn đầy đủ tiện nghi, ngăn nắp và ấp áp.

Hôm qua tôi mới trình diện bà và bị bà sửa dạy nên sợ không dám nhìn rõ bà cho kỹ. Hôm nay tôi vào phòng và đứng khoanh tay chào bà như đứa trẻ lên ba. Mẹ chồng tôi với khuôn mặt hiền từ như bà tiên trong truyện cổ tích, đôi mắt già nua nhưng linh hoạt nhìn tôi đầy âu yếm.Mái tóc bạc được cắt tém khéo léo trông bà không chút gì quê mùa như trong trí tưởng tượng của tôi. Bà cầm tay tôi bảo “ ngồi xuống đây, không cần đứng làm lễ như thế”.Tôi vốn dĩ là dân trăm phần trăm sống trong miền nam, người thành phố nhưng cha mẹ, ông bà tôi là gốc bắc, nên tôi bị anh hưởng lời ăn, tiếng nói và cách sinh hoạt từ họ.

Cử chỉ thân thiện của bà làm tôi an tâm phần nào và cảm thấy thân thiện hơn không sợ sệt như ban đầu. Ngày còn ở nhà, tôi thấy các chị dâu tôi ngày đầu về làm dâu chào ba má tôi, mặc dù ông bà là người hiểu biết và đáng yêu nhưng ông bà cũng không thể hiện cử chỉ gần gũi như mẹ chồng tôi đối với tôi lúc này.

Chiều cao của tôi vừa đúng chuẩn quy định dự thi hoa hậu miệt vườn, vậy mà khi ngồi xuống bên cạnh bà, tôi phát hiện mẹ chồng tôi nhỏ bé hơn tôi. Nước da bà trắng hồng, dù ở độ tuổi thất thập cổ lai hy nhưng hai gò má vẫn đỏ hồng mà tôi có thể cam đoan so với cái tuổi qua hai mùa trăng trẻ trung của mình, tôi cũng không có đươc.

Những ngày đầu làm quen với cách gọi bà bằng “dú” tôi cứ quên hoài, thỉnh thoảng luống cuống tôi gọi mẹ rồi chợt nhớ sửa lại. Quả thật, tiếng gọi đó ngày xưa tôi học môn tiếng việt lớp hai trong bài “cách xưng hô” tôi có biết, nhưng tôi sống bên quê nhà có nghe ai gọi như vậy đâu.

Tôi đúng người việt thứ thiệt chứ chẵng phải ngoại lai, mà nhất là gốc bắc thì tự hào lắm về cách phát âm và nghe tiếng việt chuẩn xác, thế mà tôi bao phien khổ sở với tiếng mẹ đẻ của mình. “Dú” tôi không gọi tôi bằng cái tên cha cúng cơm bên nhà cha mẹ tôi đặt cho, bà gọi tôi bằng tên của chồng tôi thêm vào trước hai chữ vợ thằng, thế là tôi có thêm tên mới “ vợ thằng D”.

Lắm lúc bà gọi, tôi không nhận ra bà gọi tôi, vì quên mất mình có chồng và chồng mình tên đó, nên tôi cho bà gọi cả buổi trời mà không thèm thưa, đến khi nhớ ra tôi mới biết bà kêu mình.

Tôi không dám tự hào tôi tốt nghiệp đại học bên Việt Nam vì tiếng Việt tôi ghê quá, nói cũng không xong mà nghe cũng không ổn. Có lần mẹ chồng tôi đi chợ mua hành lá về, bà bảo tôi “con đưa hành cũ cho dú” tôi tìm hết cái tủ lạnh cũng không thấy “hành củ” đâu, tôi nói “nhà mình đâu có hành củ”.” Dú”vừa nói vừa chỉ ” hành cũ là hành hôm qua dú mua, còn hành mới hôm nay con hãy đem cầt vào tủ” À! Thì ra lành hành cũ và hành mới chứ không phải như tôi nghe củ hành. “Dú” giải thích thêm “khi nào dú nói là củ hành thì mới là củ hành tím”.

Trời trời…tôi người Việt mà còn nghe hỏng ra, không phân biệt được, hèn chi người nước ngoài học tiếng việt than khó là phải rồi. Tôi thích nói chuyện với “dú” vì bà dùng nhiều tiếng địa phương rặc mùi miền tây “gạo trắng nước trong” Bất cứ nấu món gì bà cũng hỏi tôi có giống Việt Nam không? Tôi không biết bà muốn nhắc để tôi nhớ việt nam, hay bà nhắc cho chính bà đừng quên đất Việt.

