head

Monday, September 12, 2005

GIẢNG VỀ CƠ QUI NHẤT, NHO, LÃO, PHẬT, CHÚA

GIẢNG VỀ CƠ QUI NHẤT, NHO, LÃO, PHẬT, CHÚA

Về Nho Giáo: Phần đồng các con chê Khổng Giáo quê mùa cũ kỹ, không thích hợp với thời đại văn minh nguyên tử. Nhưng thử hỏi có con nào, thời mạt pháp này, làm y theo các lời dạy đó của nó? Số thực hiện thời rất ít còn số nào chưa làm được hãy thức tỉnh làm đi.

Muốn thực hiện được công cuộc vĩ đại, trước hết con phải thực hiện công việc nhỏ, tập sự cho quen rồi tiến sang những công việc lớn hơn, nặng hơn, khó nhọc hơn. Những việc đó là: Tam Cương, Ngũ Thường, Tam Tòng, Tứ Đức. Các điều này giúp các con tập sự thực hành theo Nhơn Đạo cho có căn bản, rồi theo đà đó các con phát triển tiến hóa thêm lần để hiệp nhứt với Cha, tức Đại Hồn Vũ Trụ.

Các con tập sự trung với Vua tức Thiên Tử (1). Thiên Tử có nghĩa là con Trời. Trời là Cha, là Đại Hồn Vũ Trụ, là Đại Thiên Địa. Con Trời là con của Đại Hồn Vũ Trụ, tức là Tiểu Hồn các con đó."Từ chỗ trung với Vua ở bên ngoài, con quay trở lại trung với chính con". Vì chính con mới là Thiên Tử (con Trời) là Vua cai quản Tiểu Thiên Địa tức bản thể của con (2). Tu thân, tề gia,trị quốc, bình thiên hạ: tức là các con cải sửa những điều sai lầm về thân trạng (không sát sanh, trộm cắp, tà dâm) công phu luyện đạo để giúp cho căn nhà bản thể tức tâm linh gia, được điều hòa trong sạch: đó là tề gia trong Tiểu Thiên Địa.

Chế ngự lục căn lục trần, thất tình chẳng khởi đắm, lục dục chẳng tham nhiễm, không cho chúng nổi lên làm loạn khảo đảo con: tức trị quốc. Con kềm chế dân trong nước con, cai trị dìu dắt hướng dẫn nó (tụi lục căn, lục trần, thất tình, lục dục) lên cõi sáng, tức là các con đã đưa nước con từ loạn quốc sang an lạc quốc, tức Xá Vệ Quốc vậy.

Từ chỗ thực tập Ngũ Thường (3) trong Nhơn Đạo đã quen, đã có căn bản, con phải thăng tiến nó lên. Từ tình thương cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, bà con thân tộc, đến tình thương giữa người và người, cho đến giữa người và vật, thành tình thương vô tận, thương hết thảy chúng sanh, không phân biệt thấp cao, đẹp xấu, giàu nghèo, sang hèn, ngu trí, thanh trược, loài vô tình, loài hữu tình, ở cõi hữu vi lẫn vô vi... tức là tình của Thượng Đế vậy.

Từ chỗ tập sự Tứ Đức trong Nhân Đạo, con tiến sang giai đoạn thực hiện Tứ Đức theo Thiên Đạo.

"Ở nhà theo CHA" (tại gia tòng phụ) có nghĩa là các con đều ở trong căn nhà đại bản thể của CHA, phải theo CHA tức là nghe lời CHA khuyên bảo: là siêng năng tu tiến để kịp dự kỳ Đại Hội Long Hoa.

"Xuất giá tòng phu" (4): Hay ra khỏi nhà theo chồng. Chồng của các con là ai, các con biết không? Người Chồng thực của các con chính là Hồn con, vợ là Vía. Các con phải cố gắng tìm gặp cho được chồng (hoặc vợ) bằng cách công phu luyện đạo cho âm đương hợp nhứt.

Hồn Vía tương hội để hai phần này không còn xa nhau được nữa, khiến các con quay ra tìm kiếm bên ngoài, lặn lội trong bể luân hồi đau thương, khổ não.

"Chồng chết theo con" (phu tử tòng tử) (4): có nghĩa là sau khi âm dương hiệp nhứt, dục vọng trược trần tiêu mất, ý niệm vợ chồng đã chết hẳn trong tâm thức các con. Giờ dây con phải xuống thế gian để dìu dắt các con của con, những Tiểu Hồn khờ dại, đắm nhiễm mê trần vươn lên tu tiến đặng trở thành con vậy.

Từ chỗ chăm làm (công) (5) những việc kiểu trần, giờ đây các con phát triển thành các việc làm theo đạo giải thoát tức tinh tấn tu hành.
Từ chỗ ham tô điểm (dung) (5) trau chuốt cho sắc đẹp thân thể, các con tiến sang chỗ tô bồi cho sắc đẹp tinh thần: tức thị hiện tình thương bằng các việc thiện lành cao cả.

