head

Thursday, September 08, 2005

BẢY ĐIỀU LUẬT VỀ DẤU HỎI NGÃ

V. BẢY ĐIỀU LUẬT VỀ DẤU HỎI NGÃ

LUẬT HỎI NGÃ gồm có BẢY ĐIỀU, nếu chúng ta chịu học thuộc lòng bảy điều nầy, thì sẽ viết đúng tới 90% các chữ có dấu Hỏi Ngã. Còn lại lối 10% là các ngoại lệ, nếu không nhớ hết thì nên tra Tự-vị, Tự-điển, hay Từ-điển.

BẢY ĐIỀU CỦA LUẬT HỎI NGÃ LÀ:

1)a. Tất cả TIẾNG HÁN-VIỆT khởi đầu bằng:

- các Nguyên-âm A, Â, Y, O, Ô, U, Ư và
- các Phụ-âm CH, GI, KH, PH, TH, S, X,

đều viết dấu Hỏi.

b. Tất cả TIẾNG HÁN-VIỆT khởi đầu bằng một trong bảy Phụ-âm sau đây, đều viết dấu NGÃ: L, M, N, NG, NH, D, V

2) Tất cả TIẾNG NÔM CÓ GỐC HÁN-VIỆT đều tùy tiếng gốc mà bỏ dấu theo luật:

"KHÔNG, SẮC, HỎI = HỎI;
HUYỀN, NẶNG, NGÃ = NGÃ"

3) Tất cả TIẾNG NÔM ĐƠN, KHÔNG CÓ GỐC HÁN-VIỆT đều tùy tiếng chánh mà bỏ dấu theo luật:

"KHÔNG, SẮC, HỎI = HỎI;
HUYỀN, NẶNG, NGÃ = NGÃ"

4) TIẾNG-NÔM-ĐÔI mà HAI TIẾNG ĐỀU CÓ NGHĨA thì Không theo Luật Trầm Bổng mà mỗi tiếng giữ chánh tả riêng của nó.

5) TIẾNG-NÔM "LẤP-LÁY" là TIẾNG ĐÔI có một tiếng Không nghĩa, hoặc cả Hai tiếng đều Không nghĩa, thì tiếng sau tùy tiếng trước mà bỏ dấu theo luật

"KHÔNG, SẮC, HỎI = HỎI;
HUYỀN, NẶNG, NGÃ = NGÃ".

6) TIẾNG ĐÔI vì Thuận-thinh-âm mà BỎ BỚT một dấu giọng thì KHÔNG THEO luật

"KHÔNG, SẮC, HỎI = HỎI;
HUYỀN, NẶNG = NGÃ"
vì đó là tiếng chánh lập lại.

7) Tất cả TIẾNG NÓI TẮT đều viết Dấu Hỏi.

* * *

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. CHÁNH TẢ VIỆT NGỮ, Lê-ngọc-Trụ, Trường Thi, Sài Gòn
2. VIỆT NGỮ CHÁNH TẢ TỰ VỊ, Lê-ngọc-Trụ, Thanh Tân, Sài Gòn, 1959
3. CHÁNH TẢ TỰ VỊ, Trần-văn-Khải, Thanh-Trung, Sài Gòn, 1957
4. VIỆT NAM TỰ ĐIỂN, Lê-văn-Đức và Lê-ngọc-Trụ, Khai Trí, Sài Gòn, 1970
5. VIỆT NAM TỰ ĐIỂN, Hội Khai Trí Tiến Đức, Trung Bắc Tân Văn, Hà Nội, 1931
6. TÔI TẬP VIẾT TIẾNG VIỆT, Nguyễn-hiến-Lê, Văn Nghệ, USA, 1988
7. HOA VIỆT THÔNG DỤNG TỰ ĐIỂN, Tăng-văn-Hỉ. Sài Gòn, 1972
8. HÁN VIỆT TỪ ĐIỂN, Đào-duy-Anh, Trường Thi, Sài Gòn, 1957
9. VIỆT ANH TỰ ĐIỂN, Nguyễn-đình-Hòa, Tuttle, Vermont, 1966
10. VĂN PHẠM VIỆT NAM, Bùi-đức-Tịnh, Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục, Sài Gòn, 1968
11. TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT, Hoàng-Phê, Viện Ngôn Ngữ, Hà Nội 1994

VI. HỎI-NGÃ CHÁNH TẢ TỰ VỊ

Tuy đã có Bảy Qui tắc rõ ràng về cách bỏ dấu Hỏi Ngã, nhưng vì có nhiều ngoại lệ nên khó nhớ hết được. Để giúp độc giả trong những trường hợp phân vân, chúng tôi đã soạn sẵn phần HỎI NGÃ CHÁNH TẢ TỰ VỊ sau đây để độc giả tiện tra cứu khi cần.

CÁCH TRA CHỮ TRONG TỰ VỊ NÀY

1. Đối với những chữ kép thì tra theo vần của chữ có dấu Hỏi hay Ngã. Ví dụ muốn biết chữ Ủi trong An ủi viết dấu Hỏi hay Ngã thì tra chữ Ủi, hoặc Bẩn trong Dơ bẩn thì tra chữ Bẩn.

2. Những chữ kép mà chữ có dấu Hỏi hoặc Ngã đứng trước (ví dụ Mẫu thân) sẽ được sắp trước, và những chữ kép mà chữ có dấu hỏi học ngã đứng sau (ví dụ Gương mẫu, Kế mẫu) thì được sắp sau, nghĩa là Mẫu thân ở phần đầu chữ Mẫu, Gương mẫu Kế mẫu ở phần cuối chữ Mẫu.

3. Những chữ đồng âm được sắp gần nhau cho dễ tìm.

Ví dụ chữ VẢY, được sắp ngay sau những chữ VẢI, VÃI, thay vì theo thứ tự của mẫu tự thì phải cách xa nhau, sẽ không tiện cho độc giả tra tìm.

4. Chữ Y sắp chung với chữ I vì không có phân biệt gì trong khi phát âm. Chỉ do thói quen mà viết Quý hay Quí.



http://www.thuongviet.com/library/TuDienHoiNga.html

No comments:

Post a Comment