Tôi lúc nào cũng than ở đây người ta ăn cái gì cũng to, tô phở bên xứ người to bằng cái nồi má tôi ở nhà nấu canh cho cả nhà ăn. Dú chọc tôi “ở Việt nam ăn tô phở xắn quần lội cả buổi cũng chưa thấy miếng thịt, ở xứ này không có sức mà ăn”

Ngày qua ngày, sự thân thiện của chúng tôi càng tăng. Phát hiện đầu tiên tôi khám phá nơi mẹ chồng tôi là bà cưng chiều chồng tôi hết mực, bà nấu tất cả những món anh thích, biết tính anh ăn ngọt, mặn đắng cay, mềm. dẻo, cứng ra sao bà rõ mồn một. Thỉnh thoảng tôi than phiền và hỏi bà có biết chồng tôi khó tính, cẩn thận quá không? Bà cười bảo” con tui đẻ ra mà sao hỏng biết”.

Bà thương chồng tôi nên bà cũng thương tôi. Bà sợ tôi lạnh nên không cho rửa bát, nấu cơm mặc dù những thứ đó hồi ở Việt Nam tôi làm thường xuyên như chuyện thường ngày ở huyện. Ban đầu tôi nghĩ chắc bà sợ tôi làm lóng ngóng sẽ hư, đổ bể hết đồ của bà, nhưng sau này bà nói với tôi, vì bà không chính thức đi cưới tôi, nên bà không thể lựa chọn tôi theo ý bà muốn và tôi thiệt thòi vì bị mang tiếng có má chồng mà không về cưới nên bà thương tôi, bà muốn bù đắp cho tôi, bà chỉ cần tôi ăn những thứ bà nấu mà không khen chê là tốt rồi.

Nhưng nói vậy tôi cũng là đứa ngoan nên thấy bà thương, tôi cũng thương bà, giành phần nấu nướng cho bà, nhưng dọn dẹp rửa chén phần tôi. Hai mẹ con tôi ở nhà quấn quýt bên nhau nên cũng vui. Cần một thời gian ổn định mọi việc tôi mới được đi học, đi làm, tạm thời tôi ở nhà với bà.

Sáng bà nấu cho tôi ăn sáng, 10 giờ sáng tôi thức dậy chỉ cần bỏ thức ăn vào lò vi sóng, bấm hai phút là đồ ăn nóng, có thể ăn được. Tôi suốt ngày được bà cho ăn, bất cứ thèm gì, thích gì chỉ cần nói bà sẽ đáp ứng nhu cầu cho tôi.

Mẹ chồng tôi cưng chiều tôi còn hơn cả chồng tôi. Thế mà trước kia, ngày tôi còn bé có lần tôi được bà tôi dắt đi coi kịch “ lá sầu riêng” tôi còn nhớ bà mẹ chồng độc ác đuổi cô con dâu ra khỏi nhà, đánh đập thảm thương. Lớn một chút tôi chứng kiến không biết bao nhiêu chuyện xích mích nàng dâu mẹ chồng….tôi sợ lắm cảnh làm dâu, tôi tự nói nếu có lấy chồng tôi lựa người chết cha, chết mẹ chứ nhất định không làm dâu.

Với tôi, chuyện làm dâu nó khinh khủng gần như khủng bố đánh sập tòa tháp đôi ở Mỹ. Thế mà…chắc kiếp trước mẹ chồng tôi mắc nợ tôi hay tôi khéo tu nên kiếp này tôi được mẹ chồng thương đến thế. Tôi cũng chẳng biết, chỉ biết cảm ơn trời đã ban cho tôi người mẹ chồng đáng yêu như bà. Tôi ở bên bà tôi vui vẻ hạnh phúc bớt nhớ ba mẹ tôi nơi quê nhà.

Ngày tháng qua đi, mỗi ngày tôi có dịp nói chuyên với bà, bà hay kể tôi nghe chuyện xa xưa của bà. Từ ngày bà còn bé thơ, đến thời xuân sắc lấy chồng cho đến khi theo con qua xứ người. Cả một cuộc đời của bà nghèo khó, khổ cực, nhẫn nhịn vì chồng thương con.

Tôi chắc mẹ chồng tôi chẳng được đến trường học như tôi nhưng bà chính là người thầy dạy tôi cách sống, cách cư xử làm vui lòng những người xung quanh, học cách làm vợ, làm mẹ cho phải đạo tào khang. Có thể bà chẳng biết câu nói “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” của đạo nho giáo,nhưng bà đã làm điều đó cả đời.