Từ chỗ nói (ngôn)(5) những lời thật thà ngay thẳng mang lại sự hòa ái cho mọi người, con tiến sang nói những lời mặc khải để khai tâm mở trí cho chúng sanh thức tỉnh học đạo.

Để tiến hóa cho kịp theo đà của Càn Khôn, các con không bỏ đạo Khổng mà phải thăng hoa phát triển các điều dạy của Khổng thành vô cùng tận, để trở về hiệp nhứt với Thượng Đế.

Còn Lão Tử: thời dạy lý huyền cơ, lẽ bí nhiệm,tức sự vận chuyển của bộ máy âm dương Trời Đất theo dịch lý Càn Khôn. Dịch lý âm dương tuy đơn giản nhưng rất thâm diệu cao siêu.
Thực hiện theo Dịch lý tức con phải luyện kim đơn để gom Tinh Khí Thần về một, tức Thái Cực, rồi từ Thái Cực các con phải phanh luyện tiếp để xả hết dặng hòa vào Hư không tức vô cực.

Luyện kim đơn tứ là luyện tánh (tức không phải luyện thuốc như trong truyện tàu thường nói) luyện cho được tánh kim cang bất hoại: GẶP ĐỘNG KHÔNG LOẠN, GẶP TỊNH KHÔNG LẶNG, VÀO TRẦN KHÔNG NHIỄM, NHẬP NIẾT BÀN MÀ KHÔNG DIỆT, ĐỊNH MÀ KHÔNG CHẾT CỨNG, ĐI ĐỨNG NẰM NGỒI MÀ NHƯ KHÔNG ĐI ĐỨNG NẰM NGỒI, THUYẾT GIẢNG ĐẠO PHÁP MÀ NHƯ KHÔNG THUYẾT GIẢNG ĐẠO...

TỨC LÀ CÁC CON ĐÃ THỂ NHẬP ĐƯỢC LÝ VÔ VI VẬY.

Muốn luyện được tánh kim cang bất hoại, các con phải luyện cả hai cùng một lúc, tức tánh mạng song luyện, còn gọi là tu tánh và luyện mạng. Theo nguyên lý phản hồi:
Nếu tâm định, ý định,trí toàn: thời tinh trong, khí thanh, thần sáng. Còn tâm dịch, ý động, trí phân: thời tinh đục, khí trọc, thần mờ. Bởi thế muốn luyện mạng cho mau có kết quả, con phải nhíp tâm, định trí gìn ý, bế ngũ quan, siêng năng tinh tấn công phu luyện đạo, hành pháp luân cho lâu, thiền định cho tốt, điều này làm cho tinh trong, khí thanh, thần sáng giúp cho con mạnh khỏe cả thể xác lẫn tinh thần, mau tiến về cõi sáng.

Về Phật Giáo: Phần đông các con đều mê chấp cho rằng ba tạng kinh điển của Phật là thiên kinh vạn quyển ở bên ngoài các con, chứ thực sự các con đâu có ngờ rằng nó có ngay trong các Tiểu Hồn của các con... Thực ra ba tạng kinh nầy cũng vừa có ở bên ngoài các con mà cũng có bên trong các con. Ở bên ngoài các con: là ba tạng Kinh, Luật, Luận. Còn bên trong các con là:
Tạng Tâm, Tạng Trí và Tạng Ý.

Phật là bậc đại giác nên ba tạng kinh của Ngài rất lớn, còn con đang tu hành ba tạng của con nhỏ hơn. Giờ đây, con tinh tấn tu hành để phát triển cho bằng ba tạng của Phật:

KINH là tạng TÂM của PHẬT, tức thể BI của CÀN KHÔN.
LUẬN là tạng TRÍ của PHẬT, tức thể TRÍ của CÀN KHÔN.
LUẬT là tạng Ý của PHẬT, tức là thể DŨNG của CÀN KHÔN.

Các con bên Phật Giáo lâu nay cứ ngỡ rằng học hết ba tạng kinh điển tức sẽ thu nhận được chân truyền y bát của Phật, chứ con đâu có ngờ rằng: đó chỉ là lớp vỏ hình thức bề ngoài. Xưa,Tỳ Kheo Thiên Tinh giảng hết ba tạng kinh điển mà vẫn bị đọa địa ngục, A Nan nhớ hết ba tạng kinh điển mà vẫn bị nạn Ma Lăng Già, đến khi được Phật cứu, bị Phật quở trách: "Ông chỉ mạnh nhớ, nghe nhiều chứ không tu".

Huống chi ngày nay các con lem nhem vài ba chục quyển đã cho là hiểu Phật, thông pháp!. Muốn học thuộc ba tạng kinh điển đó: các con phải thường xuyên công phu, công quả, công trình!

Nhân nói về ba tạng Tâm, Ý, Trí, CHA nhắn lại các con bên Phật Giáo nhớ rằng: không phải chỉ thờ kinh Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng mà các con được giải đâu nghe con!
Tôn kính Tam Bảo có hai cách:

- Thờ lạy tượng cốt, kính dường, in kinh, cúng dường tăng chúng là giai đoạn tập sự cho những con người tu đạo nhân tiến hóa, để rèn luyện lòng trang nghiêm, bụng rộng rãi, dạ thoát trần.

Đây chỉ là hình thức hữu vi bên ngoài. Muốn thực sự cúng dường Tam Bảo, các con phải thực hiện theo cách vô vi thứ hai thì mới mong được giải thoát.

- Thờ Phật Pháp Tăng chính là thờ Tâm, Pháp và Ý của các con đó, vì Tâm con mới là hạt giống Phật, Trí con là hạt giống Pháp, Ý con là hạt giống Tăng.

Nếu các con thức tĩnh tu hành, có ý thoát ra khỏi sự ràng buộc của bể sanh tử luân hồi, thời các con phải siêng năng tinh tấn công phu luyện đạo để mở trí, thực hiện tình thương không biết mệt mỏi để khai tâm, dìu dắt hướng dẫn anh em đồng đạo cùng nhau tu tiến để luyện Ý. Nói chung là các con phát triển Bi, Trí, Dũng cho đến vô cùng tận, đừng để cho chúng giẫm chân tại chỗ, làm trì trệ sự tiến hóa của linh hồn con, trong cuộc thi nước rút trong kỳ chung kết Đại Hội Long Hoa kỳ Ba đã mở màn tại thế gian.

Còn Bên Thiên Chúa Giáo: Đức Chúa Con theo lệnh CHA hiện xuống trần, vừa sống như người trần gian, vừa sống một cách siêu nhiên, thuyết giảng đạo lý mặc khải và làm phép lạ nhiệm mầu để làm gương cho các con noi theo tu học, đặng biết ăn năn sám hối, bỏ ác làm lành, tránh vi phạm 7 mối tội đầu và10 điều răn của Chúa. Y theo các điều răn mà sống là các con đã tạo cho mình căn bản để phát triển ba điều cần thiết tức Bác Ái, Minh Triết và Ý Chí. Ba điều này tượng trưng như Bi, Trí, Dũng bên Phật giáo.

BÁC ÁI: Là biết thương yêu mọi người, mọi vật,ban bố tình thương cho nhau. Nếu đợi tình thương Chúa ban, tức các con chẳng hiểu ý nguyện của Chúa chút nào cả.

MINH TRIẾT: Là sáng suốt vô cùng. Các con phải nghiên cứu tu học nghiền ngẫm các lời dạy mặc khải trong kinh Phúc Âm, để mở trí thông minh, khai tâm đạo đức, tiến hóa nhanh trên đường đạo.

Ý CHÍ: Là thể hiện đức tin không mệt mỏi, không rời bỏ Chúa, xa lìa đạo, vấp ngã trên đường tu.

ĐỨC CHÚA CON: Chính là các Tiểu Hồn con đó, có phải CHA là Đại Hồn, chiết ra các Tiểu Hồn con xuống thế, để nếm chứng nghiệm, hiểu biết vô cùng tận, để rồi sau khi đắc đạo vô thượng, thấy được"Tự thể Thiên Chúa" (hay "Phật tánh" cũng vậy) hầu trở về hiệp nhứt với Đại Hồn Vũ Trụ.

Nhân tiện lý giải về giáo lý của Chúa, CHA phân tích tại sao sau này Thiên Chúa Giáo lại mọc thêm một nhánh, tức đạo Tin Lành, để các con trong hai chi này khỏi chia rẽ phân biệt nhau nữa mà sớm qui hiệp để tu hành cho kịp Cơ Phán Xét cuối cùng.

Bởi vì có một số đáng kể các tín đồ bên Thiên Chúa Giáo còn kẹt trong hữu vi, lấy bụng ta suy ra bụng Chúa, mê chấp cho rằng Đức Mẹ đồng trinh mà sao sanh ra được Chúa Giê-Su, điều này trái với khoa học, y học của thế giới hữu vi. Nhận xét này của một số lớn tu sĩ và tín đồ bên Thiên Chúa Giáo quả thật không sai với trình độ hữu vi, nhưng các con đó đâu biết rằng đây là phép lạ vô vi không thể nghỉ bàn của Thiên Chúa.