Lấy chồng bà theo chồng về xứtheo chồng, chồng chết ở vậy nuôi con, một thiếu phụ trong thời loạn lạc. Khi con khôn lớn, thì một lần nữa bà lại nuốt nước mắt vào lòng nhìn những đứa con vược biển ra đi tìm tương lai mới nơi đất khách. Một mình vò võ nơi quê nhà trông chờ tin con không biết ngày về hội ngộ, vậy mà bà vẫn sống, vẫn chờ và hy vọng.

Cái ngày mong đợi được sống bên con cũng đến với bà, khi chồng tôi bảo lãnh cho bà qua sống chung. Nhưng nơi xứ ngưới con cái làm sao chăm sóc và có nhiều thời gian ở bên cha mẹ như việt nam.

Mẹ chồng tôi suốt ngày ở nhà đi ra đi vào chỉ một mình, vì con trai bà đi làm từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối mới về. Bà kể với tôi, khi bà mới qua bà khóc không biết bao nhiêu lần chỉ vì sống mà như ở tù, có miệng mà như câm vì không thể nói cho dân bản xứ hiểu, biết chữ mà như mù vì sách báo, phim ảnh toàn nói tiếng tây.

Vậy mà người phụ nữ ấy vẫn sống không một lời than buồn khổ, bởi chính cuộc đời của bà khổ quá nơi quê nhà nên với bà dù sao bên xứ người cũng sung sướng hơn về mặt vật chất…còn về tinh thần thì không thể đòi hỏi gì hơn.

Tôi thương bà vì bà khổ hơn tôi gấp trăm lần. Tôi đi vì tiếng gọi tình yêu hấp dẫn nơi tuổi trẻ của tôi, tôi có thể tự quyết định cuộc sống cho riêng tôi. Còn mẹ chồng tôi, bà rời bỏ quê hương vì trách nhiệm làm mẹ sống gần con cháu cho chúng yên tâm, vì muốn an ủi tuổi già bên con cháu mà ra đi và cũng muốn thoát khỏi cái nghèo đói nơi quê hương.

Bà ra đi không một vốn lặn lưng, tiền bạc cũng như tri thức…nhưng bà vẫn sống. Bà sống để hoài niệm lại Việt Nam, để nhớ từng địa danh, nhớ từng con người, nhớ từng cái tên của những người thân yêu nơi bà sinh ra và lớn lên. Từng chuyện xảy ra trên quê mẹ, bà nhớ như in, nó như mới vừa xảy ra hôm qua, hôm nay bà kể lại cho tôi nghe mà không quên cầm theo chiếc khăn! tôi không biết bà nhớ quê mà khóc hay bà thương cho thân phận bà mà khóc.

Ai đó có thể nói rằng mẹ chồng tôi âu cũng là sung sướng vì được đi tây là sướng, nhất là các bà các chị ở việt nam. Biết bao người ở quê nhà mong được như mẹ chồng tôi, mong được thoát khỏi cái đói nghèo đeo đẳng tuổi già nơi quê nhà, mong được một ngày đổi đời nơi xứ lạ. Rồi cũng biết bao bà mẹ nơi xứ người cùng tâm trạng như mẹ chồng tôi bây giờ, khát khao, hoài niệm về cố hương.

Kẻ trong nước mong ra nước ngoài, kẻ nước ngoài mong ngóng được về sống chết nơi quê nhà. Câu hỏi trong lòng tôi thật lớn! vì sao có chuyện nghịch lý như vậy??? phải chăng đất nước sau 30 năm giải phóng mà người dân quê tôi vẫn muốn ra đi, lòng người nước Việt muốn quay về mà không thấy lối.


australia 03\08\2006

DgNg

5 comments:

  1. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete
  2. Chào Chi,
    Em xin tự giới thiệu về mình, vì chắc chắn rằng chị em mình chưa hề biết nhau :).
    Em là học viên lớp giáo lý Hôn Nhân của Nhà Thờ Chúa Cứu Thế. Em len mạng tìm tư liệu để làm bài Thu Họach cuối khóa, và đã được đọc bài của Chi, rất đầy đủ và súc tích. Em xin Chi cho e lấy một số thông tin để bổ sung vào bài làm của em. Cám ơn Chi.
    Qua blog e cũng được đọc bài viết "Mẹ Chồng tôi" cua Chị, rất tình cảm. E cũng sắp làm dâu, e mong sẽ được học hỏi thêm nhiều điều từ Chi. Rất vui đưuợc biết Chi.
    Em chúc Chi một ngày nhiều niềm vui, và Chúc anh Chi và gia đình luôn hạnh phúc, tràn đầy Hồng Ân Thiên Chúa

    ReplyDelete
  3. thật gen tuông vì chị có 1 mẹ chông như thế, còn em khổ sở vì mẹ chồng em lắm. là sao để cải thiện đc nhỉ.

    ReplyDelete