Thượng Đế sợ rằng các con đó dùng trí phàm suy luận, thấy vô lý rồi bỏ đạo uổng công tu hành, nên CHA tiếp điển cho một vị Thánh đóng vai linh mục, thay đổi một số điều căn bản trong giáo lý cho phù hợp với trình độ hữu vi, đặng lôi kéo một số lớn tu sĩ và tín đồ vào đạo tu hành.

Giờ đây, CHA thử hỏi các con, nếu Đức Mẹ đồng trinh thời ai tu cho con tiến hóa đặng giải thoát khỏi ách trầm luân đau khổ? Còn nếu giả như Đức Mẹ mất trinh, các con không chịu tu thời các con có được tiến hóa hay không? Thế nên, dù Đức Mẹ đồng trinh hay mất trinh, thời cũng chính con, nếu muốn tu hành đặng sớm về cõi Thiên Đàng giải thoát, thời phải tiến lên nghiên cứu tu học và thực hiện tình thương theo lời Chúa dạy, đặng rút ngắn con đường trở về, kẻo không còn thời giờ để tranh cãi về Đức Mẹ đồng trinh hay mất trinh, mà không kịp nữa nghe con.

CHA thấy một số các con bên Thiên Chúa Giáo quá câu nệ vào việc đi nhà thờ xem lễ mà quên rằng: tự tu tự tiến mới là cần thiết, những lúc đầu thôi. Sau một thời gian lâu làm quen với cảnh trang nghiêm của giáo đường, hiểu được giáo lý của Thiên Chúa, tin rằng giáo lý đó dẫn dắt các con đến chỗ thiện lành sáng suốt và tự nhận thấy có căn bản vững chắc, thời ở nhà tu tốt hơn.

Các con chớ ngại rằng như thế là trái lời dạy của Thiên Chúa, phạm 10 điều răn, mang tội với Chúa. Các con ơi, tội hay không là do chính con. "ĐIỀU GÌ LÀM TRÌ TRỆ CHO SỰ TIẾN HÓA CỦA CON MỚI LÀ TỘI. CHỨ KHÔNG PHẢI BỎ ĐI NHÀ THỜ LÀ CÓ TỘI NGHE CON." Các con dựa theo trình độ hữu vi xét như thế cũng phải, nhưng CHA sẽ dùng trình độ hữu vi để dẫn chứng cho con hiểu rõ vấn đề này hơn:

Các con hãy hình dung: khi có một đứa em con ra đời, lớn dần khoảng 4 tuổi là bắt đầu cắp sách đến trường, chập bước vào con đường học vấn. Đầu tiên đứa bé vào lớp mẫu giáo tập sự học hành, rồi lần lượt tiến sang lớp I, lớp II v.v... để nhường chỗ cho những đứa em nhỏ của nó ra đời sau vào học. Nếu như nó cứ ngồi lỳ ở đó mải, tức là nó đã tự trì trệ sự tiến bộ của nó và choán chỗ làm cản trở sự học cho những đứa em ra đời sau nó.

CHA muốn sự này để ví dụ cho con thấy rằng: nếu con cứ đi nhà thờ hoài suốt cả đời của con, tức là con làm trì trệ sự tiến hóa của con, và con choán chỗ làm cho những đứa em của con không có chỗ vào học.

Cũng như bên Phật Giáo, đi lễ chùa (hay ở nhà thờ) là hình thức hữu tạm thời, tập sự còn thờ kính Phật Chúa bên ngoài làm Phép Rửa Tội, và tập tễnh ê a kinh Phúc Âm của Chúa (hoặc kinh Di Đà): đây là hình thức khởi đầu, dìu dắt các con tu Nhân Đạo bước sang Thánh Đạo, Phật Đạo vậy.

Giờ đây đã hiểu rồi thời CHA khuyên các con nào đi nhà thờ đã lâu và tự thấy đủ sức để tự tu tự tiến, các con nên ở nhà để tu hành, đặng nhường chỗ trong nhà thờ lại cho những đứa em con, tập sự vào thế chỗ con, để tu học theo đúng luật tiến hóa: trình độ cao phải nhảy sang lớp cao để nhường lại cho trình độ thấp bước vào lớp thấp mà tu tiến.

Rốt cùng, cái học hành của Khổng, lý hành của Lão,tu hành của Phật, thực hành của Chúa, cũng như hoạt động của các tôn giáo khác như Hồi Giáo, Ấn Giáo,Cao Đài, Hòa Hảo, cũng như của Thông Thiên Học, các môn phái Yoga v.v... đều là thi hành theo

Thiên Ý của Thượng Đế, phụng sự cho Cơ Tiến Hóa, đóng góp vào mục tiêu tiến hóa đời đời để được hằng hữu đời đời cho Càn Khôn Vũ Trụ mà thôi.

NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ VÔ CỰC ĐẠI THIÊN TÔN.

No comments:

Post a Comment